Không phát tràn lan lộc hoa tre trong Ngày Khai hội Gióng đền Sóc

Ngày 11/1, trong cuộc họp với đại diện các thôn làng, chính quyền các xã tham gia lễ hội Gióng đền Sóc Sơn (Hà Nội), ông Lê Hữu Mạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, Trưởng ban lễ hội khẳng định, việc phát lộc hoa tre và lộc trầu cau trong ngày khai hội sẽ được quản lý chặt chẽ, không phát tràn lan để tránh tình trạng lộn xộn.

Việc phát lộc năm nay không thực hiện vào sáng khai hội mà buổi chiều cùng ngày mới bắt đầu phát lộc cho nhân dân và khách thập phương.

Chú thích ảnh
Lễ hội Gióng đền Sóc. Ảnh: Quý Trung/TTXVN

Sau khi lễ Thánh buổi sáng, lộc hoa tre và trầu cau sẽ đưa vào hậu cung bảo vệ cẩn thận. Trưởng Ban tổ chức nhấn mạnh, những người quản lý lễ vật tuyệt đối không được phát lộc khi chưa có ý kiến của Ban tổ chức. Chiều cùng ngày, người dân và du khách vào khu vực này hành lễ sẽ được hướng dẫn lấy lộc mang về theo thứ tự, không để xảy ra tình trạng chen lấn, đảm bảo văn minh nơi thờ tự.

Khi có đủ lực lượng bảo vệ trợ giúp, những người quản lý mới được phát lộc, không tùy tiện phát. Sở dĩ năm nay, Ban tổ chức đặc biệt lưu tâm đến việc phát lộc do mùa lễ hội năm ngoái dù đã thay đổi hình thức phát lộc nhưng vẫn rơi vào tình trạng “vỡ trận” khi quá nhiều người vào xin lộc.

Còn phần lộc rước về đền Hạ (lộc hoa tre) và đền Mẫu (lộc trầu cau), các thôn làng được mang về theo đúng tục lệ cũ. Ban tổ chức cũng đề nghị thôn Vệ Linh tính toán kỹ kích thước giò hoa tre để đưa vào đền được thuận lợi. Đồng thời, Ban tổ chức cũng tính đến việc nhờ các cụ trong các thôn têm sẵn trầu cau để phát cho người dân và du khách trong suốt ba ngày lễ, thay vì chỉ phát lộc trầu cau như trước.

Đáng lưu ý, Ban tổ chức lễ hội năm nay đồng ý để thôn Vệ Linh làm giò hoa tre bằng cây vầu thay cho cây tre như trước, khi đại diện thôn đưa ra lý do tre khan hiếm, khó mua, trong khi cây vầu dễ vót hoa, dễ mua, giá thành rẻ.

Ông Lê Hữu Mạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, Trưởng Ban lễ hội cho rằng, tre và vầu cùng họ với nhau, lại thuận lợi trong việc làm giò lộc nên đã đồng ý cho thôn làng thay thế. Đặt vấn đề về tính truyền thống có đảm bảo khi lộc hoa tre lại làm bằng vầu, ông Lê Hữu Mạnh khẳng định vẫn đảm bảo, hơn nữa đây là nguyện vọng của thôn làng.

Cũng để đảm bảo tính tôn nghiêm của lễ hội Gióng năm 2019, Ban tổ chức yêu cầu việc tế lễ phải thực hiện đúng theo kịch bản. Thời gian trước và trong quá trình thực hiện nghi lễ, tuyệt đối không cho người dân và du khách vào đền lễ Thánh, việc này chỉ diễn ra sau khi hoàn thành phần tế lễ của các thôn làng.

Lễ hội Gióng đền Sóc Sơn được biết đến với nhiều nghi lễ độc đáo, đặc biệt là tục cướp lộc hoa tre và lộc trầu cau. Nhiều năm trước đó, tục này đã gây tình trạng lộn xộn, thậm chí đánh nhau gây thương tích tạo phản cảm trong lễ hội.

Trước nhiều ý kiến của dư luận và đề xuất của cơ quan quản lý văn hóa, từ năm 2018 Ban tổ chức lễ hội đã thay đổi hình thức tán lộc, không để cướp lộc tập trung mà chia nhỏ lộc ra để tán, trong đó phát lộc ngay tại đền. Do năm đầu thay đổi nên việc phát lộc còn có những vấn đề nảy sinh, vì vậy năm nay, Ban tổ chức tiếp tục điều chỉnh.

Đinh Thuận (TTXVN)
Hàng vạn người đội nắng xem hội trận - nghi lễ chính của hội Gióng đền Phù Đổng
Hàng vạn người đội nắng xem hội trận - nghi lễ chính của hội Gióng đền Phù Đổng

Chiều 23/5 (tức mùng 9/4 âm lịch), hội trận – nghi lễ chính của hội Gióng đền Phù Đổng (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) đã diễn ra, hội trận được tổ chức nhằm tái hiện sinh động trận chiến đánh giặc Ân của đức Thánh Gióng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN