Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như các cơ quan liên quan và các địa phương đã và đang đưa ra các giải pháp để kiểm soát khí thải của xe mô tô, xe gắn máy như quy định về giới hạn cho phép của khí thải xe mô tô, xe gắn máy; phát triển giao thông công cộng đô thị; khuyến khích học sinh đi bộ, đạp xe.
Từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường không khí
Để kiểm soát khí thải xe máy, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm không khí, từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường không khí nói chung, môi trường không khí các đô thị nói riêng, năm 2005 Chính phủ đã ban hành quyết định số 249/2005/QĐ-TTg quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Theo đó, xe máy sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu mới phải áp dụng tiêu chuẩn khí thải của Việt Nam tương đương mức EURO 2 kể từ ngày 1/7/2007. Đối với xe đã qua sử dụng nhập khẩu phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 2 ban hành kèm theo quyết định 249/2005/QĐ-TTg.
Tiếp đó năm 2011, Chính phủ đã ban hành quyết định số 49/2011/QĐ-TTg quy định về lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ôtô, xe mô tô hai bánh có lắp động cơ nhiệt sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới. Theo quyết định này, các loại xe mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới phải áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức EURO 3 từ ngày 1/1/2017.
Để kiểm soát được khí thải của xe máy, các bộ, ngành ở Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ ban hành các quy định, tiêu chuẩn, quy trình, hướng dẫn và xây dựng hệ thống kiểm soát. Chính quyền địa phương chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý, thực hiện kiểm soát khí thải xe máy tại địa phương. Các doanh nghiệp, người dân chịu trách nhiệm thực hiện các quy định về kiểm soát khí thải xe máy tham gia giao thông...
Tiếp tục thực hiện các hoạt động đầu tư quan trắc môi trường không khí đưa ra cảnh báo kịp thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, hoàn chỉnh hệ thống Quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về môi trường đối với khí thải công nghiệp, khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam, chất lượng không khí xung quanh tiệm cận với tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới; rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện lộ trình áp dụng Quy chuẩn tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam.
Bộ xây dựng, ban hành tiêu chí và chứng nhận nhãn sinh thái đối với các sản phẩm, phương tiện và dịch vụ giao thông vận tải thân thiện môi trường; tổ chức nghiên cứu xây dựng và trình ban hành các quy định về chứng nhận nhãn sinh thái đối với các sản phẩm, phương tiện, dịch vụ thân thiện với môi trường trong Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; thực hiện và hoàn thành trong năm 2021.
Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát quy định pháp luật về bảo vệ môi trường không khí, hoàn thiện theo thẩm quyền hoặc kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoàn thiện các quy định, chính sách pháp luật về kiểm soát ô nhiễm không khí; xây dựng và trình ban hành các quy định về quản lý chất lượng không khí trong Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành các Điều 12, 13 và 14 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; thực hiện và hoàn thành trong năm 2021; kịp thời cung cấp thông tin, cảnh báo về chất lượng môi trường không khí, các nguy cơ và tác hại của ô nhiễm không khí cho các cơ quan truyền thông theo đúng quy định.
Nhằm tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, giảm thiểu tác động bất lợi đến sức khỏe người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, ngày 18/01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung đẩy mạnh thực hiện các chương trình, nhiệm vụ về quản lý chất lượng không khí theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 01/6/2016 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Đặc biệt, thực hiện ngay việc rà soát, đánh giá tình hình chấp hành pháp luật về kiểm soát bụi, khí thải tại các cơ sở công nghiệp, hoạt động giao thông, xây dựng thuộc phạm vi quản lý, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét tạm đình chỉ, đình chỉ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.
Đề xuất các giải pháp giao thông bền vững
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, nhằm mục tiêu góp phần cải thiện chất lượng không khí tại các thành phố lớn thông qua việc kiểm soát mức độ phát thải chất gây ô nhiễm không khí của xe mô tô, xe gắn máy, chương trình "Xe sạch - Trời xanh” do Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phối hợp Trung tâm Sống và Học tập vì môi trường và cộng đồng, Viện Khoa học và Công nghệ giao thông vận tải thực hiện tại 3 thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng trong khoảng thời gian từ tháng 9/2020 - 6/2022. Hoạt động chính của chương trình là tổ chức kiểm tra khí thải miễn phí cho khoảng xe gắn máy tại 3 thành phố, truyền thông, khảo sát ý kiến chủ phương tiện và ưu đãi sửa chữa bảo dưỡng cho các phương tiện.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia môi trường, việc kiểm soát khí thải xe máy gắn kết với giao thông bền vững là giảm thiểu khí thải độc hại gây ô nhiễm môi trường; cắt giảm khí nhà kính để ứng phó với biến đổi khí hậu; hạn chế tai nạn giao thông; không gây xáo trộn lớn cho xã hội và không ảnh hưởng nhiều đến người dân.
Qua đó, các chuyên gia đã đề xuất kịch bản kiểm soát khí thải xe máy và lộ trình thực hiện như: Kiểm soát khí thải xe bằng hình thức thu phí phát thải; xây dựng khung pháp lý; đầu tư xây dựng hệ thống kiểm soát khí thải xe máy; nguồn lực tài chính, nhân lực; tuyên truyền vận động…
Ngoài ra, đề xuất xây dựng và triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người dân để thu hồi và thay thế phương tiện xe máy cũ không đạt tiêu chuẩn khí thải, hỗ trợ một khoản tiền nhất định khi thải bỏ xe không đạt tiêu chuẩn khí thải; vay vốn ưu đãi để chuyển đổi sắm phương tiện mới; đào tạo nghề cho những người dùng xe máy làm phương tiện mưu sinh, để giải quyết việc làm hoặc chuyển đổi nghề.
Bên cạnh đó, trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách và các cơ quan, ban, ngành có liên quan, thống nhất các giải pháp và chính sách cho việc kiểm soát khí thải xe máy trên địa bàn thành phố.