Kiểm soát khí thải xe máy-Bài 1: Tác động đối với môi trường và sức khỏe

Nắm rõ sự phát triển về số lượng xe máy và việc phát thải của chúng, ngay từ những năm đầu của thế kỉ XXI, Việt Nam đã chú trọng đến vấn đề kiểm soát khí thải xe máy đang sử dụng.

Cùng với những chính sách kiểm soát khí thải xe máy tham gia giao thông, việc kiểm soát khí thải xe máy là trách nhiệm của toàn xã hội, của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp và mỗi người dân tham gia giao thông tại các thành phố lớn.

Bài 1: Tác động đối với môi trường và sức khỏe

Hiện nay, cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội và tốc độ đô thị hóa cao, số lượng xe gắn máy cũng như xe ô tô tăng nhanh, kéo theo các vấn đề ô nhiễm môi trường không khí từ các phương tiện giao thông ngày càng nghiêm trọng.

Những nguồn chính gây ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn

Chú thích ảnh
Việc kiểm soát khí thải xe máy là trách nhiệm của toàn xã hội, của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp và mỗi người dân tham gia giao thông tại các thành phố lớn. Ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức

Theo Trung tâm Sống và Học tập vì môi trường và cộng đồng, đến quý 1/2020, Hà Nội quản lý 6.649.596 phương tiện, trong đó có 5.761.436 xe máy và 148.429 xe máy điện. Đặc biệt, số lượng xe máy đã sử dụng trên 10 năm chiếm 52% và sẽ làm gia tăng mức phát thải chất độc hại vào không khí nếu các xe cũ không được bảo dưỡng theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất.

Trong đó, số liệu phương tiện được Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội thống kê cho thấy, xe máy đang chiếm đến 86% lượng phương tiện tham gia giao thông ở Hà Nội. Dự tính, với tốc độ tăng trưởng xe máy 7,66%/năm như hiện nay thì đến năm 2025 Hà Nội sẽ có 7,3 triệu xe máy, đến năm 2030 sẽ có 7,7 triệu xe máy.

Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, đến tháng 9/2020, số lượng xe máy là 7.408.124 chiếc. Trong đó, số lượng xe đã sử dụng trên 10 năm chiếm tới gần 68% tổng lượng xe đang lưu hành. Tuy nhiên, do Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm của vùng và cả nước, dẫn đến việc thu hút lượng lớn người dân ngoại tỉnh đến sinh sống và làm việc, kèm theo đó là lượng không nhỏ xe máy đăng ký biển số ngoại tỉnh đến và lưu thông trên địa bàn thành phố.

Hiện Viện Chiến lược phát triển giao thông vận tải đã tiến hành khảo sát, tính toán và dự báo số lượng xe máy thực tế đang lưu hành trên địa bàn thành phố dao động trong khoảng từ 6,43 đến 6,96 triệu chiếc đã bao gồm các xe nội tỉnh (biển số đăng ký tại thành phố) và các xe ngoại tỉnh. Về cơ cấu các loại phương tiện, tại Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ xe máy chiếm khoảng 93,1% số lượng phương tiện, tốc độ tăng trưởng ở mức 6,7%/năm.

Phát thải từ hoạt động giao thông vận tải là một trong những nguồn chính gây ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn. Mức độ và cường độ phát thải các chất ô nhiễm không khí từ hoạt động của các phương tiện tham gia giao thông, bao gồm các dạng hạt bụi lơ lửng, khí CO, HC, các dạng NOx và các chất khác gia tăng theo thời gian và ngày càng vượt quá giới hạn cho phép. Tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, xe mô tô, xe gắn máy chiếm đến 95% về số lượng, mặc dù chỉ tiêu thụ 56% xăng nhưng lại thải ra tới 94% lượng HC; 87% lượng CO; 57% lượng NOx... Các chất ô nhiễm này gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng môi trường không khí đô thị và là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ của người dân.

Theo Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng, kết quả nghiên cứu tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh về ảnh hưởng ô nhiễm không khí tới các bệnh đường hô hấp đã chỉ ra, nếu các nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí không được kiểm soát, thì tại Hà Nội, các bệnh về đường hô hấp như viêm mũi chiếm 41,36%, viêm họng chiếm 38,28%, viêm phế quản chiếm 9,57%. Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, viêm mũi sẽ chiếm 30,44%, viêm họng chiếm 23,67%, viêm phế quản chiếm 8,09%.

Nếu tính thiệt hại kinh tế do ô nhiễm không khí thì chỉ riêng với 3 bệnh đường hô hấp nêu trên, chi phí trực tiếp cho người bị bệnh, chi phí gián tiếp cho người nhà phải nghỉ làm ở nhà trông trẻ và người lớn bị ốm thì mỗi ngày, mỗi thành phố phải chịu tổn thất trên một tỷ đồng. Như vậy, việc kiểm soát được khí thải của xe máy sẽ giúp cải thiện tình trạng chất lượng không khí, từ đó giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan cho người dân, cũng như gánh nặng chi phí y tế cho xã hội.

Kinh nghiệm từ các nước và vùng lãnh thổ

Có những thời điểm, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc) bị ô nhiễm nặng với nồng độ bụi PM2.5 trong không khí vượt quá mức an toàn nhưng đến nay đã triển khai nhiều biện pháp mạnh mẽ nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí, cải thiện sức khỏe của người dân.

Vào những ngày mức ô nhiễm vượt quá ngưỡng an toàn, hơn 400 trường học ở Bangkok phải đóng cửa để đảm bảo sức khỏe cho học sinh. 10-15% trẻ em ở Thái Lan bị hen suyễn và con số này đang tăng lên trong những năm gần đây.

Để khắc phục ô nhiễm khí thải, Thái Lan đưa vào áp dụng các biện pháp can thiệp trong lĩnh vực giao thông nhằm cải thiện chất lượng không khí. Bộ Giao thông Vận tải kiểm tra cẩn thận các phương tiện phát ra khói thải đen và cấm các phương tiện này di chuyển trên các đường phố của Bangkok cho đến khi động cơ của phương tiện đó được bảo dưỡng, sửa chữa.

Tính đến đầu năm 2020, Bangkok (Thái Lan) đã thiết lập 33 trạm kiểm soát trên khắp thành phố, mỗi trạm được kiểm soát bởi 7-10 cảnh sát và các quan chức của Bộ Giao thông Vận tải mặt đất với các thiết bị đặc biệt để đo các chất ô nhiễm từ khí thải của các các phương tiện. Xe vi phạm hay “không đạt chuẩn” được ghi lại và đánh dấu bằng nhãn dán, trong khi đó, chủ phương tiện được cho thời hạn một tháng để khắc phục tình trạng của xe.

Các cơ quan chức năng sẽ theo dõi từng trường hợp bằng cách sử dụng thông tin liên lạc và biển số xe đã lưu lại, nếu chủ sở hữu không bảo dưỡng, sửa chữa xe đúng thời hạn, xe sẽ bị tạm giữ. Chỉ riêng tháng 1/2020, hơn 8.000 các loại phương tiện đã được tiến hành kiểm tra khí thải tại các trạm này.

Thái Lan khuyến khích các chủ phương tiện cá nhân nên để xe ở nhà và sử dụng phương tiện giao thông công cộng để giảm ô nhiễm tại thủ đô. Thu thuế khí thải cacbon cho các xe máy mới sản xuất và nhập khẩu. Các loại xe chạy bằng xăng, điện, hỗn hợp sẽ chịu các mức thuế khác nhau, dựa vào lượng phát thải cacbon trên mỗi kilômét. Về cơ bản, xe máy chạy bằng điện sẽ chịu mức thuế thấp nhất.

Để kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy, Đài Loan (Trung Quốc) đã áp dụng giải pháp quản lý khí thải xe máy nhằm giảm phát thải. Các cơ quan chức năng dán chứng nhận hiệu quả sử dụng nhiên liệu đối với xe mới; quy định về quy trình kiểm định. Các phương tiện không đạt tiêu chuẩn quy định thì chậm nhất trong thời gian 1 tháng phải khắc phục, sửa chữa xe để bảo đảm theo yêu cầu về khí thải, nếu không sẽ bị thu hồi biển số.

Ngoài ra, Đài Loan (Trung Quốc) đã xây dựng và ban hành các chính sách quy định về hành nghề kiểm định khí thải xe máy và duy trì hệ thống giám sát, đánh giá nhằm đảm bảo sự minh bạch và công bằng trong hoạt động này. Chủ phương tiện phải chi trả chi phí sửa chữa nếu không đạt tiêu chuẩn khí thải...

Kiểm soát khí thải xe máy - Bài 2: Từng bước cải thiện chất lượng không khí

Lý Thanh Hương (TTXVN)
Bộ Công an kiến nghị thực hiện lộ trình kiểm soát khí thải của phương tiện
Bộ Công an kiến nghị thực hiện lộ trình kiểm soát khí thải của phương tiện

Bộ Công an cho biết vừa có văn bản trao đổi với Bộ Tài nguyên và Môi trường về triển khai thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN