Hiện nay, tình hình ô nhiễm môi trường không khí trong cả nước nói chung và trên địa bàn Hà Nội nói riêng đang có diễn biến phức tạp, nồng độ các chất gây ô nhiễm không khí có xu hướng tăng.
Ô nhiễm không khí trong đô thị do nhiều nguồn gây ra như công nghiệp, giao thông vận tải, sinh hoạt, xây dựng, xử lý rác thải..., trong đó, hoạt động của các loại xe cơ giới nói chung và xe mô tô, xe gắn máy nói riêng là một trong những nguồn phát thải một số chất có ảnh hưởng nguy hại đến sức khỏe của con người. Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, chính quyền thành phố Hà Nội cho rằng cần thiết phải nghiên cứu, xây dựng, ban hành quy định, chế tài quản lý về phát thải nói chung và đối với các các phương tiện cơ giới cũng như xe mô tô, xe gắn máy nói riêng.
Theo thống kê, Hà Nội có hơn 5,7 triệu xe máy (trong đó có khoảng 2,5 triệu xe máy cũ đăng ký trước năm 2000) và trên 730.000 ô tô, chưa tính nhiều phương tiện từ ngoại tỉnh thường xuyên tham gia giao thông trên địa bàn. Khí thải từ các phương tiện đặc biệt là phương tiện cũ bao gồm các dạng hạt bụi lơ lửng, khí ô xít các bon (CO), hiđrô các bon (HC), các dạng ô-xít ni tơ (NOx), các chất khác gia tăng theo thời gian và ngày càng vượt quá giới hạn cho phép. Các chất ô nhiễm này ảnh hưởng tới chất lượng môi trường không khí đô thị, đồng thời là nguyên nhân gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của cộng đồng dân cư.
Nghiên cứu của Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải cho thấy, việc kiểm tra khí thải, bảo dưỡng không chỉ góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí, tiết kiệm nhiên liệu mà còn nâng cao an toàn trong giao thông. Cụ thể, chỉ với việc bảo dưỡng xe mô tô, xe gắn máy như thay lọc gió, dầu bôi trơn, bugi và điều chỉnh tốc độ cầm chừng cho thấy nồng độ CO và HC thử tại chế độ không tải giảm so với trước bảo dưỡng lần lượt là 42% và 45%, tiêu thụ nhiên liệu giảm 7% (thử theo chu trình).
Thực tế hiện nay, một bộ phận người dân chưa nhận thức rõ về hiệu quả của việc kiểm tra khí thải, bảo dưỡng xe thường xuyên cũng như thay thế xe cũ nát giúp giảm khí thải, giảm thiểu tai nạn giao thông. Ngoài ra, việc thu gom và xử lý xe máy thải bỏ chưa đúng chuẩn quy cách (chủ yếu thực hiện bởi các làng nghề) cũng là tác nhân gây nên ô nhiễm không khí, đất và nước.
Từ thực tế đó, Kế hoạch thực hiện đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố sẽ là cơ sở nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cải thiện chất lượng không khí.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, kế hoạch này sẽ là cơ sở khoa học thực tiễn, quan trọng để thành phố xây dựng, ban hành quy định, chính sách về kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy và thu hồi xe mô tô, xe gắn máy không đảm bảo an toàn kỹ thuật, môi trường đang lưu hành, thực thi các giải pháp bền vững về kiểm soát khí thải, giao thông bền vững.
Mục tiêu của kế hoạch nhằm đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về ích lợi của việc kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy và thu hồi xe máy cũ, trách nhiệm và quyền lợi của người dân; bước đầu hình thành thói quen về bảo dưỡng và kiểm định khí thải xe máy định kỳ; thải bỏ xe máy cũ không đảm bảo an toàn kỹ thuật và môi trường, góp phần giảm thiểu ảnh hưởng tới chất lượng không khí.
Đối với doanh nghiệp, tiếp tục cải thiện công nghệ đảm bảo tiêu chuẩn phát thải cho các loại xe khác nhau; thực hiện vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc cung cấp, đảm bảo các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.
Với cơ quan quản lý, việc thực hiện kế hoạch này cũng nhằm bổ sung cơ sở khoa học thông qua thực tiễn làm căn cứ cho công tác xây dựng, thực thi các chính sách về kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành và thu hồi xe mô tô, xe gắn máy cũ không đủ điều kiện lưu hành; bổ sung cơ sở xây dựng và thí điểm các mô hình giao thông bền vững nhằm giảm ô nhiễm môi trường trong thành phố.
Theo kế hoạch của thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến có 3.000 - 5.000 xe máy được đo kiểm khí thải. Đối tượng là xe mô tô, xe gắn máy của các hãng thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam - VAMM (Honda, Yamaha, Suzuki, Piaggio, SYM). Qua đo kiểm sẽ đánh giá hiện trạng phát thải khí thải của xe máy đang lưu hành, đề xuất giải pháp phù hợp; đồng thời để người dân chứng kiến thực tế quy trình kiểm tra khí thải xe rất đơn giản và thuận tiện.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông, thành phố sẽ lựa chọn 8 đại lý của các hãng thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam trên địa bàn Hà Nội để lắp đặt 8 bộ thiết bị kiểm định khí thải hoàn chỉnh (thiết bị phân tích khí thải, máy tính, camera...); đào tạo nhân viên vận hành trang thiết bị đo khí thải đúng quy trình và khảo sát khách hàng; xây dựng phần mềm lưu trữ kết quả đo khí thải, thông tin của phương tiện.
Cùng với đó, thành phố thí điểm thu hồi, xử lý xe máy thải bỏ từ người tiêu dùng và hỗ trợ chuyển đổi xe máy mới; đánh giá tác động kinh tế xã hội của việc kiểm soát khí thải xe máy; đề xuất các giải pháp, chính sách kiểm soát khí thải xe máy gắn kết với các giải pháp giao thông bền vững…
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội được thành phố giao chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải cùng các đơn vị có liên quan triển khai Kế hoạch khai thực hiện đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố; tổ chức các hoạt động kết nối, giám sát, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng; Hai đơn vị phối hợp đánh giá hiện trạng phát thải của xe máy đến môi trường xung quanh và xây dựng bản đồ ô nhiễm, đánh giá tác động sức khỏe để phân vùng thực hiện kiểm soát khí thải; tổ chức tham vấn, đề xuất các giải pháp, chính sách về kiểm soát khí thải từ giao thông nhằm cải thiện chất lượng không khí cho thành phố Hà Nội.
Sở Giao thông Vận tải chủ trì đề xuất các giải pháp về quản lý phát thải của xe máy góp phần giảm ô nhiễm môi trường nhằm phát triển giao thông bền vững phù hợp với Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐND ngày 4/7/2017 về việc thông qua Đề án "Tăng cường quản lý giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến 2030".
Thành phố đề nghị Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam huy động nguồn lực và hỗ trợ các cơ sở kỹ thuật để phục vụ nghiên cứu. Dự kiến 3.000 - 5.000 khách hàng tham gia sẽ được tặng dầu động cơ xe, hỗ trợ một phần chi phí bảo dưỡng tối đa không quá 200.000 đồng/xe để sửa chữa các bộ phận liên quan đến khí thải cho các xe không đạt tiêu chuẩn; hỗ trợ chi phí đế khách hàng thải bỏ xe máy cũ và chuyển đổi xe máy mới từ 0 - 4 triệu đồng/xe tùy theo từng loại xe, từng hãng trong Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam mà người dân muốn mua (dự kiến cho 3.860 xe).