Khắc phục tình trạng 'thừa người - thiếu việc phù hợp'

Trong bối cảnh nền kinh tế đang trên đà phục hồi và chuyển dịch theo hướng xanh - số hóa, nguồn cung lao động tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong những tháng đầu năm 2025 tiếp tục được ghi nhận những biến động đáng chú ý, cả về số lượng và cơ cấu. Sự gia tăng nhanh về số lượng người tìm việc cùng với thay đổi trong xu hướng nghề nghiệp đã đặt ra các vấn đề mới trong kết nối cung - cầu và định hướng phát triển nguồn nhân lực địa phương.

Chú thích ảnh
Hoạt động sản xuất đầu năm tại Công ty TNHH Apparel Far Eastern (Việt Nam) đóng Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, thành phố Thuận An (Bình Dương). Ảnh tư liệu: TTXVN phát

Thị trường lao động khởi sắc

Từ đầu năm 2025 đến nay, thị trường lao động trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tiếp tục phục hồi trong bối cảnh nền kinh tế trong và ngoài nước đang dần thích ứng sau những biến động về chuỗi cung ứng toàn cầu, giá nguyên vật liệu, chi phí vận hành. Số người tìm việc có dấu hiệu tăng mạnh là tín hiệu cho thấy dòng lao động trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán; thể hiện nhu cầu việc làm tăng trong nhóm lao động tự do và thất nghiệp ngắn hạn.

Theo thông tin từ Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Dương, tổng số lao động tham gia thị trường đạt 24.146 người tìm việc, trong khi nhu cầu tuyển dụng từ doanh nghiệp là 20.312 lao động. Trong quý I/2025, Trung tâm đã tổ chức, tham gia 10 phiên giao dịch việc làm với hơn 95 doanh nghiệp tham gia, cung cấp khoảng 5.400 chỉ tiêu tuyển dụng. Xu hướng tuyển dụng tập trung chủ yếu vào nhóm lao động phổ thông và công nhân kỹ thuật, phục vụ các ngành may mặc, điện tử, logistics và chế biến thực phẩm.

Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Bình Dương cho biết, so với cùng kỳ năm 2024, số người tìm việc tại Bình Dương trong quý I/2025 tăng mạnh, đạt 46,46%.

Theo ghi nhận của Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tại tỉnh trong quý I/2025 là hơn 20.000 lao động; trong đó lao động phổ thông khoảng hơn 18.000 người, chiếm hơn 90%. Dự báo tuyển dụng trong quý II/2025 cũng khoảng 20.000 lao động.

Tại Đồng Nai, từ đầu năm 2025 đến nay, các doanh nghiệp đi vào sản xuất ổn định và đẩy mạnh tuyển dụng lao động sản xuất, liên tục đăng tải thông tin tuyển lao động bằng nhiều kênh trực tuyến. Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai, dự báo nhu cầu lao động của tỉnh trong năm 2025 vào khoảng 75.000 người; trong đó, nhu cầu lao động phổ thông chưa qua đào tạo gần 55.000 người. Trong 3 tháng đầu năm 2025, hàng trăm doanh nghiệp ở Đồng Nai có nhu cầu tuyển dụng gần 30 ngàn lao động; chủ yếu các ngành như: điện, điện tử, may thêu, giày da, dệt nhuộm, thiết kế thời trang và xây dựng kiến trúc, gỗ trang trí nội thất.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai Trần Thị Bích Trâm cho biết, ngoài hỗ trợ giới thiệu việc làm qua các kênh, Trung tâm còn kết nối để các doanh nghiệp tham gia phiên giao dịch việc làm trực tuyến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và các tỉnh, thành phố lân cận. Trung tâm kết nối doanh nghiệp với Trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh lân cận bằng hình thức trực tuyến để thông tin về thị trường việc làm, tìm kiếm nhân lực đáp ứng nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp.

Như vậy, thị trường lao động trọng điểm phía Nam có dấu hiệu tích cực khởi sắc. Tuy nhiên theo khảo sát của Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Dương, các doanh nghiệp dù có nhu cầu tuyển dụng nhưng lại thiếu lao động đáp ứng đúng yêu cầu về kỹ năng và kinh nghiệm. Trong khi đó, lực lượng lao động phổ thông lại chiếm tỷ lệ lớn trong số người tìm việc. Điều này dẫn đến tình trạng “thừa người - thiếu việc phù hợp”.

Để không còn “thừa người - thiếu việc phù hợp”

Chú thích ảnh
Sản xuất đồ điện gia dụng tại nhà máy của Công ty TNHH Panasonic Life Solutions Việt Nam, Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) ở thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Dữ liệu từ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương cho thấy, tổng số người tìm việc trong 3 tháng đầu năm 2025 là 24.146 người. Nhóm ngành được đăng ký tìm nhiều nhất là may mặc (5.915 người), tiếp theo là nhân viên văn phòng (2.865 người), xây dựng (2.128 người), gỗ (1.737 người) và công nghệ thông tin (1.157 người). Đáng chú ý, một số nhóm ngành như: lao động giản đơn, công nhân kỹ thuật, thợ hàn - cơ khí - lắp ráp lại có số lượng người tìm việc tương đối thấp so với nhu cầu thực tế rất cao từ phía doanh nghiệp trong các kỳ giao dịch việc làm.

