Những "Bức tường thép"
Thành cổ Quảng Trị năm 1972 được xem là trận địa có tính chất và ý nghĩa quyết định sống còn của Mỹ - Ngụy khi cuộc chiến tranh Việt Nam đang đi đến hồi kết trên bàn đàm phán tại Hội nghị Paris. Chúng âm mưu tái chiếm cho được Thành cổ Quảng Trị bằng mọi giá khi dư luận thế giới đang từng giờ, từng phút hướng về địa danh này.
Về phía ta, hạ quyết tâm giữ cho được Thành cổ Quảng Trị với mục tiêu chiến thắng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ” để cùng với thắng lợi của quân dân trên cả nước buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris vào ngày 27/1/1973, sớm chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình cả hai miền Bắc-Nam.
Trước tình hình trên, từ cuối tháng 6-8/1972, quán triệt Chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và quyết tâm của Bộ Chỉ huy chiến dịch, ta đã chuẩn bị kỹ về lực lượng và thế trận chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Các đơn vị bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương được giao nhiệm vụ chốt giữ các vị trí dựa vào hệ thống trận địa, hầm hào, sẵn sàng đánh địch, kiên quyết bảo vệ Thành cổ bởi đây là chốt chặn quan trọng nhất của ta. Các đơn vị của ta ở trong và ngoài Thành cổ đã hiệp đồng tác chiến chặt chẽ tạo nên những “bức tường thép”, bảo vệ thế trận vững chắc.
Từng tham gia chiến đấu tại mặt trận Thành cổ Quảng Trị vào năm 1972, dù gần nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng cựu chiến binh Tôn Đức Đạo (72 tuổi), nguyên Trung đoàn 271, Quân khu Trị - Thiên vẫn không thể nào quên những ngày tháng mà mình và đồng đội đã chiến đấu trong suốt 81 ngày đêm “mùa hè đỏ lửa”. Nhớ về trận đánh tại chốt Long Quang - chốt trọng yếu của mặt trận cánh Đông bảo vệ Thành cổ, ông kể lại: Được cấp trên giao nhiệm vụ tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, bảo vệ chốt Long Quang, đồng thời tạo đà thắng lợi cho những trận đánh tiếp theo, ông cùng đồng đội đã giữ được lời thề của mình, chiếm lĩnh chốt Long Quang, thừa thắng xông lên mở rộng địa bàn đánh các cao điểm khác. Trận đánh này có ý nghĩa quyết định mở màn trong việc bảo vệ “trái tim” Thành cổ Quảng Trị, qua đó tạo nên thế và lực mới cho các trận chiến đấu vào các điểm xung yếu.
Nhớ về quá khứ hào hùng đã qua, Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Giang Văn Thành, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 6, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320 cho biết: Mùa hè năm 1972, lực lượng hai bên không cân sức, để giữ được lực lượng nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả các trận đánh, ngoài chốt giữ trận địa, ông và đồng đội đã luồn sâu vào phía sau tập kích đối phương. Ban ngày, quân ta đánh lên phía trước, luồn sâu vào trận địa pháo của địch nhờ hệ thống hầm hào, công sự. Ban đêm, quân ta luồn ra phía sau tập kích bất ngờ. Ngày 13/7/1972, ông cùng đồng đội mang theo vũ khí tiếp cận tiêu diệt quân địch tại Sở chỉ huy Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 147, Thủy quân lục chiến tại làng Bích La Hậu, xã Triệu Tài. Với cách đánh bất ngờ, quân ta đã tiêu diệt 23 tên địch, khiến 7 tên bị thương; trong đó có Tiểu đoàn trưởng và Tiểu đoàn phó. Cùng với các trận đánh khác, trận này đã phối hợp phá vỡ ý đồ tấn công vào Đông Bắc Thành cổ Quảng Trị ngày 14/7/1972 của Mỹ-Ngụy.
Nhuộm thắm ngọn cờ chính nghĩa
Tròn 50 năm đi qua, chiến tranh đã lùi xa nhưng vẫn còn những người lính nằm lại nơi chiến trường xưa, hòa mình trong lòng đất, dưới từng ngọn cỏ ở di tích Thành cổ để viết nên những bản hùng ca bất tử, mãi vang vọng trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.
Bồi hồi xúc động khi được thắp nén tâm nhang cho đồng đội tại Thành cổ sau bao năm xa cách, cựu chiến binh đến từ Thanh Hóa, ông Phạm Huy Hoạt, từng tham gia chiến đấu tại Sư đoàn 320 cho biết: Trong cuộc chiến 81 ngày đêm lịch sử bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, nhiều đồng đội của ông đã mãi nằm lại trên mảnh đất này. Trong chiến tranh gian khổ, dù bom đạn tàn phá khốc liệt, dù sự sống và cái chết cách nhau rất mỏng manh, nhưng ông và đồng đội đều nỗ lực cố gắng hết sức mình để bảo vệ từng tấc đất của cha ông. Ý chí kiên cường, tinh thần dũng cảm ấy đã trở thành “bất tử”. Hòa bình lập lại, đến nay ông và đồng đội vẫn chưa thể đưa hết đồng đội trở về. Thân thể các anh đã hòa vào lòng sông, bãi cát, dưới gốc cây, góc phố để tô thắm lịch sử bi hùng của dân tộc.
Cuộc chiến 81 ngày đêm lịch sử không chỉ cam go với những người tham gia trận đánh này, mà còn “khốc liệt” đối với thân nhân của các anh. Biết bao người mẹ ngóng con, người vợ ngóng chồng, người con ngóng cha trong nhạt nhòa nỗi nhớ và nước mắt chảy dài. Dân tộc ta đã gánh chịu biết bao mất mát, đau thương do chiến tranh. 50 năm đã trôi qua, nhưng nỗi đau và sự “khốc liệt” ấy vẫn tồn tại, minh chứng cho tội ác của quân thù.
Trở lại Thành cổ Quảng Trị sau nhiều năm xa cách, cựu chiến binh người Thái Bình, ông Nguyễn Quang Cường (68 tuổi) từng làm y tá tại Bệnh xá Sư đoàn 320 nhớ lại: Ngày ấy khi mới học hết học kỳ I của lớp 9, ông đã xung phong đi bộ đội. Đơn vị ông đóng quân ở Gia Độ, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ông và đồng đội thực hiện công tác cấp cứu, chữa trị những bệnh binh nặng từ Thành cổ Quảng Trị chuyển về; đồng thời phối hợp các lực lượng khác lên mặt trận để đưa thương binh về các đội phẫu ở Gia Độ cấp cứu, chữa trị. Chiến sự lúc này rất ác liệt, pháo kích Hạm đội 7 của Mỹ từ biển bắn vào, bom từ máy bay B52 thả xuống liên tục tuyến trước và tuyến sau của Thành cổ Quảng Trị. Đồng đội của ông có rất nhiều người đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ. Đau xót hơn, rất nhiều đồng chí bị thương nhưng ông và đồng đội không thể cứu được. Cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị là cuộc chiến hào hùng nhất mà cũng bi thương nhất. Rất nhiều anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh trong cuộc chiến ấy đến nay vẫn chưa thể thống kê được. Đó là cái giá của độc lập, tự do và hòa bình ngày hôm nay.
Đã 50 năm trôi qua, chiến công bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 vẫn vang vọng mãi bởi sức mạnh kiên cường, ý chí chiến đấu phi thường của quân và dân ta. 81 ngày đêm, khát vọng hòa bình cháy bỏng của cả dân tộc được hun đúc và thấm vào từng tấc đất, nhành cây, ngọn cỏ của một Cổ Thành như thế...
Bài cuối: Đồng lòng vượt qua gian khó