Khám, chữa bệnh theo yêu cầu không phân biệt giàu nghèo

Thông tư Hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khoẻ khám, chữa bệnh theo yêu cầu sẽ có hiệu lực từ tháng 10 tới, dự kiến có nhiều dịch vụ giá cao. Việc thống nhất giá trần các dịch vụ theo yêu cầu là cần thiết, tuy nhiên điều người dân quan tâm là chất lượng phục vụ người bệnh có tăng tương xứng và người nghèo có bị ảnh hưởng khi đến khám, chữa bệnh.

Chú thích ảnh
Người dân mong muốn được phục vụ tốt tương xứng với giá dịch vụ y tế cao.

Giá cao, chất lượng phải tương xứng

Trước nhu cầu của người dân về sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh có chất lượng dịch vụ cao, đòi hỏi được chăm sóc toàn diện, Bộ Y tế đang hoàn thiện dự thảo Thông tư Hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh theo yêu cầu taị các cơ sở y tế công lập, dự kiến có hiệu lực từ 1/10/2019.

Theo đó, đáng chú ý là giá giường điều trị theo yêu cầu của bệnh viện hạng đặc biệt (1 giường/phòng) sẽ có giá tối đa lên tới 4 triệu đồng/ngày, giá khám bệnh tới 500.000 đồng/lượt…

Với mức giá trần khá cao, người dân cũng cho rằng, khi họ bỏ ra chi phí lớn thì phải được hưởng các dịch vụ tương xứng.

Chăm sóc người nhà đang điều trị bệnh gan tại bệnh viện Bạch Mai, chị Phạm Khánh Lan (quê ở Hà Tĩnh) cho biết: “Vì nằm điều trị dài ngày nên gia đình tôi đã đăng ký giường bệnh dịch vụ cho bố tôi với giá 1,5 triệu đồng/ngày. Với mức giá này, bệnh nhân được nằm phòng điều trị dịch vụ sạch sẽ, thoáng mát, có điều hòa, cơ sở vật chất khá ổn. Nếu có phòng lên tới 4 triệu đồng/ngày thì dịch vụ phải thật sự xứng đáng mới có người sử dụng”.

Cũng theo chị Phạm Khánh Lan, thường bệnh nhân vào bệnh viện công khám chữa bệnh với mong muốn được hỗ trợ một cách tối đa. Điều cơ bản để thay đổi chất lượng bệnh viện là tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ chứ không chỉ bắt người bệnh bỏ thêm tiền.

“Việc đưa các dịch vụ hạng sang, giá cao vào bệnh viện công có thể là xu hướng hút bệnh nhân có điều kiện về tài chính, cạnh tranh với các bệnh viện tư nhân. Tuy nhiên cần có sự kiểm soát chất lượng dịch vụ một cách phù hợp, không thể tăng giá mà cơ sở vật chất vẫn bình dân. Bệnh viện cũng không nên quá tập trung vào thương mại hoá”, chị Trần Thị Vân Anh (quê ở Thanh Hoá) đi chăm người thân tại Bệnh viện K chia sẻ.

Theo Bộ Y tế, việc quy định mức trần giá dịch vụ y tế theo yêu cầu tại các bệnh viện công nhằm khắc phục tình trạng mỗi nơi một giá. Hiện nay, giá dịch vụ theo yêu cầu đang do các bệnh viện tự đặt ra. Việc thống nhất mức giá nhằm đảm bảo công khai, minh bạch danh mục dịch vụ do cơ sở y tế công lập cung cấp, khả năng đáp ứng và mức giá của từng loại dịch vụ để người dân, người bệnh biết, lựa chọn sử dụng dịch vụ trên cơ sở thỏa thuận, tự nguyện giữa người sử dụng dịch vụ và bệnh viện.

Đặc biệt, thời gian qua có thực trạng các bệnh viện công có trình độ chuyên môn tốt nhưng do chất lượng phục vụ, chăm sóc chưa đáp ứng nên nhiều người lựa chọn ra nước ngoài khám, chữa bệnh. Thậm chí có những trường hợp đăng ký nằm điều trị tại các bệnh viện tư để có cơ sở vật chất tốt, nhưng lại mời các bác sĩ bệnh viện công có chuyên môn tốt để thực hiện khám, phẫu thuật, điều trị…. Bên cạnh đó, rất nhiều người dân đang tham gia các loại hình bảo hiểm sức khoẻ thương mại, được chi trả các gói khám chữa bệnh ở mức cao, cần tăng cường các loại dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, khám, chữa bệnh chất lượng cao tại các cơ sở y tế công.

