* 12 người chết và mất tích
* Nhiều tuyến quốc lộ bị chia cắt
Do ảnh hưởng của cơn bão số 2, mưa lũ đã xuất hiện, gây nhiều thiệt hại ở các tỉnh miền núi phía Bắc trong hai ngày cuối tuần. Thống kê sơ bộ đến 20 giờ ngày 20/7, đã có 12 người chết và mất tích, 4 người bị thương. Mưa lớn gây ngập lụt tại nhiều địa phương, nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở, gây chia cắt giao thông; nhiều nhà dân bị sập, hoa màu bị ngập úng, cây xanh bị đổ gẫy...
Đường vào trung tâm huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) bị ngập trong nước. Ảnh: Công Luật-TTXVN |
Cụ thể: tỉnh Lạng Sơn có 4 người chết do lũ cuốn trôi và do tai nạn khi sửa nhà; tỉnh Sơn La có 1 người bị mất tích do lũ cuốn trôi; tỉnh Bắc Kạn có 1 người chết và 1 người bị thương; tỉnh Cao Bằng có 1 người chết do lũ cuốn trôi; tỉnh Lào Cai 3 người chết, 3 người bị thương do sét đánh; tỉnh Lai Châu có 1 người chết, 1 người mất tích do vượt suối.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương: Hoàn lưu bão đã gây mưa to, vùng núi mưa rất to, lượng nước đo được trong đêm 19/7 ở Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 80 mm, Chiêm Hóa (Tuyên Quang) 71 mm, Sơn Động (Bắc Giang) 69 mm… Nước trên một số sông lên nhanh. Trên hệ thống sông Hồng - Thái Bình lũ lên với biên độ 2 -5 mét ở thượng lưu và 2-3 mét ở hạ lưu. Các sông nhỏ thuộc các tỉnh Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai có khả năng lên mức báo động 2 đến báo động 3. Do ảnh hưởng của bão số 2, từ chiều tối 19/7, toàn tỉnh Điện Biên có mưa to đến rất to, gây thiệt hại cho một số địa phương.
Theo thông tin từ Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên, huyện Mường Chà có nhiều hộ dân phải di dời khỏi vùng có nguy cơ cao. Các xã Na Sang, Sa Lông và trung tâm huyện có hơn 10 ha ruộng, nhiều ao cá bị trôi. Thị xã Mường Lau một hộ dân bị đất đá sạt lở đã lấp 1/2 nhà sàn và cuốn trôi ao cá. Tại huyện Điện Biên, tuyến đường Nà Tấu - Mường Phăng bị sạt lở 3 điểm. Tại huyện Tuần Giáo và huyện Mường Ảng, nước lũ đã gây ngập trên diện rộng nhưng chưa có thống kê cụ thể thiệt hại. Tuyến quốc lộ 279 chạy qua địa phận 2 huyện này có hàng chục điểm sạt lở nhỏ, 4 điểm tắc hoàn toàn tại km 16+300, km 28, km 42 và km 43+900, hiện mới thông được 2 điểm.
Quốc lộ 12 đoạn từ thành phố Điện Biên Phủ tới thị trấn Mường Chà có tới hàng chục điểm sạt lở lớn nhỏ. Nhiều vị trí đất đá và cây cối lấp hoàn toàn mặt đường cao từ 1- 3 m, các phương tiện phải chờ đơn vị quản lý đường bộ tới san gạt hàng chục phút mới qua được. Nghiêm trọng nhất là tại km 145 +400, lũ đã cuốn trôi cả đoạn đường dài khoảng 20 m, biến đoạn đường này thành dòng suối chảy xiết, lòng suối sâu tới trên 3 - 4 m so với mặt đường cũ. Ông Tống Duy Kim, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Điện Biên đang có mặt tại vị trí này cho biết: Ngành giao thông vận tải đã tập trung toàn bộ lực lượng để giải quyết thông đường. Tại vị trí này, ngành sẽ xử lý bằng hình thức thả rọ đá và cống lù để có thể thông đường trong ngày hôm nay. Để giải quyết một cách kiên cố hơn, ngành sẽ sử dụng cầu thép dã chiến để lắp đạt tại vị trí này, đảm bảo cho các phương tiện qua lại an toàn.
* Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cao Bằng, tính đến 17 giờ ngày 20/7, do ảnh hưởng của cơn bão số 2 , địa bàn tỉnh đã có 1 người chết do lũ cuốn trôi, nhiều huyện thị bị ngập lụt cục bộ, nhiều diện tích hoa màu bị hư hỏng, một số xóm bị cô lập và một số tuyến đường bị sạt lở đất gây tắc đường trong nhiều giờ.
Nạn nhân thiệt mạng do mưa lũ là em Đặng Văn Mỉnh (15 tuổi), dân tộc Dao, trú tại xóm Khuổi Tặc, xã Hưng Đạo, huyện Bảo Lạc. Em Mỉnh bị lũ cuốn trôi vào 10 giờ sáng 20/7 trong khi đi đánh cá. Đến 16 giờ ngày 20/7, người nhà nạn nhân và các cơ quan chức năng mới tìm được xác nạn nhân ở cách đó 26 km.
Theo thông tin ban đầu, huyện Hạ Lang cả 14 xã, thị trấn bị ảnh hưởng, mưa lớn kéo dài gây ngập trên 100 ha hoa màu chủ yếu là lúa xuân chưa gặt, lúa mùa, mía và đỗ tương. Mưa lớn cũng làm nhiều tuyến đường bị xói mòn, sạt lở và ngập úng, ảnh hưởng đến việc đi lại, sinh hoạt của nhân dân.
Mưa lớn kéo dài đã xảy ra hiện tượng lở đá trên nhiều tuyến đường trong tỉnh. Đặc biệt, quốc lộ 34, tại Km 90 thuộc địa phận xã Lý Bôn, huyện Bảo Lâm đã xảy ra sạt lở đất đá nghiêm trọng, làm ách tắc đường giao thông từ 5 giờ đến 11 giờ ngày 20/7 mới thông được đường.
Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh và các huyện, thị xã đã trực tiếp đến kiểm tra tình hình thực tế và chỉ đạo các xã thống kê thiệt hại do mưa lũ để có giải pháp khắc phục, hỗ trợ nhân dân ổn định đời sống.
* Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La tính đến 9 giờ ngày 20/7, mưa lũ đã cuốn trôi bà Bạc Thị Mậu (sinh năm 1954, ở bản Hòn, xã Bon Phặng, huyện Thuận Châu), hiện vẫn chưa tìm thấy. Mưa lớn trên địa bàn tỉnh cũng làm 1 ngôi nhà bị sạt lở, 136 ha lúa bị ngập, 7 cột điện bị đổ, hơn 300 m kênh bị sạt lở; lũ cuốn trôi 4 con bò, 2 con trâu. Tổng thiệt hại do mưa lũ ước tính khoảng gần 2 tỷ đồng.
Các địa phương bị thiệt hại do ảnh hưởng hoàn lưu bão đang tập trung nhân lực để khắc phục hậu quả mưa lũ, hỗ trợ những gia đình bị thiệt hại, sửa chữa đường giao thông để thông tuyến trong thời gian sớm nhất.
* Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 2, từ đêm 19/7 đến nay trên địa bàn tỉnh Lai Châu có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to. Với địa hình dốc, mưa làm bão hòa nước trong đất gây sạt lở đất đá nhiều điểm, đặc biệt là trên các tuyến đường giao thông. Theo thống kê ngày 20/7 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lũ bão tỉnh, một số tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, giao thông nông thôn trên địa bàn đã bị sạt lở, hiện đang gây ách tắc giao thông.
