Đây là nội dung trọng tâm mà Thứ trưởng, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt tại phía Nam của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi đề nghị đối với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố phía Nam sau chuyến khảo sát, kiểm tra tình hình triển khai gói hỗ trợ của Chính phủ tại các địa phương, vào ngày 30/7.
Theo ý kiến của Tổ công tác đặc biệt tại phía Nam của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện tại, tất cả 19 tỉnh, thành phố phía Nam đã ban hành kế hoạch triển khai gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, việc chi trả theo gói hỗ trợ vẫn còn chậm do một số địa phương đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân, nhất là lao động nghèo, doanh nghiệp có nhu cầu vốn để trả lương cho người lao động hoặc phục hồi sản xuất kinh doanh.
Để gói hỗ trợ của Chính phủ nhanh chóng đến với người dân, người lao động và người sử dụng lao động, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố phía Nam triển khai theo hướng phân loại địa phương thành từng nhóm thụ hưởng chính sách. Trong đó, nhóm 1 gồm các địa phương ảnh hưởng nặng do đại dịch COVID-19 và đang áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16; nhóm 2 gồm các địa phương bị ảnh hưởng cục bộ tại một số địa bàn; nhóm 3 gồm những địa phương bị ảnh hưởng không lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân cơ bản được đảm bảo.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi, việc chia nhóm như trên sẽ làm cơ sở cho việc chỉ đạo, đôn đốc, giám sát thực hiện Nghị quyết 68; không đánh đồng việc triển khai chính sách hỗ trợ, tạo áp lực cho các địa phương, tránh trục lợi chính sách.
Về hoạt động "3 tại chỗ" hay "1 cung đường, 2 điểm đến" tại doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phía Nam, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi đồng tình với quan điểm của lãnh đạo các tỉnh, thành phố đang thực hiện với nguyên tắc doanh nghiệp nào không đáp ứng an toàn phải dừng hoạt động. Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi đề nghị các địa phương tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an sinh xã hội tại khu cách ly của các doanh nghiệp, bảo đảm đời sống của người lao động.
Theo Tổ công tác đặc biệt, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có công văn gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố về việc điều chỉnh phân công theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc các địa phương thực hiện các chính sách theo Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, Tổ công tác cũng công bố 6 số điện thoại đường dây nóng theo từng lĩnh vực (gồm: 0886487322, 0911011166, 0911151166, 0911154488, 0911191122, 0911041122) để giải đáp phản ánh, kiến nghị của người dân, người lao động, người sử dụng lao động trong quá trình triển khai gói chính sách hỗ trợ tại các địa phương.
Tổ công tác đặc biệt đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các địa phương thực hiện nghiêm công văn 2402 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở xã hội. Tổ công tác đề xuất các tỉnh, thành phố xem xét ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho cán bộ, nhân viên và đối tượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, quản lý tại các cơ sở cai nghiện, cơ sở trợ giúp xã hội nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh.