Kiểm soát tải trọng gắn với tái cơ cấu thị trường vận tải

Nhìn lại bức tranh an toàn giao thông năm 2014, có thể thấy năm qua tiếp tục là một năm công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông có những chuyển biến tích cực.

Tai nạn giao thông giảm cả ba tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương so với năm 2013. Lần đầu tiên sau nhiều năm liền, số người chết vì tai nạn giao thông đã giảm xuống dưới 9.000 người, giảm 2.399 người so với năm 2011.

Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: TTXVN.


Tại Hội nghị An toàn giao thông năm 2014 mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã khẳng định đây là những con số có ý nghĩa hết sức quan trọng bởi tính mạng con người là quý giá nhất.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành thời gian trao đổi với phóng viên về những kết quả đạt được trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm 2014 cũng như những vấn đề đặt ra mà các cấp, các ngành cần tập trung giải quyết trong năm 2015 để tai nạn giao thông tiếp tục giảm một cách bền vững.

* Thưa Phó Thủ tướng, năm 2014 được đánh giá là một năm công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông có nhiều chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông đã giảm trên cả ba mặt: số vụ, số người chết và số người bị thương. Vậy Phó Thủ tướng có thể chia sẻ những đánh giá của mình về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông?

Trước hết cần khẳng định, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, chúng ta đã hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2014 mà Quốc hội giao. Chúng ta đạt được kết quả này là do:

Một là, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao, kịp thời của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, huy động được cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương vào cuộc.

Hai là, các quy định pháp luật về an toàn giao thông tiếp tục hoàn thiện, tập trung quy định về kinh doanh vận tải, về trách nhiệm đối với cán bộ, công chức thực thi công vụ; tăng cường chế tài xử phạt vi phạm với đối tượng là chủ doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vận tải…

Ba là, thực hiện tốt việc siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện. Đổi mới công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm; tập trung kiểm tra về điều kiện kinh doanh vận tải, tải trọng xe, an toàn kỹ thuật phương tiện, đào tạo, sát hạch lái xe...

Bốn là, nhiều dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm đã được đầu tư, thi công đúng tiến độ, kịp thời đưa vào khai thác phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm an toàn giao thông.

Năm là, công tác tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông được thực hiện thường xuyên, trong đó có vai trò tích cực của các cơ quan thông tấn, báo chí.

Mặc dù trong năm 2014, tai nạn giao thông đã giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương) so với năm trước nhưng vẫn còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe chở container...

Tai nạn giao thông trên địa bàn nông thôn vẫn còn diễn biến phức tạp. Công tác kiểm soát tải trọng phương tiện chưa đạt được kết quả như mong muốn. Năng lực và chất lượng hạ tầng giao thông vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.

Năng lực, hiệu quả của công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm vẫn còn hạn chế... Đây là những thách thức đặt ra cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong năm 2015 và những năm tiếp theo.

* Như Phó Thủ tướng vừa chia sẻ, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm 2014 có những điểm tích cực đạt được nhưng cũng còn những mặt hạn chế. Vậy theo Phó Thủ tướng, năm 2015, để đảm bảo công tác trật tự an toàn giao thông, các cấp, các ngành phải chú ý đến những nội dung nào?


Trong bối cảnh nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, phương tiện cơ giới ngày càng gia tăng, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, thời gian tới, chúng ta cần phải có thêm nhiều nỗ lực, cố gắng hơn nữa để tiếp tục kiềm chế tai nạn giao thông.

Nghị quyết số 87/2014/QH13 của Quốc hội giao nhiệm vụ về bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2015 là giảm cả ba tiêu chí từ 5% đến 10% so với năm 2014 ở tất cả các địa phương. Để thực hiện được nhiệm vụ quan trọng này, đòi hỏi phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Năm 2015, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia xây dựng kế hoạch thực hiện Năm An toàn giao thông với chủ đề là “Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện” với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết” với các nhóm giải pháp trọng tâm sau đây:

Thứ nhất: Tiếp tục hoàn thiện các quy định về an toàn giao thông; lấy ứng dụng công nghệ thông tin làm giải pháp đột phá nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, nhất là trong quản lý vận tải, phương tiện, người tham gia giao thông, bảo đảm tính minh bạch và chống tiêu cực.

Thứ hai: Kiên trì, quyết liệt kiểm soát tải trọng phương tiện gắn với tái cơ cấu thị trường vận tải, tăng thị phần vận tải đường sắt, đường thuỷ, hàng hải và hàng không, giảm áp lực cho vận tải đường bộ; thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện từ nguồn hàng hoá.

Thứ ba: Tập trung hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng và đảm bảo an toàn giao thông các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, đặc biệt là các dự án mở rộng Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, các cầu dân sinh ở vùng sâu, vùng xa; chú trọng công tác bảo trì, bảo dưỡng, tổ chức giao thông, đặc biệt là giao thông nông thôn.

Thứ tư: Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp chống ùn tắc giao thông trong các đô thị lớn; đẩy mạnh phát triển vận tải hành khách công cộng, phát triển hợp lý các phương thức vận tải; xây dựng thêm các cầu vượt nhẹ, tổ chức giao thông khoa học, hợp lý.

Thứ năm: Nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông với nhiều hình thức; tuyên truyền sâu rộng đến xã, phường, thôn bản, khu công nghiệp; tuyên truyền theo chuyên đề (ví dụ: Kiểm soát tải trọng phương tiện; không lái xe khi đã uống rượu, bia; đội mũ bảo hiểm; mô hình bến đò ngang an toàn…).

* Năm mới 2015 đã đến, Phó Thủ tướng có thông điệp gì gửi đến những người tham gia giao thông?

Vì tính mạng của mình và tính mạng, an toàn của người khác, trong dịp năm mới 2015, chúng tôi mong muốn tất cả mọi người dân đề cao ý thức khi tham gia giao thông, vì bản thân chúng ta và đặc biệt là vì cả cộng đồng.

Một việc nhỏ nhưng gây tác hại rất lớn, một sự sơ suất nhưng có thể gây ra hậu quả không nhỏ, thậm chí là đại họa nên mỗi người khi tham gia giao thông phải hết sức chú ý, có ý thức tuân thủ pháp luật, đảm bảo an toàn giao thông.


* Trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng!



Chu Thanh Vân (TTXVN)

Sẽ khai thác 6 công trình giao thông trọng điểm

Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh đã công bố tiến độ các công trình giao thông trọng điểm sẽ đưa vào sử dụng đầu năm 2015.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN