Khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 2

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão TW, tính đến ngày 21/7, bão số 2 đã làm 11 người chết, 2 người mất tích do mưa, lũ, sét đánh; 164 nhà bị tốc mái; 358 nhà bị đổ sập và gần 6.000 nhà bị ngập (trong đó nặng nhất là Lạng Sơn với 5.800 nhà). Bão số 2 cũng đã làm 3.282 ha lúa và 160 ha hoa màu bị ngập, đổ. Hiện các địa phương bị thiệt hại đang khẩn trương khắc phục hậu quả và ổn định cuộc sống.


Hệ thống thủy lợi tiếp tục tiêu úng


Theo Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão TW, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 trên lưu vực các sông Đà, sông Lô, sông Thao, sông Kỳ Cùng và sông Thái Bình đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Mực nước sông Kỳ Cùng tại Lạng Sơn đã ở mức trên báo động 3 là 0,89 m và đang xuống. Mực nước thượng lưu sông Lục Nam đang xuống, riêng hạ lưu đang lên. Mực nước sông Cầu, sông Thương, sông Thao, sông Đà đang lên.

 

Những tảng đá lớn sạt lở tại km 90, QL 34 thuộc tỉnh Cao Bằng làm ách tắc giao thông nghiêm trọng.  Ảnh; Mạnh Hà- TTXVN

 

Theo báo cáo của Vụ Quản lý công trình (Tổng cục Thủy lợi), trong ngày 20/7 lượng mưa hầu hết các khu vực đều giảm, lượng nước về các hồ đã giảm, các hồ tràn tự do đầy nước đang giảm dần về mực nước dâng bình thường. Các hồ có cửa van điều tiết đang tiếp tục điều tiết về mực nước theo quy trình. Hiện nay chưa có báo cáo thiệt hại nào về công trình thủy lợi và tình hình mất an toàn hồ chứa. Các hệ thống thủy lợi vẫn đang tiếp tục tiêu úng.


Về giao thông, tại Lạng Sơn, các tuyến quốc lộ 1B, 4A, 4B, 279 và một số đường tỉnh lộ bị chia cắt giao thông nhiều đoạn do ngập úng và sạt lở đất. Tại Lai Châu, quốc lộ 279 và một số tỉnh lộ bị sạt lở gây ách tắc giao thông, hiện chưa thông xe. Một số tuyến quốc lộ chạy qua địa bàn các tỉnh Bắc Kạn, Hà Giang, Yên Bái, Sơn La cũng bị sạt lở nhưng đã được khắc phục và thông xe. Theo tính toán, tổng khối lượng đất, đá sạt lở tại các địa phương trên là khoảng 64.885 m3.


Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, bão số 2 gây ra một số sự cố về điện, nhưng đến ngày hôm qua, hệ thống lưới điện phân phối tại Quảng Ninh, Cao Bằng đã trở lại hoạt động bình thương. Các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Kạn, Hà Giang, Điện Biên, Bắc Giang và Lạng Sơn đang tiến hành kiểm tra và khắc phục sự cố trong thời gian sớm nhất.


Hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống


Tại Quảng Ninh, sau khi bão đi qua, tại huyện Bình Liêu xuất hiện mưa lũ. Chính quyền địa phương đã khẩn cấp di dời các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm, các điểm có nguy cơ lũ quét, sạt lở. Các huyện, thị xã, thành phố huy động lực lượng hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình có nhà bị tốc mái khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định cuộc sống nhân dân.


Tại Sơn La, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 2, trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa vừa, mưa to trên diện rộng, gây ngập lụt, hư hỏng nhà dân, sạt lở đất đá trên nhiều tuyến đường và diện tích hoa màu. Các địa phương trong tỉnh đang tập trung nhân lực khắc phục hậu quả do mưa lũ, hỗ trợ những gia đình bị thiệt hại, sửa chữa đường giao thông để thông tuyến trong thời gian sớm nhất.


Mưa lớn kéo dài tại Yên Bái trong những ngày qua đã làm một số nhà dân bị sập đổ, quốc lộ 32 bị ách tắc do sạt lở, hàng chục ha lúa và cây hoa màu khác bị phá hủy... Mưa lớn đã làm sập đổ nhà dân, gây sạt lở đất tại nhiều điểm trên quốc lộ 3 (đường từ thị xã Nghĩa Lộ đi huyện Mù Cang Chải) làm ách tắc giao thông. Hiện bước đầu đã giải tỏa được ách tắc trên tuyến đường này. Sở Giao thông Vận tải tỉnh Yên Bái đã kiểm tra hiện trường để khắc phục các thiệt hại.