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) khẳng định: “Mức giá do Bộ Y tế ban hành là mức giá tối đa, phù hợp các loại bệnh viện, dịch vụ đơn vị có khả năng cung cấp. Các bệnh viện không được áp dụng ngay giá này mà phải xây dựng mức giá cụ thể của đơn vị dựa trên cơ sở chất lượng dịch vụ cho phù hợp. Các mức giá cũng phải phù hợp với các chỉ tiêu về chất lượng cơ sở hạ tầng, nhân lực khi các bệnh viện thực hiện cung cấp dịch vụ theo yêu cầu và phải công khai”.

Cụ thể, với phòng dịch vụ loại đặc biệt 1 giường phải có diện tích từ 12 mét vuông trở lên, phòng có 4 giường phải rộng ít nhất 28 mét vuông... Trong phòng dịch vụ ngoài các thiết bị y tế đầy đủ, phải có tivi, tủ lạnh, máy điều hòa, bình đun nước uống, ấm chén, điện thoại, internet, quạt điện…

Chú thích ảnh
Bệnh viện công mở rộng khám, chữa bệnh dịch vụ đáp ứng nhu cầu người dân.

Kiểm soát tránh tận thu

Với việc quy định giá các dịch vụ y tế theo yêu cầu, mở rộng loại hình dịch vụ cho các bệnh viện, nhiều người cũng lo ngại các bệnh viện quá tập trung vào “làm kinh tế” sẽ thiệt thòi cho những bệnh nhân không có điều kiện chi trả dịch vụ theo yêu cầu.

Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Nam Liên, hoạt động dịch vụ theo yêu cầu chỉ là chiếm một tỷ lệ nhất định. Tỷ lệ này có thể cao hoặc thấp theo từng đơn vị nhưng không phải là nguồn thu chính của các bệnh viện công lập. Hiện gần 90% người dân đã tham gia bảo hiểm y tế; tại các bệnh viện, nguồn thu từ bảo hiểm y tế chiếm tới 80-90%, thậm chí 95% nguồn thu của bệnh viện. Vì vậy, nếu bệnh viện không nâng cao chất lượng, không tập trung nguồn nhân lực, phát triển nguồn nhân lực cho khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế thì người dân không đăng ký, không đến khám, chữa bệnh nữa. Từ đó sẽ không có nguồn thu để hoạt động. Điều đó rất nguy hiểm, nhất là giai đoạn hướng tới tự chủ.

"Trước tiên, các bệnh viện phải hoàn thành nhiệm vụ, phục vụ người bệnh có BHYT, không được để người bệnh nằm ghép. Cơ sở để làm hoạt động dịch vụ của các bệnh viện cũng cần phải vay vốn xã hội hóa để đầu tư thành khu vực mới, tuyển thêm nhân lực… mới được áp dụng giá dịch vụ cho người dân. Việc giám sát việc thu chi, phí sử dụng dịch vụ tại bệnh viện sẽ được cơ quan kiểm toán, cơ quan thanh tra nhà nước thực hiện", ông Nguyễn Nam Liên khẳng định.

Ông Trịnh Ngọc Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cũng cho biết: “Tại Bệnh viện Nhi Trung ương và nhiều bệnh viện khác vẫn theo tinh thần chung là khám, chữa bệnh không phân biệt giàu nghèo. Với những ca bệnh khó luôn là tập thể các giáo sư, bác sĩ giỏi tập trung chữa trị, thậm chí với những bệnh nhân vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo còn có cơ chế được miễn phí. Trong lĩnh vực khám, chữa bệnh theo yêu cầu, trên cơ sở tập trung các nhiệm vụ chính trị của Bộ Y tế giao, đã hoàn thành nhiệm vụ, nếu còn nguồn lực, nhân lực thì chúng tôi tập trung phục vụ cho khu vực khám chữa bệnh dịch vụ theo yêu cầu”.

Các chuyên gia cũng cho rằng, với đội ngũ y bác sĩ giỏi được đào tạo bài bản, nếu có cơ sở hạ tầng tốt của các bệnh viện công, nếu có dịch vụ tốt thì sẽ là điều kiện thu hút bệnh nhân, đáp ứng được cả nhu cầu của những người có thu nhập cao. Điều này rất phù hợp với chủ trương của Nhà nước, phù hợp với mong muốn của người dân, đơn giản hóa các loại hình khám, chữa bệnh của nhân dân trong điều kiện hiện nay.

 

Bài, ảnh: Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Bộ Y tế đề nghị các địa phương tạm dừng tăng giá dịch vụ y tế
Bộ Y tế đề nghị các địa phương tạm dừng tăng giá dịch vụ y tế

Trong bối cảnh điện và xăng dầu đang tăng giá, nhằm tránh sự tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), Bộ Y tế có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tạm dừng ban hành Nghị quyết về tăng giá dịch vụ y tế không thuộc phạm vi thanh toán bảo hiểm y tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN