Không được chủ quan với dịch, bệnh MERS-CoV

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại buổi tập huấn trực tuyến cho 63 điểm cầu ở 63 tỉnh, thành trong cả nước về giám sát, điều trị và phòng chống dịch bệnh gây ra hội chứng viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông do vi rút Corona (MERS-CoV), diễn ra chiều 8/6. Cũng trong ngày 8/6, Bộ Y tế đã tổ chức họp Ban chỉ đạo liên ngành phòng chống dịch MERS-CoV.


Hội nghị tập huấn phòng chống MERS-CoV.



Mở rộng diện giám sát

Tại buổi tập huấn trực tuyến, Bộ Y tế đã phổ biến quy trình giám sát, điều trị và phòng chống dịch bệnh MERS-CoV cho các cơ sở y tế ở 63 tỉnh thành trong cả nước. Đồng thời, các đơn vị có liên quan đã báo cáo về tình hình dịch bệnh, công tác phòng, chống.


Theo ngành y tế, tính đến ngày 8/6, tại Việt Nam đã ghi nhận 3 trường hợp nghi mắc bệnh, nhưng kết quả xét nghiệm đều âm tính với MERS-CoV. Theo báo cáo của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, có 1 trường hợp nữ 52 tuổi trở về nước từ Dubai (UEA) qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất có các triệu chứng ho, sốt, sổ mũi. Trường hợp này đã được đưa vào Bệnh viện nhiệt đới TP Hồ Chí Minh ngày 5/6 và được cách ly, điều trị, làm các xét nghiệm cần thiết. Kết quả xét nghiệm của trường hợp này là âm tính với vi rút MERS-CoV.Ngày 4/6, tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương có 2 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Trường hợp đầu tiên là 1 hành khách nữ 54 tuổi trở về nước từ Hàn Quốc qua cửa khẩu sân bay Nội Bài ngày 1/6. Đến ngày 4/6, hành khách này các triệu chứng như: Sốt, ho khan. Trường hợp thứ hai là hành khách nam, 30 tuổi, trở về nước từ Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái ngày 3/6 và có các triệu chứngsốt, ho, khó thở. Cả 2 trường hợp này đã được nhập viện, cách ly và điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Kết quả xét nghiệm của cả 2 trường hợp đều âm tính với vi rút MERS-CoV.


Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê cho biết: Để phòng chống dịch MERS-Cov hiệu quả, Cục đã có kế hoạch thu dung, phân tuyến điều trị nhằm chủ động chuẩn bị và sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh này; đồng thời hạn chế lây nhiễm trong bệnh viện, hạn chế tử vong; duy trì hoạt động của các bệnh viện trong trường hợp dịch lan rộng. Theo đó các bệnh viện tuyến cuối (gồm: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhi đồng 1 và 2, Bệnh viện Chợ Rẫy) điều trị những ca xâm nhập đầu tiên, những ca nặng, khó; xây dựng hướng dẫn chuyên môn, phác đồ chẩn đoán, điều trị; phối hợp tập huấn cho các địa phương.


Cục trưởng Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh: Khu vực cách ly tại các bệnh viện hiện áp dụng tạm thời theo “Hướng dẫn kiểm soát lây nhiễm cúm A tại các cơ sở khám, chữa bệnh”. Khu cách ly phải có buồng đệm, hệ thống thông khí, các điều kiện vệ sinh, chống nhiễm khuẩn và phòng lây nhiễm; đồng thời đảm bảo đủ trang thiết bị (thiết bị chẩn đoán và thiết bị điều trị) và thuốc, các vật tư, hóa chất.


Còn theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng: “Nếu trong trường hợp có dịch, chúng tôi sẽ điều động bệnh viện Bắc Thăng Long thành bệnh viện điều trị MERS-CoV. Chúng tôi đang đẩy mạnh hỗ trợ cho các tuyến dưới bằng việc hướng dẫn chẩn đoán và điều trị cũng như hướng dẫn các bệnh viện tổ chức thu dung, cách ly ngay tại chỗ.Việc tổ chức tập huấn trực tuyến là cách rất hiệu quả, tạo điều kiện cho tất cả các tỉnh thành, các bệnh viện trong cả nước có thể chia sẻ kinh nghiệm với nhau, trao đổi, cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh, ngăn chặn dịch bệnh lây lan ngay trong môi trường y tế”.


Trong buổi tập huấn, bộ Y tế cũng lắng nghe những thắc mắc, chia sẻ và đề xuất của các cơ sở y tế địa phương trong công tác phòng, chống dịch MERS-CoV. Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng bệnh viện Đà Nẵng đã đề xuất Bộ Y tế điều bệnh viện Trung ương Huế là nơi có thể tiếp nhận xét nghiệm để thuận tiện việc vận chuyển bệnh phẩm vì việc chờ đợi kết quả xét nghiệm được tính từng phút, từng giờ, nếu phải chuyển tới Hà Nội thì mất nhiều thời gian hơn. Còn ông Trần Xuân Thăng, PGĐ bệnh viện Bắc Thăng Long cho biết: Để phục vụ công tác phòng và điều trị MERS-CoV, bệnh viện đã trình Bộ Y tế bổ sung thêm 10 máy thở, 10 máy truyền dịch, các trang bị phòng hộ, máy giặt, máy khử khuẩn không khí... Bệnh viện cũng đã đưa ra mức dự trù kinh phí vào khoảng 23 tỷ để phục vụ điều trị cho khoảng 30 bệnh nhân và các nhân viên y tế cách ly trong khoảng 30 ngày.


Tại buổi tập huấn trực tuyến, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chỉ đạo: Bộ Y tế vừa mở rộng diện giám sát là có biểu hiện sốt, có triệu chứng và có lịch sử dịch tễ. Ca nhiễm MERS-CoV đầu tiên ở Việt Nam có thể xảy ra ở bất cứ địa phương trong cả nước, vì thế không địa phương nào được chủ quan. Các địa phương khẩn trương thành lập Ban chỉ đạo phòng dịch và liên tục tập huấn, không để đến khi dịch xảy ra mới thành lập Ban chỉ đạo. Các tỉnh, thành cần nhanh chóng tiến hành rà soát lại tất cả cơ sở vật chất, hoạt động của các đội phòng dịch, phản ứng nhanh ở địa phương; ngay từ tuần tới phải tổ chức diễn tập phản ứng dịch. Với các địa phương có cửa khẩu, phải quyết liệt giám sát 24/24, tiến hành thực hiện tờ khai y tế; khi có bất thường lập tức phải cách ly và đến các cơ sở y tế. Mở rộng và trao quyền cho các địa phương có thể giám sát và tổ chức xét nghiệm, nhất trí với đề xuất điều bệnh viện TƯ Huế là nơi tiếp nhận bệnh phẩm và xét nghiệm phát hiện bệnh.


Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, trong trường hợp xấu nhất dịch bùng phát, cũng phải sẵn sàng các biện pháp cách ly cán bộ y tế, cách ly bệnh viện. Các địa phương cũng phải chỉ định ngay các đơn vị sẽ tiếp nhận, thu dung bệnh nhân ngay tại địa phương để hạn chế quá trình vận chuyển. Quan trọng nhất là không để vận chuyển bệnh nhân lòng vòng qua nhiều nơi để tránh lây lan. Đặc biệt là phải cập nhật thông tin liên tục để các địa phương nắm rõ diễn biến dịch bệnh và có các biện pháp phòng tránh.


Phối hợp các bộ, ngành chống dịch


Cũng trong ngày 8/6, Bộ Y tế đã khẩn cấp họp Ban chỉ đạo liên ngành phòng chống dịch MERS-CoV để tiếp thu các đề xuất và hướng triển khai phòng chống dịch bệnh của các Bộ, ngành.



Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ đạo trong cuộc họp.


Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), có trên 50.000 lao động Việt Nam đang ở Hàn Quốc, chủ yếu ở vùng dịch. Cần phổ biến chặt chẽ cách phòng bệnh cho các đối tượng này. Bộ LĐTBXH cũng đang tranh thủ chính sách đưa người Việt Nam lao động bất hợp pháp ở Hàn Quốc về nước để đưa người dân ra khỏi vùng dịch bệnh.


Các bộ, ngành cũng đã đề xuất và báo cáo phương án triển khai phòng dịch những ngày tới. Cụ thể, Bộ Quốc Phòng đã khởi động kế hoạch phòng dịch, khởi động các bệnh viện dã chiến, ban hành công văn hướng dẫn các bệnh viện quân y chẩn đoán và điều trị MERS-CoV; đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ trong công tác chẩn đoán, xét nghiệm, gửi mẫu về bệnh viện Nhiệt đới Trung ương khi có trường hợp nghi nhiễm.


Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng dịch liên ngành, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chỉ đạo: Bộ Y tế đã tiến hành tập huấn về công tác giám sát, điều trị và phòng chống dịch cho các tỉnh thành, đề nghị các tỉnh thành sau khi được tập huấn phải lấy có kế hoạch tập huấn rộng rãi cho các tuyến dưới huyện, xã. Để phòng dịch, biện pháp cách ly, chống nhiễm khuẩn vẫn là yếu tố đặt lên hàng đầu.


Với những trường hợp nghi nhiễm, phải tiến hành xét nghiệm kỹ, nhiều lần, để khẳng định chắc chắn người bệnh có âm tính với MERS-CoV hay không. Cần tăng cường công tác kiểm tra phòng dịch ở những địa phương nhiều người đi về từ Hàn Quốc, kiểm tra và tập huấn kỹ công tác phòng dịch ở các cơ sở y tế gần đó. Đồng thời tăng cường tuyên truyền về công tác khai báo của người dân với các cơ sở y tế.



Bài và ảnh: Tạ Nguyên (Thực hiện)
Dừng nhiều tour du lịch tới các điểm 'nóng' MERS
Dừng nhiều tour du lịch tới các điểm 'nóng' MERS

Dịch bệnh MERS-CoV đang diễn biến phức tạp ở vùng Trung Đông và Hàn Quốc, làm ảnh hưởng tình hình du lịch, gây tâm lý hoang mang cho du khách và các nhà tổ chức du lịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN