Tại buổi tọa đàm xung quanh vấn đề xây dựng quy hoạch phố đi bộ Hà Nội mới đây của Hiệp hội Kiến trúc sư Hà Nội, các chuyên gia trong nước và nước ngoài đã nhìn nhận ở nhiều góc độ khác nhau, từ kiến trúc, giao thông đến đời sống cộng đồng... Các đại biểu đã chỉ ra ý nghĩa, vai trò của việc tổ chức không gian phố đi bộ, cũng như hướng đi cần thiết trong việc quy hoạch các tuyến phố đi bộ tại Hà Nội.
Về cơ bản, không gian đi bộ đáp ứng những yêu cầu của phố đi bộ nói chung về dịch vụ thương mại, giữ xe, một số hoạt động văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian trong khu vực... Đặc biệt, nhiều người dân tỏ ra rất hài lòng về một không gian thư giãn yên bình sau một tuần lao động căng thẳng, mệt mỏi. Qua đó, họ có thể cảm nhận sự khác lạ và sống chậm lại giữa những náo nhiệt của phố phường ồn ào. Việc tổ chức tuyến phố đi bộ được khẳng định là phù hợp với xu hướng của quy hoạch đô thị hiện đại trên thế giới, đáp ứng nhu cầu không gian công cộng của Thủ đô giai đoạn hiện nay. Các đại biểu quốc tế cũng đánh giá lợi thế của Hà Nội là việc chuyển đổi các tuyến phố từ giao thông bằng xe cộ qua việc đi bộ tương đối rẻ, nhanh chóng; người dân tiếp cận được nhiều di sản đặc sắc, hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng sinh động...
Các bạn trẻ tham gia trò chơi kéo co tại phố đi bộ. |
Tuy nhiên, việc tiến hành thực nghiệm ở phố đi bộ tương đối nhanh, chưa có những nghiên cứu, khảo sát sâu rộng nên đã làm nảy sinh những khó khăn và hạn chế nhất định cho cuộc sống tại khu vực này, đặc biệt là thiếu sự tương tác của người dân với các hoạt động nơi công cộng.
Bà Debra Efroymson, Giám đốc vùng của tổ chức HealthBridge khu vực châu Á nhận xét, những vấn đề mà các thành phố phát triển gặp phải hiện nay, trong đó bao trùm cả các tuyến phố đi bộ là: Ùn tắc giao thông, ô nhiễm không khí, tiếng ồn và thiếu không gian công cộng. Để giải bài toán này, bà Debra Efroymson cho rằng cần tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, tạo ra những hoạt động thú vị, xây dựng một thành phố văn minh, hiện đại... Dù vậy, bà Debra Efroymson cũng thừa nhận rằng “Những con phố đi bộ làm cho thành phố trở nên tuyệt vời hơn. Lần này trở lại Hà Nội, tôi thấy rất thích thú, mọi người ngồi uống cà phê, nhìn ngắm người qua lại, trẻ em thì thỏa sức vui chơi ở một không gian rộng rãi, an toàn”.
Theo KTS Shinichi Mochizuki - Điều phối viên phong trào “Car Free days” của Nhật Bản - với nhịp sống hiện đại, giao thông đô thị ngày càng trở nên phát triển, song song với đó là tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường ngày một cấp thiết hơn, nhiều nước trên thế giới đã lựa chọn giải pháp thiết lập những tuyến phố đi bộ, phát triển song hành với bảo vệ môi trường.
Thành phố Copenhagen (Đan Mạch) là một trong những ví dụ điển hình khi hầu hết không gian được dành cho các hoạt động vui chơi, giải trí của người dân. Ban đầu, Copenhagen cũng chưa đưa ra được ý tưởng hay bản kế hoạch chi tiết, cụ thể. Tuy nhiên sau thời gian đi vào hoạt động, họ tích luỹ được nhiều kinh nghiệm và xây dựng được kế hoạch triển khai phố đi bộ cụ thể và hoàn hảo hơn. Ở Đức, từ những thập kỷ 70 đã mở rộng những không gian đi bộ kết hợp song song với phương tiện giao thông công cộng. Khu trung tâm chỉ dành cho người đi bộ, người dân muốn vào khu vực này phải gửi xe ở vành đai rồi đi bộ hoặc di chuyển bằng phương tiện công cộng khác để vào khu trung tâm...
Khu đi bộ Huchette, Pháp - nơi nhiều năm liền dẫn đầu thế giới về lượng du khách, cũng là nơi chính quyền dành nhiều không gian cho người đi bộ nhất. Cách đây khoảng 2 thế kỷ, trong kế hoạch cải tạo lại Thủ đô Paris, Nam tước Haussman đã cho quy hoạch một đại lộ Bắc - Nam, nằm tả ngạn của dòng sông Seine. Rất gần với bờ tả của sông Seine khúc chảy qua quận 5, nơi khởi đầu của đại lộ Saint Michel, là quảng trường Saint Michel danh tiếng với các bức tượng thánh tinh xảo và vòi phun nước đẹp mắt. Khu đi bộ Huchette dài 1.380 m, rộng khoảng 30 m, trải dọc hai bên đại lộ Saint Michel. Những quán cà phê lãng mạn với tầm nhìn tuyệt vời ra sông Seine, quán bar, cửa hàng sách, quần áo tấp nập, không lúc nào vãn khách...
Trở lại phố đi bộ Hà Nội, các đại biểu cho rằng việc triển khai không gian đi bộ trong khu vực phố cổ có lẽ vẫn cần nhiều thời gian hơn nữa. Đặc biệt, thành phố cần đặt ra mục tiêu cụ thể, ngắn hạn, dài hạn, chú trọng xây dựng thương hiệu cho không gian đi bộ, đưa các địa điểm này trở thành không gian văn hóa cộng đồng, một cách linh hoạt, với sự tham gia trực tiếp của cả cộng đồng.