Theo báo cáo của các địa phương và phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong thời gian gần đây đã và đang xảy ra tình trạng vận chuyển bất hợp pháp lợn và các sản phẩm từ lợn giữa Việt Nam và các nước láng giềng.
Hiện nay, tại Việt Nam, bệnh dịch tả lợn châu Phi đang từng bước được kiểm soát tốt; số xã và số lợn buộc phải tiêu hủy đã giảm mạnh từ tháng 6 đến nay. Trong khi đó, tại các nước láng giềng, bệnh dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp. Do đó, nguy cơ các loại mầm bệnh xâm nhiễm từ nước ngoài vào nước ta là rất cao, nếu không thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn qua biên giới.
Trước tình hình trên, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh tả lợn châu Phi đề nghị Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) chỉ đạo, đôn đốc Ban Chỉ đạo 389 của các tỉnh biên giới trong việc ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn, sản phẩm từ lợn ra, vào Việt Nam.
Ban Chỉ đạo 389 cấp tỉnh phối hợp chặt chẽ, chủ động chia sẻ thông tin, dữ liệu với các cơ quan thú y các cấp; phối hợp chỉ đạo tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định của pháp luật hiện hành.
Ban Chỉ đạo 389 quốc gia thành lập các đoàn công tác trực tiếp đến các địa bàn trọng điểm để hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn, chấm dứt tình trạng vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật ra, vào Việt Nam.
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh tả lợn châu Phi đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn không đảm bảo an toàn làm lây lan dịch bệnh; bảo đảm sớm chấm dứt tình trạng nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn, sản phẩm từ lợn ra, vào Việt Nam.
Trường hợp bắt được các lô hàng động vật, sản phẩm động vật vận chuyển bất hợp pháp thì phải tiêu hủy ngay, trước khi tiêu hủy lấy mẫu gửi các cơ quan thú y để xét nghiệm bệnh.
UBND tỉnh chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tại địa phương tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật trái phép ra, vào Việt Nam.
Đồng thời, tổ chức vận động nhân dân khu vực biên giới không tham gia, không tiếp tay cho việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn, sản phẩm từ lợn trái phép ra, vào Việt Nam.