Cụ thể trên tuyến quốc lộ 279, tại km 158+960, thuộc địa phận huyện Than Uyên, hàng trăm mét khối đất đá từ taluy dương sạt xuống đường gây cản trở, ách tắc giao thông. Trên tuyến quốc lộ 12 - đường từ Lai Châu đi Điện Biên, tại Km55 giao thông bị cản trở do bùn đất từ taluy dương tràn xuống đường. Tỉnh lộ 129 tại Km 40+600 bị sạt lở chưa xác định được khối lượng. Ngoài ra một số tuyến đường liên xã của huyện biên giới Sìn Hồ cũng bị sạt lở.
Hiện tại mực nước trên các sông suối trên địa bàn tỉnh Lai Châu vẫn đang ở mức bình thường, dao động nhỏ. Các hồ chứa nước vẫn trong điều kiện ổn định. Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh Lai Châu dự báo trong những ngày tới trên địa bàn vẫn có mưa vừa, một số nơi có mưa to.
lMưa lớn kéo dài trên địa bàn tỉnh Yên Bái trong những ngày qua đã làm một số nhà dân bị sập đổ, quốc lộ 32 bị ách tắc do sạt lở, hàng chục ha lúa và cây hoa màu khác bị phá hủy... Đáng lưu ý là do có sự chủ động phòng chống bão lũ nên đã giảm thiểu được thiệt hại thiên tai gây nên.
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, trong mấy ngày qua, trên địa bàn tỉnh có mưa to liên tục, trong đó mưa lớn nhiều nhất là ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn và Yên Bình. Mưa lớn đã làm sập đổ 3 nhà dân, gây sạt lở đất tại nhiều điểm trên quốc lộ 3 (đường từ thị xã Nghĩa Lộ đi huyện Mù Cang Chải) làm ách tắc giao thông. Hiện bước đầu đã giải tỏa được ách tắc trên tuyến đường này.
* Theo ông Đặng Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang: Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 2, đêm 19, rạng sáng 20/7, trên địa bàn huyện Bắc Mê đã xảy ra mưa lớn gây sạt lở đất và ngập úng.
Tại thành phố Hà Giang, mưa lớn kéo dài suốt từ đêm 19 đến trưa 20/7 đã gây ra ngập úng cục bộ tại các phường: Trần Phú, Minh Khai, Ngọc Đường và xã Phương Độ. Hàng chục hộ gia đình đã bị ngập úng nhà cửa; nhiều tuyến đường trên địa bàn đã bị ngập úng, đất đá tràn ra đường làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại của nhân dân. Mưa lớn cũng làm ngập úng nhiều diện tích lúa mùa mới cấy của xã Phương Độ. Hiện UBND huyện Bắc Mê và thành phố Hà Giang đang khẩn trương huy động lực lượng tại chỗ khẩn trương khắc phục sạt lở các tuyến đường giao thông. Đối với các khu vực bị ngập úng cục bộ, các địa phương đang khẩn trương tu sửa, nạo vét, cải tạo hệ thống thoát nước.
Đêm 19 rạng sáng 20/7, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 2 nên các khu vực trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã có mưa vừa, mưa to, một số địa phương xảy ra lốc cục bộ. Tính đến 10 giờ ngày 20/7, có một người chết. Mưa lũ xảy ra trên tất cả các huyện, thị xã với cường độ lớn dẫn đến thiệt hại nhiều về nhà cửa, hoa màu và các tuyến giao thông. Toàn tỉnh có 36 nhà dân bị hư hại do sạt lở đất và ngập lụt, bị tốc mái.
Các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ bị sạt lở nghiêm trọng, trong đó quốc lộ 3B bị sạt lở ta luy dương với khối lượng lến đến gần 800 m3, gây tắc đường. Các tuyến đường tỉnh đang khắc phục để sớm thông xe, riêng quốc lộ 3B, do địa hình phức tạp nên việc khắc phục chậm hơn.
Phóng viên TTXVN tại các địa phương