Sự dư thừa lao động ở các vị trí như kế toán, văn phòng, lái xe cho thấy, thị trường đang bước vào giai đoạn điều chỉnh cơ cấu mạnh mẽ. Một mặt, nhiều doanh nghiệp chuyển sang sử dụng phần mềm kế toán - nhân sự tích hợp, cắt giảm bộ phận văn phòng trung gian. Mặt khác, xu hướng số hóa trong thương mại, hành chính và dịch vụ vận tải đang khiến các công việc có tính lặp lại bị thay thế nhanh chóng

Sự mất cân đối này một phần do tâm lý ưa chuộng vị trí hành chính - văn phòng, kỹ sư, công nghệ, trong khi thực tế thị trường vẫn đang thiếu trầm trọng lực lượng lao động kỹ thuật có tay nghề, đặc biệt trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp FDI mở rộng sản xuất sau COVID-19. Ngoài ra, tác động của chuyển đổi số và tự động hóa cũng khiến nhu cầu về các vị trí văn thư, kế toán, nhân sự phổ thông bị thu hẹp dần, trong khi người lao động vẫn chưa điều chỉnh kỳ vọng nghề nghiệp cho phù hợp.

Thực trạng trên phản ánh rõ tình trạng “thất nghiệp do lệch ngành”, tức là người lao động có nhu cầu tìm việc nhưng ngành nghề lựa chọn lại không phù hợp với nhu cầu tuyển dụng. Đây là hậu quả của việc thiếu thông tin thị trường, định hướng nghề nghiệp chưa sát thực tế, cũng như cơ chế phân luồng giáo dục - đào tạo còn bất cập.

“Để giải quyết vấn đề này cần tăng cường vai trò của Trung tâm Dịch vụ việc làm trong công tác tư vấn hướng nghiệp, phân tích thị trường và liên kết đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp”, ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Bình Dương nhấn mạnh.

Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Bình Dương, trong thời đại chuyển đổi số, chuyển đổi kỹ năng là việc vô cùng quan trọng; trong đó nhấn mạnh sự cấp thiết trong việc đào tạo lại và nâng cao kỹ năng để thích ứng với yêu cầu mới của thị trường. Điều này càng trở nên cấp bách đối với một địa phương có cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ như Bình Dương.

Trong bối cảnh đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương tiếp tục giữ vai trò nòng cốt trong việc duy trì sự ổn định của thị trường lao động thông qua các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức phiên giao dịch định kỳ và lưu động. Những kết quả vừa qua cho thấy nỗ lực đáng ghi nhận trong công tác điều tiết cung - cầu lao động tại địa phương.

Nhận định về những bất cập trong việc tuyển dụng của doanh nghiệp và nhu cầu việc làm thực tế của người lao động, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Bình Dương Phạm Trọng Nhân cho biết: "Doanh nghiệp đang đối mặt với tình trạng mất cân đối cung - cầu lao động. Nhiều doanh nghiệp ưu tiên tuyển người lao động dưới 35 tuổi, yêu cầu tay nghề, kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm nhưng không ít người lao động chưa đáp ứng được điều này. Người lao động có xu hướng tìm kiếm công việc gần nhà khiến các doanh nghiệp khó khăn trong việc giữ chân lao động. Một số doanh nghiệp vẫn áp dụng các phương pháp tuyển dụng truyền thống và mức lương, phúc lợi khác nhau giữa các doanh nghiệp khiến số lượng lao động không ổn định".

Để giải quyết những bất cập trong việc tuyển dụng của doanh nghiệp và nhu cầu việc làm thực tế của người lao động, ông Phạm Trọng Nhân cho rằng, doanh nghiệp cần truyền thông về nhu cầu tuyển dụng thông qua nhiều kênh, nhiều hình thức như sử dụng các nền tảng trực tuyến hoặc trang web của công ty, tổ chức Công đoàn để mở rộng phạm vi tiếp cận. Doanh nghiệp tăng cường hình ảnh công ty qua các hoạt động cộng đồng, phúc lợi hấp dẫn để thu hút người lao động và thường xuyên tham gia các hội chợ việc làm do Sở Nội vụ thực hiện (trước đây là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội).

Ngoài ra, doanh nghiệp kịp thời có chính sách lương, thưởng, đãi ngộ, tạo điều kiện đào tạo nâng cao tay nghề, hỗ trợ nhà ở, nhà trẻ gần nơi làm việc hoặc chi phí đi lại. Ngoài việc tạo môi trường làm việc tích cực thuận lợi, doanh nghiệp cần tăng cường giữ chân người lao động một cách tối ưu nhất, chăm lo đời sống tinh thần lao động, khuyến khích sáng tạo và đánh giá cao đóng góp của từng cá nhân. Doanh nghiệp kịp thời có chính sách phát triển sự nghiệp để tạo động lực, đầu tư việc tự đào tạo hoặc phối hợp đào tạo theo nhu cầu thực tế.

Nguyễn Văn Việt (TTXVN)
 Hơn 11.000 vị trí việc làm chờ ứng viên
Hơn 11.000 vị trí việc làm chờ ứng viên

Ngày 12/4, tại lễ khai mạc Ngày hội việc làm VLU’s Job Fair 2025, ông Lê Nguyễn Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, AI có thể thay thế một số công việc, nhưng sự đam mê, tinh thần học hỏi và khát vọng chinh phục chính là lợi thế cạnh tranh bền vững của mỗi bạn trẻ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN