Sau nửa thế kỷ, thị xã Quảng Trị đã mang dáng dấp của đô thị hiện đại với 5 đơn vị hành chính gồm 4 phường và xã Hải Lệ. Xã Hải Lệ đang thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao. Cầu Thành cổ được xây dựng năm 2017 bắc qua sông Thạch Hãn giúp kết nối trung tâm thị xã Quảng Trị với các địa phương trong và ngoài tỉnh. Công trình này còn giúp đôi bờ Bắc – Nam sông Thạch Hãn thay đổi từng ngày, khi các khu đô thị mới lần lượt được xây dựng. Sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương là du lịch tâm linh – hoài niệm, thu hút bình quân khoảng gần 400.000 lượt khách/năm.
Thị xã Quảng Trị đang vươn mình trở thành đô thị loại 3 vào năm 2025 với các giải pháp đột phá. Thị xã đã lập quy hoạch giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đầu tư các khu đô thị mới theo hướng mở rộng không gian đô thị xung quanh trục sông Thạch Hãn và tuyến tránh Quốc lộ 1A; khai thác tốt tiềm năng, lợi thế quần thể các di tích, trong đó trung tâm là Di tích Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị; thu hút khách du lịch với sản phẩm đặc trưng là tri ân các Anh hùng liệt sĩ như “Đêm hoa đăng” trên dòng sông Thạch Hãn, “Đêm Thành cổ” ở Thành cổ Quảng Trị. Địa phương cũng dành gần 800 tỷ đồng đầu tư xây dựng các công trình nhằm tạo động lực và lan tỏa cho sự phát triển.
Tinh thần đồng lòng vượt gian khó từ cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị đã và đang được Đảng bộ, chính quyền, nhân tỉnh Quảng Trị phát huy. Năm 2022, Quảng Trị chọn chủ đề “Trách nhiệm kỷ cương - Thích ứng an toàn - Thúc đẩy tăng trưởng”; trong đó xác định nhiệm vụ trọng tâm là vừa kiểm soát tốt dịch COVID-19 vừa khôi phục phát triển kinh tế - xã hội.
Để thực hiện nhiệm vụ này, ngay từ đầu năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2023; trong đó ưu tiên hỗ trợ 4 lĩnh vực gồm: Nông nghiệp, công nghiệp, thương mại và dịch vụ, du lịch. Nhờ đó, trong 6 tháng đầu năm đã ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực so với cùng kỳ năm 2021 như: Tổng thu ngân sách đạt 2.856 tỷ đồng, tăng 7%; lượng khách du lịch tăng hơn 55%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 135 triệu USD, tăng trên 21%; tạo việc làm mới cho trên 10.750 lao động, đạt gần 90% kế hoạch năm.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu đưa Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao vào năm 2025 và nhóm tỉnh khá của cả nước vào năm 2030. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng để đưa địa phương trở thành Trung tâm năng lượng của khu vực miền Trung. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng chia sẻ: Trước đây, những người lạc quan nhất cũng khó hình dung ngọn gió Lào (gió phơn Tây Nam khô nóng) khắc nghiệt và cái nắng mùa hè rát bỏng từng là nỗi ám ảnh của mảnh đất Quảng Trị có thể trở thành một nguồn lợi kinh tế có tiềm năng to lớn. Bắt nguồn từ thay đổi trong tư duy “biến cái bất lợi thành tiềm năng phát triển”, đến nay tỉnh đã có 19 dự án điện gió, 3 dự án điện mặt trời, 11 dự án thủy điện được đưa vào vận hành thương mại, đưa tổng công suất nguồn điện đạt trên 965MW. Công nghiệp năng lượng đã hiện hữu trên vùng đất đầy nắng, gió.
Ngoài ra, tỉnh còn ưu tiên thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, Khu kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo và các khu công nghiệp: Tây Bắc Hồ Xá, Quán Ngang, Nam Đông Hà, Triệu Phú và Khu công nghiệp Quảng Trị. Từ vùng đất “trắng”, ngày nay Quảng Trị đã thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược trong, ngoài nước đến nghiên cứu và triển khai các dự về năng lượng, hạ tầng, đô thị có quy mô lớn như các tập đoàn: T&T, Vingroup, Big C, Bitexco Group, Liên doanh VSIP - Amata-Sumitomo.
Quảng Trị tập trung triển khai các dự án động lực tạo liên kết vùng như: Cảng hàng không Quảng Trị tại huyện Gio Linh (công suất 1 triệu hành khách/năm và 3.100 tấn hàng hóa/năm, tổng mức đầu tư của dự án là hơn 5.800 tỷ đồng); Dự án đường ven biển từ Nam cầu Cửa Việt đến giáp tỉnh Quảng Bình dài gần 56 km, vốn đầu tư trên 2.000 tỷ đồng. Tỉnh cũng chuẩn bị đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo dài khoảng 70 km, vốn đầu tư khoảng 7.700 tỷ đồng. Tỉnh thực hiện chính sách khuyến khích phát triển “6 cây, 2 con chủ lực”, gắn với liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất và ứng dụng công nghệ cao; trong đó 6 cây chủ lực gồm cà phê, hồ tiêu, cao su, lúa chất lượng cao, cây ăn quả và cây dược liệu, gỗ rừng trồng; 2 con chủ lực là tôm và bò.
Tỉnh tiếp tục phát huy thương hiệu “Ký ức chiến tranh – Khát vọng hòa bình” với điểm đến làm hệ thống di tích lịch sử cách mạng, trong đó có 4 Di tích quốc gia đặc biệt gồm: Thành cổ Quảng Trị, Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải, Địa đạo Vịnh Mốc và Đường Hồ Chí Minh. Ngoài ra, du lịch biển với “tam giác” Cửa Tùng – Cửa Việt – đảo Cồn Cỏ ngày càng thu hút nhiều du khách và nhà đầu tư vào loại hình nghỉ dưỡng.
Trên vùng “đất lửa” Quảng Trị, công tác “đền ơn đáp nghĩa” đã trở thành việc làm thường xuyên và tự nguyện của mọi tầng lớp nhân dân, các cấp chính quyền, đoàn thể. Lễ thắp nến tri ân, thả hoa đăng, dâng hoa, dâng hương, viếng và tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ thường xuyên được tổ chức tại 72 nghĩa trang trên địa bàn - nơi an nghỉ của gần 60.000 liệt sĩ từ mọi miền của Tổ quốc; trong đó có Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 và Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Trị Lê Minh Tuấn chia sẻ: Công tác giáo dục truyền thống lịch sử địa phương đã thực sự tạo động lực, nhân lên tình yêu quê hương đất nước cho thế hệ trẻ. Từ đó, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm với quê hương, biết vượt qua khó khăn thử thách, có ý chí và khát vọng phấn đấu để trở thành những công dân có ích, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, làm rạng danh thêm truyền thống lịch sử, văn hóa của vùng đất, con người Quảng Trị.