Khi kết thúc phần lễ Thánh tại sân đền Thượng, lộc hoa tre và trầu cau được đưa vào đền để dỡ khỏi giò, xếp vào các thùng giấy để đưa vào hậu cung bảo vệ cẩn thận. Bởi đang trong quá trình làm lễ nên công đoạn này do các thôn làng và Ban tổ chức thực hiện, người dân không vào khu vực này. Khi hoàn tất nghi lễ Thánh, người dân tự do vào lễ tại đền, Ban tổ chức lễ hội đã cắm lên ban thờ trong hậu cung và người dân vào đây lễ sẽ xin cành lộc mang về.
Ghi nhận tại lễ hội cho thấy, người dân vào xin lộc hoa tre trong trật tự, không ồn ào, chen lấn. Ban tổ chức lễ hội cũng cắt cử 3 người đứng hướng dẫn người dân lễ Thánh, xin lộc. Sau khi lộc hoa tre tán hết, người dân xin đến lộc trầu cau. Theo ông Nguyễn Nam Nho, Giám đốc Trung tâm quản lý Khu du lịch di tích đền Sóc, Phó Ban tổ chức lễ hội cho biết, lễ hội năm nay có 1.000 cành lộc hoa tre được tán cho người dân và khách thập phương.
Trước đó, Ban tổ chức lễ hội cũng bàn thảo, tính toán kỹ việc tán lộc hoa và lộc trầu cau để tránh tình trạng lộn xộn. Ông Lê Hữu Mạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, Trưởng Ban tổ chức lễ hội cho hây: Việc phát lộc hoa tre và lộc trầu cau được quản lý chặt chẽ, không phát tràn lan. Việc tán lộc chỉ được thực hiện khi đã đảm bảo mọi điều kiện về trật tự, an toàn.
Lễ hội Gióng đền Sóc Sơn năm nay được đánh giá an toàn, văn minh, đảm bảo an ninh nơi thờ tự, người dân đi hội vui tươi, phấn khởi. Hôm nay cũng là ngày nghỉ cuối tuần, trước khi người dân trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết, thời tiết đẹp nên rất đông người trảy hội đền Sóc.
Lễ hội Gióng đền Sóc Sơn được biết đến với nhiều nghi lễ độc đáo, đặc biệt là tục cướp lộc hoa tre và lộc trầu cau. Nhiều năm trước đó, tục này đã gây tình trạng lộn xộn, thậm chí đánh nhau gây thương tích rất phản cảm trong mùa lễ hội. Trước ý kiến đóng góp của dư luận và đề xuất của cơ quan quản lý văn hóa, từ năm 2018, Ban tổ chức lễ hội đã thay đổi hình thức tán lộc, không để cướp lộc tập trung mà chia nhỏ lộc ra để tán, trong đó có tán lộc ngay tại đền.