Tại Nghệ An, những ngày qua đã xảy ra nắng nóng gay gắt, nền nhiệt trong ngày luôn ở mức rất cao, có thời điểm từ 39-40°C. Nắng nóng khô hạn kéo dài, kết hợp gió phơn Tây Nam thổi mạnh, độ ẩm không khí xuống thấp khiến nguy cơ cháy rừng rất cao, có thể xảy ra cháy rừng vào bất cứ thời điểm nào. Nhằm chủ động công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, lực lượng kiểm lâm tỉnh đang phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường nhiều biện pháp nhằm bảo vệ rừng trong mùa nắng nóng.
Kích hoạt các chốt cửa rừng
Tại xã Diễn Trung (huyện Diễn Châu), địa phương có 500 ha rừng, phần lớn diện tích rừng là rừng thông nhựa, nhiều diện tích xen kẽ với nhà ở dân cư và có tuyến đường Đền Cuông - Cửa Hiền đi qua. Đặc biệt, trong rừng của xã có nhiều ngôi mộ, người dân thường vào thắp hương nên nguy cơ mất an toàn trong mùa nắng nóng đối với rừng là rất lớn. Địa phương đã kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống cháy rừng cấp xã với 26 người; trung đội dân quân gần 30 người; 5 tổ phòng, chống cháy rừng tại 5 xóm với 50 người tham gia. Các chủ rừng trên địa bàn đã chủ động trang bị dụng cụ, thiết bị phòng, chống cháy rừng; triển khai các giải pháp bảo vệ rừng.
Còn tại xã Diễn Phú, chính quyền xã đã thành lập Trung đội phòng, chống cháy rừng với trên 20 thành viên. Đặc thù rừng trên địa bàn là rừng thông, lớp thực bì dày, dễ bắt lửa, xã Diễn Phú đã thành lập 2 chốt canh cửa rừng làm nhiệm vụ tập trung cao độ canh lửa, giữ rừng nhằm phát hiện sớm những điểm phát lửa, bảo vệ an toàn cho toàn bộ diện tích rừng.
Huyện Diễn Châu hiện có hơn 7.000 ha rừng, phân bố tập trung ở 9 xã, trong đó có nhiều diện tích (chủ yếu là rừng thông nhựa, khoảng gần 6.000 ha) giáp ranh với các huyện Nghi Lộc, Yên Thành, Quỳnh Lưu. Trong đó, nhiều diện tích rừng nằm sát khu dân cư nên nguy cơ cháy rừng rất cao. Để bảo vệ toàn bộ diện tích rừng trong cao điểm nắng nóng, huyện Diễn Châu đã kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống cháy rừng. Cùng với đó, Hạt Kiểm lâm huyện Diễn Châu đã duyệt phương án phòng, chống cháy rừng cho 9 xã, bổ sung lực lượng, kiểm kê lại toàn bộ dụng cụ như: dao phát, vỉ dập lửa, loa phóng thanh, đèn pin, đồ dùng và thiết bị bảo hộ… để cấp phát kịp thời cho các lực lượng khi có tình huống cháy rừng xảy ra. Bên cạnh đó, Hạt Kiểm lâm tăng cường phối hợp đẩy mạnh tuần tra các khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, nhất là những địa bàn giáp ranh; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm luật bảo vệ rừng cũng như các nội quy phòng, chống cháy rừng.
Ông Nguyễn Duy Khánh, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Diễn Châu cho biết, với nguyên tắc, quan điểm phòng cháy là quyết định, phải “phát hiện sớm, phản ứng nhanh, xử lý hiệu quả”, Diễn Châu đã và đang tập trung cao độ thực hiện các giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng trong cao điểm mùa nắng nóng, khô hạn kéo dài. Cụ thể, bắt đầu vào mùa nắng nóng, Hạt phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức tuyên truyền, ký cam kết với hơn 1.000 hộ dân về bảo vệ và phòng, chống cháy rừng; thực hiện gần 20 đợt tuần tra, chú trọng vào khu vực rừng giáp ranh liên huyện. Cùng với đó, Hạt đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân về bảo vệ, phòng, chống cháy rừng; thành lập các đoàn kiểm tra tại các xã, kiểm tra công tác chuẩn bị phương tiện lực lượng của các chủ rừng.
Đặc biệt, địa phương đã thành lập 5 chốt canh cửa rừng đóng chân tại các tuyến đường then chốt tại các địa bàn trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao gồm: xã Diễn Phú (2 chốt), xã Diễn Đoài, xã Minh Châu và xã Diễn Lợi, mỗi địa phương 1 chốt. Các chốt này luôn có lực lượng dân quân tự vệ, Công an xã, kiểm lâm địa bàn túc trực 24/24 giờ hằng ngày. Tất cả người vào, ra tại khu vực này đều được lực lượng trực chốt ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại, mục đích ra vào rừng. Ngoài việc kiểm soát, theo dõi thông tin người ra vào rừng, các chốt canh gác cũng tuyên truyền, nhắc nhở người dân không được mang lửa vào rừng, đồng thời nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy rừng.
Cảnh báo cháy rừng cấp cực kỳ nguy hiểm
Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước với hơn 1 triệu ha đất có rừng, độ che phủ đạt hơn 58%. Tỉnh có nhiều loại rừng khác nhau, trong đó có diện tích rừng trồng thông nhựa, rừng trồng bạch đàn, rừng hỗn giao gỗ nứa, nứa gỗ, rừng tre nứa chiếm tỷ trọng lớn, thảm thực bì rất dễ bén lửa, gây ra cháy vào mùa khô.
Trước tình hình diễn biến cực đoan của nắng nóng và nắng nóng gay gắt, ngày 12/6, Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025 đã ban hành Thông báo số 578/TB-BCĐ về việc cảnh báo cháy rừng. Theo đó, Ban Chỉ đạo cảnh báo cấp cháy rừng trên các khu vực rừng địa bàn tỉnh Nghệ An từ ngày 12/6 đến ngày 19/6 là từ cấp III - cấp cao đến cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm.
Để chủ động ứng phó, hạn chế, giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra, Ban Chỉ đạo đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã; lực lượng kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng và các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung thực hiện nghiêm túc các nghị định, công điện của Thủ tướng Chính phủ; công điện, chỉ thị của UBND tỉnh; triển khai tốt công tác cảnh báo cháy rừng tại chòi canh lửa trên địa bàn, theo dõi hệ thống thông tin cảnh báo cháy rừng của Cục Kiểm lâm, làm tốt công tác cảnh báo, dự báo cấp cháy rừng sớm đến chính quyền địa phương, chủ rừng và nhân dân để nâng cao cảnh giác, chủ động triển khai các biện pháp phù hợp để phòng cháy và chữa cháy rừng
Ngoài ra, các địa phương tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn kiểm soát việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân, nhất là hoạt động đốt nương làm rẫy, tạm dừng việc dùng lửa để xử lý thực bì; xử lý nghiêm các hành vi dùng lửa có nguy cơ gây cháy rừng trong suốt thời kỳ cao điểm, nguy cơ cháy rừng cao. Các địa phương tổ chức trực ban, phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong thời gian nắng nóng; bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao. Lực lượng chức năng kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động lực lượng tham gia khống chế và dập tắt cháy rừng trong thời gian ngắn nhất, không để xảy ra cháy lớn; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo, đảm bảo đầy đủ chính xác, kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức phòng cháy, chữa cháy rừng kịp thời, hiệu quả.
Các địa phương cấp huyện chủ động và khẩn trương rà soát kế hoạch, các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn với phương châm “4 tại chỗ”; bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Khi cháy rừng xảy ra, Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND huyện, thành phố, thị xã có mặt tại hiện trường để trực tiếp chỉ đạo, điều động lực lượng, phương tiện, hậu cần và chỉ huy chữa cháy theo phương án đã được phê duyệt. Đối với các khu rừng gần với khu dân cư, kho tàng, khi xảy ra cháy, các địa phương chủ động có phương án di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, có biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân và lực lượng khi tham gia chữa cháy rừng.