Thành phố Hà Nội có chủ trương hạn chế phương tiện cá nhân từ năm 2020, theo ông đề án này có khả thi không?Hạn chế phương tiện cá nhân là một trong những giải pháp chống ùn tắc giao thông, theo xu thế chung của các nước cũng là hạn chế phương tiện cá nhân. Đối với Hà Nội là hạn chế xe máy, lộ trình thành phố đặt ra là phù hợp, vì kèm theo đó thành phố sẽ nỗ lực để phát triển giao thông công cộng tốt hơn, văn minh hơn.
Tuy nhiên, giải quyết nhanh nhất vấn đề ùn tắc giao thông chính là khuyến khích người dân đi bộ. Ví dụ ở châu Âu, Úc, Nhật Bản, Mỹ… có hàng vạn người đi bộ mỗi ngày. Nếu số người này dùng phương tiện cá nhân đi lại thì tắc nghẽn giao thông khủng khiếp, tốn kém cho xã hội, đường sá cũng nhanh hỏng hơn.
Do vậy, cùng với giải pháp tăng cường hệ thống giao thông công cộng, Hà Nội cần tạo ra vỉa hè thông thoáng, khuyến khích phong trào đi bộ đối với người dân khi đi những quãng đường gần, vừa tốt cho sức khỏe, lại tiết kiệm nguồn lực cá nhân, xã hội. Thậm chí có thể phát động phong trào, người dân, công chức đi bộ tới cơ quan, công sở. Tuy nhiên, Hà Nội cần tạo ra vỉa hè thông thoáng, vì hiện nay, vỉa hè gần như là chỗ để bán hàng, gửi xe máy, ô tô…
Vừa qua, Hà Nội đã thí điểm tuyến phố đi bộ, thu hút rất nhiều người dân tham gia và hưởng ứng, điều đó cũng cho thấy nhu cầu đi bộ của người dân là rất lớn. Đây cũng là một thử nghiệm để xây dựng một Hà Nội trong tương lai có nhiều người dân đi bộ hơn.
Ngoài ra, Hà Nội cũng phải quy hoạch để hình thành các loại đường mới như: đường cao tốc, tàu điện ngầm… Vừa qua, lãnh đạo thành phố đã tham vấn các doanh nghiệp thiết kế nước ngoài, các nước phát triển để tiếp cận với tư duy quy hoạch tiên tiến, đảm bảo hiện đại, đồng bộ và bền vững.
Thưa ông, để giảm ùn tắc giao thông, Hà Nội nên ưu tiên đầu tư những công trình nào?
Thành phố Hà Nội đang hình thành tuyến đường sắt trên cao. Ngoài ra, thành phố cần đầu tư xây dựng tuyến tầu điện ngầm, cùng với đó là hệ thống xe buýt, đường cao tốc trên cao... Hiện nay, nhiều nước đã có hệ thống tàu điệu ngầm 3-4 tầng, đường trên cao cũng lên tới 2-3 tầng.
Hà Nội có thể cho xã hội hóa các công trình này, khi có nhiều chủ thể cùng tham gia với nguồn vốn lớn thì việc thực hiện các mục tiêu này không phải là vấn đề khó khăn. Thực tế, nguồn lực trong dân rất lớn, vấn đề là huy động bằng cách nào để tạo sự tin tưởng cho doanh nghiệp, nhà đầu tư có lợi nhuận khi tham gia đầu tư. Thành phố cũng nên đẩy mạnh tuyên truyền để người dân biết sớm những mục tiêu này, để họ hạn chế mua phương tiện cá nhân, không gây sốc cho người dân Thủ đô.