Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, thực tế vừa qua cho thấy có nhiều doanh nghiệp, trang trại đã làm tốt biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học nên đàn lợn vẫn được an toàn. Với tín hiệu thị trường tốt, sẽ khuyến khích những hộ chăn nuôi trang trại lớn và vừa, doanh nghiệp đảm bảo đủ an toàn sinh học đẩy mạnh tăng đàn. Những hộ nhỏ lẻ không đảm bảo an toàn thì không tái đàn để tránh dịch lại xảy ra gây thiệt hại kép.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định, cuối năm và đầu năm là thời điểm tiêu thụ cao nhất. So với mọi năm, dự báo nguồn cung thiếu khoảng trên 8%. Do đó, phải tập trung các nhóm giải pháp tổng thể. Ngay từ đầu năm, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo tập trung phát triển các sản phẩm như gia cầm, đại gia súc, thủy sản để bù đắp phần nào lượng thịt lợn thiếu hụt. Đến nay, thịt trâu tăng 3,1%; thịt bò tăng 4,2%; thịt gia cầm tăng 13,5%; trứng tăng 10%; thuỷ sản tăng 6,5%; thịt lợn giảm 9%.
“Về tổng thể sẽ không thiếu nguồn thực phẩm vì chúng ta đang có cơ hội tái đàn tốt. Cùng với các sản phẩm khác đủ cung ứng nguồn thực phẩm sẽ giúp bình ổn giá và không ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng cuối năm”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, vừa qua giá lợn liên tục tăng, thậm chí lên trên 60.000 đồng/kg lợn hơi. Nguyên nhân do cân đối cung thịt lợn bị tác động của dịch tả lợn châu Phi làm giảm sản lượng so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường con số sụt giảm này chưa phải là nguyên nhân chính dẫn đến giá lợn tăng vừa qua. Việt Nam cũng đang bị tác động bởi thị trường Trung Quốc - thị trường khổng lồ về tiêu thụ thịt lợn cũng đang mất cân đối cung cầu nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, qua kiểm tra cho thấy, tác động từ thị trường, một số đơn vị, trang trại giữ đàn lợn để tăng trọng lợn cao hơn, thậm chí có nơi để trọng lượng lợn tăng lên 150 - 180 kg/con mới xuất chuồng, trong khi trước đó khoảng 100 - 120 kg/con. Điều này cũng tạo nên tâm lý, nguồn cung giả tạo tại thời điểm này.
“Những điều trên làm cho thị trường giá thịt lợn đi lên, mặc dù thực tiễn không thiếu như vậy”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Từ góc độ người trực tiếp sản xuất, ông Đào Mạnh Lương, Tổng giám đốc Tập đoàn MAVIN cho biết, với giá lợn hơi khoảng 60.000 đồng/kg không phải là cao vì chi phí chăn nuôi tăng thêm hơn 10.000 đồng/kg so với trước đây, nên hiện chỉ tương đương với giá 50.000 đồng/kg. Trong bối cảnh bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn còn, chi phí sản xuất an toàn dịch bệnh rất cao. Mong người tiêu dùng chia sẻ chi phí đó với người chăn nuôi.
Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn DABACO cho biết, chi phí chăn nuôi lợn hiện rất cao nhưng doanh nghiệp, trang trại nào cũng phải thực hiện. Theo ông So, tính đơn giản trong giá thành sản xuất, nếu tự sản xuất con giống đã lên tới 1,2 - 1,3 triệu đồng/con, chi phí thú y khoảng 1,3 triệu đồng/con, đặc biệt chi phí thuốc sát trùng từ người, xe, chuồng trại… Tất cả chi phí đó đều tăng lên rất nhiều.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương - Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, giá lợn hơi ở miền Bắc khoảng 60.000 - 65.000 đồng/kg có thể chấp nhận được. Vì chỉ có giá này, mới chia sẻ được trong việc phòng chống dịch cùng người chăn nuôi.
“Chưa bao giờ người chăn nuôi thiệt hại như thời gian qua, chưa năm nào ngân sách Nhà nước chi cho ngành chăn nuôi lớn như năm nay. Đây là mức giá hợp lý để bù lại thiệt hại cho người chăn nuôi thời gian qua. Giá thịt lợn có thể tăng thêm nhưng vẫn trong tầm kiểm soát của ngành”, ông Nguyễn Xuân Dương cho hay.
Ông Nguyễn Xuân Dương kiến nghị, khi thực hiện chính sách bình ổn thị trường cuối năm, các bộ ngành, địa phương ưu tiên nhiều hơn cho mặt hàng thịt lợn để tránh hiệu ứng thị trường.
Về nguồn nhập khẩu thịt lợn, ông Nguyễn Xuân Dương cho biết, thịt lợn không phải chịu kiểm soát về hạn ngạch, chỉ chịu kiểm soát về kiểm dịch và thuế. Nếu thị trường kiểm soát tốt, giá trong nước không quá cao, việc nhập khẩu thịt lợn vào Việt Nam cũng không phải là dễ.
Việt Nam hiện hoàn toàn đủ nguồn thực phẩm cho tiêu dùng. Người tiêu dùng nên chuyển sang một phần sang sử dụng các sản phẩm như thịt gà, thịt bò, thủy sản. Cùng với sự quyết liệt, cẩn trọng trong tái đàn, Việt Nam hoàn toàn không thiếu thịt lợn, chắc chắn không phải nhập thịt lợn cho dịp Tết này, ông Dương cho biết.
Tổng hợp từ báo cáo 56 tỉnh, tổng đàn lợn tính đến ngày 31/8/2019 có trên 22 triệu con lợn, giảm 16% so với tổng đàn của 56 tỉnh này tại thời điểm 1/10/2018 (trên 26,2 triệu con) và so với thời điểm 01/4/2019 (trên 24,5 triệu con) giảm 10,1%.
Nếu số liệu của 63 tỉnh thành dự kiến đàn lợn tại 31/8/2019 sẽ khoảng 23 - 23,5 triệu con; trong đó đàn nái khoảng 2,8 - 2,9 triệu con. Theo ông Nguyễn Xuân Dương, với số lượng đàn nái trên nếu tái đàn sẽ hoàn toàn chủ động được con giống. Bên cạnh đó, với tổng đàn lợn thực tế thì việc giảm đàn cũng như sản lượng còn giảm vẫn thấp hơn so với kịch bản Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến.
Lũy kế từ đầu tháng 2/2019 đến ngày 15/10/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại hơn 8.200 xã thuộc hơn 650 huyện của 63 tỉnh, thành phố với tổng số lợn tiêu hủy là 5,6 triệu con; với tổng trọng lượng là hơn 320.000 tấn, chiếm khoảng 8,3% tổng trọng lượng lợn của cả nước.