Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương cho biết tính đến 6h ngày 23/6, Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố tuyến biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu thông báo, kiểm đếm và hướng dẫn cho gần 20.000 phương tiện với 71.587 lao động trên biển biết vị trí, diễn biến của bão số 2 để chủ động phòng tránh.
Vị trí và hướng đi của cơn bão sáng 23/6. Nguồn: nchmf.gov.vn |
Trong đó hoạt động ở khu vực Quần đảo Hoàng Sa là 25 phương tiện với 298 lao động; Khu vực vịnh Bắc Bộ (từ Quảng Ninh đến Quảng Trị) là 19.973 phương tiện với 71.289 lao động đang hoạt động hoặc trên đường di chuyển vào bờ.
Hiện các hồ chứa thủy lợi ở khu vực từ Ninh Bình trở ra vẫn hoạt động bình thường. Tính đến 16h ngày 22/6, do mới bắt đầu vào mùa mưa nên dung tích trữ của các hồ chứa vừa và lớn ở mức thấp, bình quân đạt 47% thiết kế; mực nước hiện tại dưới mực nước dâng bình thường từ 2-3m. Một số hồ chứa có mức nước cao là hồ Tà Keo (Lạng Sơn); hồ Chúc Bài Sơn (Quảng Ninh); Đầm Hà Động (Quảng Ninh). Các hồ chứa nhỏ dung tích trữ ước đạt bình quân từ 20-40%, mực nước còn thấp hơn thiết kế.
Những hạng mục đê biển triển khai thi công trong năm 2013 tại các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh cơ bản đã hoàn thành, đảm bảo yêu cầu phòng chống lụt bão. Riêng các tuyến đê tại Quảng Ninh đang thi công như: đê Đồng Rui, Đông Nam (huyện Tiên Yên), đê Hải Xuân (thành phố Móng Cái); đê Vành Kiệu III (thành phố Uông Bí), các chủ đầu tư và các đơn vị thi công đã triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn khi có bão xảy ra.
Để giảm thiểu thiệt hại do bão số 2 có thể gây ra, Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương cũng đề nghị các tỉnh, thành phố và Bộ, ngành thực hiện nghiêm túc Công điện số 11; Tiếp tục thông tin, kêu gọi và yêu cầu các phương tiện đang hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và Vịnh Bắc Bộ di chuyển vào bờ hoặc di chuyển thoát ra khỏi vùng nguy hiểm để đảm bảo an toàn; Vùng nguy hiểm được xác định là khu vực phía trên Vĩ tuyến 18. Bên cạnh đó, tổ chức neo đậu tàu thuyền, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi bão đổ bộ vào bờ; chằng chống các lồng bè nuôi trồng thủy sản; tổ chức sơ tán ngay người vào đất liền, tuyệt đối không để người trên lồng bè; các chòi canh nuôi trồng thủy sản.
Các địa phương, Bộ ngành chỉ đạo, kiểm tra an toàn hồ, đập, đê điều, nhất là việc vận hành xả nước đón lũ với các hồ chứa hiện đã tích đầy nước hoặc vượt cao trình tích nước theo quy định để đảm bảo an toàn công trình và tăng hiệu quả cắt lũ, đồng thời hạn chế gây ảnh hưởng, thiệt hại cho vùng hạ du; chuẩn bị chống úng cho các diện tích có khả năng bị úng. Đồng thời đảm bảo an toàn các công trình đang thi công, nhất là đối với các hồ chứa, đê điều; Triển khai việc rà soát, kiểm tra phương án phòng chống lụt bão để đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du./.
Thanh Tuấn