Một số công dân của xã khiếu kiện, phản đối việc thu tiền nước sạch của Công ty TNHH MTV nước sạch xã Phượng Hoàng, thậm chí một số đối tượng quá khích đã gây rối tại trụ sở Ủy ban Nhân dân xã, chiếm giữ và tự vận hành nhà máy nước cho đến nay. Việc xử lý nghiêm những sai phạm của chính quyền xã, doanh nghiệp và những đối tượng quá khích liên quan đến nhà máy nước là yêu cầu cấp thiết để ổn định trật tự an toàn, an ninh khu vực nông thôn.
Chủ trương đúng
Ông Vũ Công Cương, Giám đốc Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương) cho biết: Dự án cấp nước sinh hoạt nông thôn thuộc xã Phượng Hoàng, huyện Thanh Hà được UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt tại Quyết định số 1113/2000/QĐ-UBND ngày 1/6/2000 về việc phê duyệt dự án cấp nước sinh hoạt nông thôn xã Phượng Hoàng, huyện Thanh Hà.
Theo Quyết định 3316/QĐ-UBND ngày 30/10/2000 về phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán công trình, trạm cấp nước sạch nông thôn xã Phượng Hoàng, huyện Thanh Hà, trạm có công suất thiết kế ban đầu là 600 m3/ngày đêm và cấp nước cho xã Phượng Hoàng (nay là xã An Phượng). Tổng mức dự toán đầu tư trạm cấp nước trên 1,8 tỷ đồng và công trình được chia thành hai giai đoạn.
Giai đoạn 1, ngân sách nhà nước cấp theo chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn là 980 triệu đồng, nguồn vốn đối ứng ngân sách xã Phượng Hoàng là 100 triệu đồng và 32 triệu đồng là vốn người dân đóng góp xây dựng các hạng mục khu xử lý công trình đầu mối và đường ống chính thôn Phượng Đầu.
Sang giai đoạn 2, UBND xã Phượng Hoàng huy động công lao động và vốn đóng góp của trên 1.600 hộ dân để xây dựng hệ thống mạng đường ống cấp nước toàn xã và lắp đặt đấu nối sử dụng nước cho các hộ gia đình.
Năm 2000, trạm cấp nước sạch nông thôn xã Phượng Hoàng đã được xây dựng và hoàn thành. Xã Phượng Hoàng huy động vốn đóng góp của các hộ dân và xây dựng mạng đường ống cấp nước và đấu nối hộ gia đình.
Công trình sau khi hoàn thiện, UBND xã Phượng Hoàng đã thành lập Tổ quản lý nước sinh hoạt để vận hành. Tuy nhiên, do công trình hoạt động không hiệu quả nên Tổ quản lý đã bàn giao lại cho Ủy ban nhân dân xã.
Sau đó, UBND xã đã thành lập Tổ dịch vụ nước để quản lý vận hành nhưng tiếp tục không hiệu quả nên xã đã thống nhất chuyển đổi mô hình Tổ dịch vụ thành Hợp tác xã nước sạch Phượng Hoàng.
Đến năm 2014, thực hiện chủ trương xã hội hóa về nguồn lực đầu tư cho nước sạch nông thôn, Đảng ủy, UBND xã Phượng Hoàng thống nhất cho chuyển đổi mô hình Hợp tác xã nước sạch thành Công ty TNHH MTV nước sạch Phượng Hoàng do ông Nguyễn Danh Lĩnh là Giám đốc. Công ty tiếp quản, vận hành, khai thác công trình từ năm 2014 đến nay.
Qua 10 năm hoạt động, công trình đã đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ ban đầu là cấp nước sạch cho người dân địa phương với tổng 1.900 hộ dân, đạt 98,7%.
Sai phạm chồng sai phạm
Những “lùm xùm” liên quan đến công trình nước sạch xã Phượng Hoàng bắt đầu từ những năm 2016-2017 và trở thành "điểm nóng" từ tháng 7/2019. Một số công dân xã Phượng Hoàng không đồng tình áp giá nước mới do UBND tỉnh Hải Dương ban hành.
Trong nhiều cuộc tiếp dân của UBND tỉnh Hải Dương và những cuộc đối thoại giữa cơ quan chức năng với người dân, các cá nhân này cho rằng công trình được nhà nước cho người dân và có cả tổ chức UNICEF tài trợ không hoàn lại nên việc quản lý công trình và áp giá nước là do người dân quyết định, yêu cầu đưa công trình cấp nước ra đấu thầu, trả lại phần tài sản do nhân dân đóng góp...
Trước tình hình này, UBND tỉnh Hải Dương đã tổ chức đoàn thanh tra đột xuất việc chấp hành chính sách pháp luật trong đầu tư, xây dựng và khai thác sử dụng dự án cấp nước sinh hoạt nông thôn ở xã Phượng Hoàng và của Công ty TNHH MTV nước sạch Phượng Hoàng. Quá trình thanh tra đã phát hiện nhiều sai phạm trong quản lý, khai thác, vận hành công trình này của cả chính quyền xã và doanh nghiệp như chưa thực hiện đúng Luật Thương mại quy định về giá nước sạch và Luật Kế toán thống kê.
Theo báo cáo của đoàn thanh tra, UBND tỉnh Hải Dương ngày 3/2/2020 đã ban hành kết luận số 267/KLTTr-UBND và khẳng định, UBND xã Phượng Hoàng bàn giao Công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn cho Tổ hợp tác xã dịch vụ nước sạch để vận hành, khai thác sử dụng chưa chặt chẽ.
Khi Tổ hợp tác xã dịch vụ nước sạch không vận hành, sử dụng nữa, Công ty TNHH MTV nước sạch Phượng Hoàng tiếp nhận khai thác nhưng xã không có văn bản hợp đồng với công ty về quản lý khai thác nước sạch nông thôn xã Phượng Hoàng, bàn giao tài sản là nhà máy nước và hệ thống đường ống nước sinh hoạt của xã cho công ty là sai nguyên tắc quản lý tài sản công.
Ngoài ra, UBND xã cho Tổ hợp tác xã dịch vụ nước sạch và Công ty TNHH MTV nước sạch Phượng Hoàng từ năm 2011 đến tháng 9/2019 được trích lại 50% để chi cho hoạt động với số tiền gần 187 triệu đồng nhưng đến nay chưa thực hiện quyết toán.
Bên cạnh đó, việc UBND xã ban hành các quyết định về giá nước sạch là không đúng thẩm quyền. Mức giá nước qua các thời kỳ đều thấp hơn mức giá do UBND tỉnh Hải Dương quy định mặc dù giảm chi phí tiền nước cho nhân dân nhưng làm giảm thu ngân sách Nhà nước. Cụ thể, giá ban đầu là 2.300 đồng/m3, thực hiện từ tháng 4/2005. Đến 1/5/2010, giá nước là 3.800 đồng/m3. Từ 1/2/2011, giá nước là 4.200 đồng/m3. Từ 1/8/2012, đơn giá là 5.400 đồng/m3.
Về phía doanh nghiệp, Công ty TNHH MTV nước sạch Phượng Hoàng cũng có nhiều sai phạm. Trong kết cấu đơn giá nước sạch đều đã có tính đến tiền khấu hao tài sản cố định và thực tế, công ty đã thu được gần 238 triệu đồng tiền khấu hao. Tuy vậy, công ty đã sử dụng khoản thu này để chi cho hoạt động thường xuyên là không đúng quy định.
Hơn nữa, từ khi thành lập công ty đến nay còn một số khoản chi chứng từ không hợp lệ với số tiền trên 149 triệu đồng đã dẫn đến giảm chi phí tăng lợi nhuận.
Kiên quyết xử lý
Trước những sai phạm đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Vương Đức Sáng đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương chủ trì phối hợp với các sở, ngành và địa phương tạm giao công trình cấp nước sinh hoạt xã Phượng Hoàng cho Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn khai thác vận hành, đồng thời tham mưu tỉnh lựa chọn đơn vị có đủ năng lực để tiếp quản.
Cá nhân ông Nguyễn Danh Lĩnh nguyên là Tổ trưởng tổ hợp tác xã dịch vụ nước sạch, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên nước sạch xã Phượng Hoàng phải nộp 29,5 triệu đồng là thuế thu nhập doanh nghiệp còn nợ; thực hiện quyết toán gần 187 triệu đồng với UBND xã và chịu trách nhiệm về tính chính xác đối với khoản tiền 1,4 tỷ đồng mà Tổ hợp tác xã dịch vụ nước sạch và công ty đã đầu tư tăng thêm.
Tuy vậy, đã hơn 2 tháng kể từ sau kết luận thanh tra và chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, các yêu cầu vẫn chưa được thực hiện. Phía doanh nghiệp thì chưa thống nhất với kết luận thanh tra. Một nhóm người dân quá khích tiếp tục chiếm giữ nhà máy nước để tự vận hành, không trả tiền điện và ngăn cản người dân trong xã trả tiền sử dụng nước từ tháng 7/2019 đến nay.
Theo ông Vũ Công Cương, Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Hải Dương, Trung tâm đã nhiều lần phối hợp với UBND xã xuống nhà máy nước thuyết phục người dân và cho cán bộ kỹ thuật hỗ trợ việc vận hành nhà máy nhưng các đối tượng chiếm giữ nhà máy không phối hợp. Do vận hành không đúng kỹ thuật nên đã gây ra nhiều sự cố hư hỏng hệ thống đường ống cấp nước; không đáp ứng đủ nhu cầu và chất lượng nước sinh hoạt phục vụ người dân.
Ông Ngô Bá Định, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà cho biết, huyện đã và đang tích cực tuyên truyền, đối thoại, giải thích để người dân và doanh nghiệp hiểu rõ và chấp hành kết luận thanh tra của UBND tỉnh Hải Dương, đồng thời quyết liệt xử lý kỷ luật các cán bộ có sai phạm liên quan đến việc quản lý, khai thác và vận hành công trình nước sạch.
Tại một cuộc họp giải quyết vướng mắc trong quản lý, vận hành Công trình cấp nước sạch sinh hoạt nông thôn xã Phượng Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Vương Đức Sáng tiếp tục giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan tiến hành kiểm kê xác định giá trị tài sản công trình, xác định rõ tỷ lệ vốn của nhà nước, doanh nghiệp và người dân để làm căn cứ thực hiện đấu thầu theo đúng quy định và hoàn trả các bên tham gia góp vốn trước 30/9/2020.
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương cũng yêu cầu huyện Thanh Hà chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với UBND xã Phượng Hoàng và chủ tịch UBND xã Phượng Hoàng giai đoạn 2003-2018. Công an tỉnh Hải Dương tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ, xác định hành vi vi phạm của từng cá nhân, xử lý nghiêm và xử lý mức cao nhất theo quy định của pháp luật đối với những cá nhân vi phạm, kể cả xử lý hình sự nếu đủ điều kiện.