Hội nghị có vai trò quan trọng trong việc đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ rừng; bàn cơ chế, chính sách cho lực lượng quản lý, bảo vệ rừng; tạo sinh kế cho người dân sống gần rừng. Đặc biệt, xác định lại tỉ lệ che phủ rừng và các giải pháp giữ tỉ lệ che phủ rừng hơn 42%.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá, trong 4 tháng đầu năm 2024, số vụ vi phạm quản lý, bảo vệ rừng đã giảm, ý thức người dân và cán bộ quản lý, bảo vệ rừng đã có sự nâng lên. Tuy nhiên, thách thức hiện nay trong công tác quản lý, bảo vệ rừng là các địa phương đang bị áp lực về việc di dân, nhất là khu vực Tây Nguyên, nguy cơ gây thiệt hại về diện tích rừng; nguồn lực của chúng ta còn hạn chế, điều kiện chưa đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ. Bên cạnh đó, việc người dân canh tác nông nghiệp gần rừng sẽ làm tăng nguy cơ cháy rừng do người dân đốt nương, làm rẫy.
Đối với các bộ, ngành Trung ương, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải phối hợp với các bộ, ngành và địa phương hoàn thiện các quy định, phát huy hệ sinh thái rừng, trên cơ sở nếu cần thì phải lấy thêm ý kiến từ các địa phương. Bộ cần làm tốt công tác tham mưu về quản lý nhà nước về rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; làm đầu mối tiếp nhận các nhu cầu đầu tư về phòng cháy, chữa cháy rừng tại các địa phương, nếu kịp thì làm trong giai đoạn 2024 - 2025, nếu không kịp chuyển sang nhiệm kỳ sau thực hiện.
Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường, cần làm tốt công tác dự báo; Bộ Thông tin và Truyền thông cần thực hiện tốt công tác truyền thông về phòng cháy, chữa cháy rừng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các bộ, ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ của mình để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.
Đối với các địa phương có rừng, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang lưu ý, việc quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng là nhiệm vụ cốt lõi của các địa phương, không nên ỷ lại, trông chờ vào các bộ, ngành Trung ương. Các địa phương tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, nhất là khi diễn biến thời tiết phức tạp như hiện nay; đề cao trách nhiệm người đứng đầu, chịu trách nhiệm nếu xảy ra vi phạm quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.
Các tỉnh, thành phố có rừng cần phải chuẩn bị chu đáo; rà soát lại các phương án, kịch bản mẫu, nếu không còn hợp lý thì phải thay đổi. Đặc biệt, phải chăm lo tốt hơn cho đội ngũ quản lý, bảo vệ rừng, có thể sử dụng nguồn ngân sách địa phương ngoài ngân sách từ Trung ương. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang lưu ý, các địa phương cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào công tác quản lý, bảo vệ rừng, điển hình như tại Vườn Quốc gia Chư Mom Ray sử dụng flycam và cài ứng dụng trên điện thoại cá nhân để quản lý.
Tại Hội nghị, lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh Kon Tum, Điện Biên, Hà Giang, Lai Châu, Nghệ An, Đồng Nai, Cà Mau, Kiên Giang, Đắk Nông đã báo cáo công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024. Qua đó, đề xuất Chính phủ quan tâm hỗ trợ kinh phí để tỉnh có thêm nguồn lực thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng; xin kinh phí cấp bách để thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai sửa đổi hoặc sửa đổi, bổ sung Nghị định 156/2018/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp; xem xét, sửa đổi một số điều tại Nghị định 01/2019/NĐ-CP về kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng…
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023, có 60/60 tỉnh, thành phố có rừng đã công bố hiện trạng rừng với tổng diện tích rừng là hơn 14,86 triệu ha; trong đó có hơn 10 triệu ha rừng tự nhiên, diện tích rừng đủ tiêu chí tính tỉ lệ che phủ xấp xỉ 14 triệu ha. Tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 42,02%.
Năm 2023, các cơ quan chức năng đã phát hiện 3.327 vụ vi phạm ảnh hưởng đến rừng trên phạm vi cả nước, giảm 597 vụ so với năm 2022, diện tích rừng bị tác động là hơn 1.047 ha.
Trong 4 tháng đầu năm 2024, các cơ quan chức năng đã phát hiện 650 vụ phá rừng, diện tích bị tác động hơn 182 ha, giảm 75,7 ha so với cùng kỳ. Có 10 vụ việc xảy ra tình trạng chống người thi hành công vụ, làm 13 người bị thương và tử vong.
Đối với công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, trong năm 2023, cả nước xảy ra 310 vụ, gây ảnh hưởng đến 574,5 ha rừng. 4 tháng đầu năm 2024, cả nước xảy ra 89 vụ cháy rừng, gây ảnh hưởng gần 500 ha; có 12 cán bộ, người dân tử vong trong quá trình chữa cháy, 6 người khác bị thương. Nguyên nhân xảy ra cháy rừng là do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nền nhiệt và số ngày nắng nóng cao hơn trung bình nhiều năm, nhất là trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 4; sự bất cẩn của người dân trong việc đốt nương, làm rẫy.
Tại Kon Tum, năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024 xảy ra 64 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp; khối lượng vi phạm trên 116m3 gỗ; diện tích thiệt hại xấp xỉ 10,5 ha. Mùa khô 2023 - 2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 6 vụ cháy ở thành phố Kon Tum và các huyện Ngọc Hồi, Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Đăk Tô. Qua kiểm tra, xác minh, các vụ cháy không gây thiệt hại về tài nguyên rừng.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị, trong thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách lâm nghiệp và các chính sách có liên quan để nâng cao năng lực về quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; đẩy mạnh công tác chỉ đạo, điều hành về quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Ngoài ra, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng; tuyên truyền, giáo dục nâng cao năng lực, nhận thức, huy động mọi nguồn lực và đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bố trí kinh phí cấp bách năm 2024 về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng cho các địa phương có nguy cơ cháy rừng cao và trọng điểm về cháy rừng; xem xét ban hành Nghị định về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp, trong đó có nội dung quy định hỗ trợ cho lực lượng chữa cháy rừng…