Tại Hải Phòng, tối 22/6, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB và TKCN) thành phố Hải Phòng đã họp khẩn với các ngành, đơn vị, địa phương để rà soát, đôn đốc việc triển khai các biện pháp phòng, chống bão số 2.Tàu thuyền của ngư dân neo đậu tránh trú bão tại cảng cá Ngọc Hải, quận Đồ Sơn. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN |
Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hải Phòng, đến 19 giờ ngày 22/6, trên khu vực ngoài khơi biển Hải Phòng không còn phương tiện tàu, thuyền hoạt động. Riêng tàu đánh cá có số hiệu 93704 NA của Nghệ An trên đường di chuyển từ đảo Bạch Long Vĩ vào đất liền do sóng to, gió lớn không di chuyển được trên biển, đang được các đơn vị triển khai cứu hộ, lai dắt về bờ. Trước đó, Bộ đội Biên phòng Hải Phòng đã thông tin cho 3.835 phương tiện, lồng bè với 11.446 lao động đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão số 2 để chủ động phòng tránh. Trong đó, 397 tàu thuyền đang hoạt động ven biển về bờ trước 17 giờ ngày 22/6; 2.904 tàu thuyền, 534 lồng bè đang neo đậu tại các bến.
Tại huyện đảo Bạch Long Vĩ, 101 tàu thuyền đã vào khu vực âu cảng. Huyện vận động 229 phương tiện di chuyển về đất liền tránh trú; 70 người cùng hai xe cẩu đưa các tàu thuyền nhỏ lên bờ tránh bão; 11 hộ dân khu làng cá đã di chuyển tránh bão an toàn... Tại huyện đảo Cát Hải hầu hết số phương tiện, tàu thuyền (cả địa phương và tỉnh ngoài) đã vào nơi neo đậu tại các bến; việc di dời, bảo vệ các lồng bè, nhất là các bè dịch vụ đã hoàn tất trong chiều 22/6.
Hồi 14 giờ cùng ngày, tại vịnh Cát Bà, tàu cá HP 1586 của ông Trịnh Văn Minh chở ba tấn mực tươi đã bị đắm. Các lực lượng đã cứu hộ an toàn cả hai người đi trên tàu này. Quận Dương Kinh đã triển khai phương án di dân khu vực Thủy Giang và bảo vệ trọng điểm trên tuyến đê biển I. Các địa phương và các ngành tập trung triển khai kế hoạch phòng, chống bão số 2 trên địa bàn; cấm tàu thuyền ra khơi và các hoạt động trên biển, ven biển, nhất là các khu du lịch biển, hoạt động của các bến phà từ 19 giờ 22/6; rà soát các cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu, thuyền, nhất là các đơn vị ở gần các công trình cầu vượt sông; tổ chức tuần tra, canh gác, bảo vệ các vị trí đê xung yếu; tiêu thoát nước đệm và bảo vệ các công trình thuỷ lợi; duy trì lực lượng xung kích hơn 36.000 người cùng vật tư, phương tiện sẵn sàng tham gia phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn. Trong đó, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố đảm nhiệm và hiệp đồng 7.335 người; 328 xe ôtô các loại, 107 tàu và xuồng cao tốc, 4 xe thiết giáp; Bộ đội Biên phòng đảm nhiệm và hiệp đồng 225 người; 14 tàu, 41 xuồng, 19 xe ôtô các loại.
Tại tỉnh Phú Thọ, tỉnh đã gửi công điện khẩn yêu cầu các Sở, ban ngành, các huyện, thành phố, thị xã tập trung đối phó với bão số 2. Tỉnh Phú Thọ yêu cầu các ngành liên quan tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ tại Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão các cấp, các cơ quan đơn vị để đảm bảo thông tin liên lạc; chủ động chỉ đạo xử lý tình huống và báo cáo kịp thời về Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh; kiểm tra các hồ đập trên địa bàn, các công trình đang thi công, phát hiện và xử lý ngay những sự cố để đảm bảo an toàn công trình; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện, sẵn sàng đối phó với những tình huống xấu xảy ra theo phương châm 4 tại chỗ; tập trung kiểm tra các kho tàng bến bãi, nhà cửa, có biện pháp chằng chống nhà cửa để đề phòng gió giật mạnh gây thiệt hại; chủ động kiểm tra vận hành các cống dưới đê sông, đê ngòi, các trạm bơm tiêu để đảm bảo tiêu úng kịp thời bảo vệ sản xuất; tập trung tổ chức truyền tải thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình diễn biến của bão số 2 để các cấp, ngành và nhân dân có biện pháp chủ động phòng, tránh…
Tại Thái Bình, công tác chuẩn bị đối phó với bão số 2 đang được các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh chủ động triển khai. Tỉnh đã chỉ đạo 2 huyện ven biển Tiền Hải và Thái Thụy cấm tàu thuyền ra khơi và hướng dẫn neo đậu vào nơi tránh, trú bão, đảm bảo không bị va đập gây vỡ và chìm tàu thuyền. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chỉ đạo mở tất cả các cống tiêu nước sông trục, nước đệm nội đồng triệt để tránh ngập úng khi xảy ra mưa lớn.
Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương và các gia đình thông tin kịp thời cho tất cả các chủ tàu, thuyền đang hoạt động trên biển về vị trí, diễn biến của bão số 2 và hướng dẫn ngư dân tránh, trú bão, không đi vào vùng nguy hiểm; kêu gọi vận động lao động canh coi tại các chòi ngao ven biển vào nơi trú ẩn trước khi bão đổ bộ vào; tăng cường kiểm tra các công trình đê biển đang thi công dở dang.
Tỉnh yêu cầu nhân dân, cán bộ, công chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang trong tỉnh tập trung chằng chống nhà cửa, kho tàng, cơ quan, công sở, trường học, bệnh viện; tổ chức lực lượng canh gác, bảo đảm an ninh trật tự ở những khu vực phải di dời dân; thực hiện phương án khẩn cấp bảo vệ đê, kè, cống xung yếu, nhất là các công trình đang thi công trên sông và ngoài đê biển.