Tính đến hết tháng 11/2020, toàn tỉnh Khánh Hòa có trên 21.190 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019 (10.668 người). Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu nguồn nguyên liệu, không có đơn đặt hàng, lượng khách du lịch giảm dẫn đến lượng mua sắm của người dân thấp, từ đó một số ngành nghề phải ngừng hoạt động như: lĩnh vực du lịch, thương mại, dệt may, da giày, sợi.
Chị Nguyễn Thị Kim Thoa (21 tuổi, quê ở huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa), nhân viên bếp của một khách sạn 4 sao trên địa bàn thành phố Nha Trang mất việc hồi tháng 4/2020. Chị cho biết, đến nay, chị vẫn chưa tìm được việc làm mới, dù là việc trái chuyên ngành bếp. Hiện tại, chị trở về quê và phụ gia đình làm việc may mặc tại nhà. Chị rất mong các khách sạn ở thành phố sớm phục hồi để chị và nhiều đồng nghiệp khác có công việc trở lại.
Với những người làm chủ doanh nghiệp, họ rơi vào vòng "xoáy" giữa nợ ngân hàng hay giữ chân người lao động. Chấp nhận vay vốn ngân hàng để duy trì hoạt động của đơn vị, trả lương và đóng bảo hiểm cho người lao động, tuy nhiên, các chủ doanh nghiệp rất khó khăn do nợ trước chưa trả xong, phía ngân hàng cũng khó làm thủ tục cho vay vốn tiếp.
Ông Nguyễn Văn Khả, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Khánh Hòa cho biết, trước tình hình số người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp ngày càng tăng, để giải quyết chế độ nhanh chóng, kịp thời, Trung tâm Dịch vụ việc làm Khánh Hòa tăng số lượng viên chức, trang thiết bị, thời gian, mở rộng các địa điểm, hình thức tiếp nhận hồ sơ.
Mặc khác, Trung tâm tăng cường công tác thông tin lên hệ thống website của đơn vị và tổ chức các phiên giao dịch việc làm. Mới đây, ngày 3/12, Trung tâm đã tổ chức phiên giao dịch việc làm tại thành phố Nha Trang. Tại đây, gần 10 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng hơn 200 người lao động với nhiều vị trí việc làm có mức lương từ 4,5 đến hơn 10 triệu đồng/tháng.
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Khánh Hòa đã tư vấn chính sách bảo hiểm thất nghiệp, tư vấn giới thiệu việc làm cho 100% người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp; giải quyết hồ sơ cho trên 1.200 người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Bên cạnh những hoạt động này của Trung tâm Dịch vụ việc làm Khánh Hòa, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh thực hiện nhiều giải pháp để giúp đỡ người lao động mất việc như: mở lớp dạy nghề ngắn hạn, hỗ trợ người xuất khẩu lao động (từ đầu năm đến nay tỉnh có 79 người đi xuất cảnh làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng). Đặc biệt, các chính sách trợ giúp người mất việc do dịch bệnh, người có công, người lang thang cơ nhỡ theo các gói hỗ trợ của Trung ương được Khánh Hòa thực hiện tốt.