Tại Hà Giang, mưa lớn đã làm sạt lở khối lượng lớn đất đá ở tuyến đường liên thôn Nà Nhùng - Nà Nôm 1 thuộc xã Đường Âm, huyện Bắc Mê; gây ngập úng cục bộ tại thành phố Hà Giang. UBND huyện Bắc Mê và thành phố Hà Giang đã khẩn trương huy động lực lượng tại chỗ khắc phục sạt lở các tuyến đường giao thông. Đối với các khu vực bị ngập úng cục bộ, các địa phương khẩn trương tu sửa, nạo vét, cải tạo hệ thống thoát nước.


Tại Lai Châu trong những ngày qua có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to. Với địa hình dốc, mưa làm bão hòa nước trong đất gây sạt lở đất đá nhiều điểm. Một số tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, giao thông nông thôn bị sạt lở, gây ách tắc giao thông, như tuyến quốc lộ 279, tại km 158+960, thuộc địa phận huyện Than Uyên; tuyến quốc lộ 12 - đường từ Lai Châu đi Điện Biên, tại Km55; tỉnh lộ 129 tại Km 40+600 và một số tuyến đường liên xã của huyện biên giới Sìn Hồ. Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão Sở Giao thông Vận tải đã chỉ đạo, huy động các lực lượng phương tiện sẵn có và huy động nhân dân, các đơn vị liên quan trên địa bàn khẩn trương hót dọn đất đá sụt lở, bảo đảm giao thông. Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão các huyện, thành phố huy động các lực lượng, phương tiện khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra.


Do ảnh hưởng của bão số 2, toàn tỉnh Điện Biên có mưa to đến rất to, gây thiệt hại cho một số địa phương, như huyện Mường Chà, thị xã Mường Lau, huyện Điện Biên... Quốc lộ 12 đoạn từ thành phố Điện Biên Phủ tới thị trấn Mường Chà có tới hàng chục điểm sạt lở lớn nhỏ. Trên quốc lộ 279 đoạn đi qua các xã Mường Mươn và Na Sang (huyện Mường Chà), nhiều khu vực nước ngập sâu tới 1,2 m, dài tới trên 1.000 m. Trên địa bàn tỉnh Điện Biên tiếp tục có mưa lớn, nhiều khu vực vẫn bị nước lũ gây tắc đường, cô lập nên chính quyền các địa phương chưa thể thống kê hết thiệt hại.


Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, nước sông Kỳ Cùng dâng cao gây ngập lụt nhiều tuyến đường, nhiều nhà của người dân thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Trên 6.000 nhà bị ngập sâu trong nước; trên 2.000 ha lúa bị ngập và cuốn trôi. Các tuyến quốc lộ 1B, 4A, 4B, 279 và một số tuyến tỉnh lộ bị chia cắt giao thông ở nhiều đoạn do ngập úng và sạt lở đất với khối lượng sạt lở khoảng 32.500 m3 đất đá. Tỉnh Lạng Sơn đã di dời 5.100 hộ ra khỏi vùng bị ngập úng, sạt lở; huy động 5.300 người để ứng cứu hỗ trợ nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm.


Theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cao Bằng, do ảnh hưởng của cơn bão số 2, nhiều huyện, thị xã trên địa bàn bị ngập lụt cục bộ, nhiều diện tích hoa màu bị hư hỏng, một số xóm bị cô lập và một số tuyến đường bị sạt lở đất gây tắc trong nhiều giờ. Mưa lớn kéo dài đã gây ra hiện tượng lở đá trên nhiều tuyến đường trong tỉnh. Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh và các huyện, thị xã đã trực tiếp đến kiểm tra tình hình thực tế và chỉ đạo các xã thống kê thiệt hại do mưa lũ để có giải pháp khắc phục, hỗ trợ nhân dân ổn định đời sống.


Do hoàn lưu bão số 2, các tỉnh vùng núi phía Bắc còn mưa to, nước sông lên nhanh, cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất.


Huyền Tím - TTN

Mưa lũ còn diễn biến phức tạp ở các tỉnh Tây Bắc
Mưa lũ còn diễn biến phức tạp ở các tỉnh Tây Bắc

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số trên lưu vực vùng thượng lưu sông Lô, sông Chảy đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Mực nước trên sông Thao, Lô, sông Chảy đang lên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN