Khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển

Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đang diễn biến phức tạp và có mức độ gia tăng về phạm vi, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân và ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn các công trình phòng, chống thiên tai, cơ sở hạ tầng vùng ven biển, ven sông.

Chú thích ảnh
 Tuyến kênh từ Cống Cả Vĩnh - chùa Hưng Thiện (Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) sạt lở nghiêm trọng đe dọa đến nhà cửa, hoa màu của người dân. Ảnh: Huỳnh Sử/TTXVN

Cụ thể, đối với sạt lở bờ sông tỉnh xác định có 39 khu vực bị sạt lở. Tốc độ sạt lở bờ ở các khu vực này thường từ 1 - 2m/năm (sạt lở bờ sông Gành Hào (đoạn giữa G4 và G5); từ 0,5 - 1m/năm (sạt lở bờ kênh Cà Mau - Bạc Liêu, bờ kênh 30/4, kênh Quản Lộ Gía Rai, kênh Cạnh Đền Hộ Phòng, kênh Láng Trâm, kênh Nước Mặn, kênh Ca Vĩnh, sông Gành Hào đoạn từ Rạch Cóc đến Cải Su); các khu vực tuyến sông, kênh rạch còn lại có tốc độ sạt lở từ 0,3 – 0,5m/năm.

Đối với sạt lở bờ biển, tỉnh xác định có 4 khu vực; trong đó, có 3 khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm và 1 khu vực sạt lở nguy hiểm.

Hiện tượng sạt lở bờ sông, bờ biển chủ yếu do những tồn tại và nguyên nhân. Đó là, do tác động do diễn biến thời tiết bất thường của thiên tai như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn và sự vận động tự nhiên của địa chất, địa mạo ven sông, ven biển; tác động của thủy triều; tác động của sóng, gió. Tình trạng khai thác cát, phù sa ở thượng nguồn sông Mêkông; hậu quả từ các hoạt động nhân sinh như lấn chiếm, vi phạm, xây dựng công trình không tuân thủ quy hoạch.

Ý thức của người dân còn hạn chế khi có sự cố sạt lở bờ sông, bờ biển xảy ra.... cộng hưởng với vấn đề biến đổi khí hậu làm gia tăng cường độ thiên tai và sụt lún nền đất; lưu lượng tàu thuyền đi lại trên sông, kênh, rạch nhiều, tạo ra sóng mặt nước tác động vào 2 bên bờ sông, kênh, rạch gây sạt lở bờ sông…

Để chủ động xử lý, khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, ổn định đời sống và sản xuất của người dân, đến năm 2025, Bạc Liêu đầu tư và sớm hoàn thiện 27 dự án, công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, dự án di dân tái định cư và dự án cải tạo, nâng cấp, sửa chữa hư hỏng hệ thống công trình giao thông do sạt lở bờ sông.

Cụ thể, bờ sông có 16 dự án, công trình; bờ biển có 9 dự án, công trình; 1 dự án di dân tái định cư; 1 dự án cải tạo, nâng cấp, sửa chữa hư hỏng hệ thống công trình giao thông.

Đến năm 2030, tỉnh thực hiện 23 dự án; trong đó, có 21 dự án, công trình bờ sông; 1 dự án di dân tái định cư; 1 dự án cải tạo, nâng cấp, sửa chữa hư hỏng hệ thống công trình giao thông.

Tổng kính phí xử lý, khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030 của Bạc Liêu gần 19.300 tỷ đồng.

Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, các địa phương trong tỉnh phải phối hợp chặt chẽ với sở, ngành liên quan kiểm tra, khảo sát các khu vực ven sông, ven biển có nguy cơ sạt lở để lập kế hoạch ứng phó, xử lý, cắm biển báo, mốc quan trắc, giám sát, theo dõi; thông báo thường xuyên và liên tục các vị trí bờ sông, bờ biển có nguy cơ sạt lở để người dân biết, chủ động di dời, vận động, hỗ trợ người dân di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi ở tạm an toàn.

Cùng với đó, các địa phương tổ chức lập quy hoạch di dời, sắp xếp các khu dân cư, công trình kiến trúc, kho tàng ra ngoài các khu vực có nguy cơ sạt lở, đảm bảo hành lang bảo vệ an toàn bờ sông, bờ biển theo quy định; chủ động sơ tán khẩn cấp người, tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm và khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở nguy hiểm.

Chủ động thông báo, khoanh vùng ngăn không cho người và phương tiện vào khu vực sạt lở, bố trí cán bộ thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở; xây dựng và triển khai kế hoạch, phương án ứng phó và xử lý cấp bách khu vực sạt lở; thường xuyên kiểm tra các trường hợp xây dựng công trình trên hành lang bảo vệ bờ sông, bờ biển; kiên quyết xử phạt hành vi vi phạm theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật hiện hành.

Ngoài ra, các địa phương theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư, chủ dự án thực hiện xây dựng công trình phòng, chống sạt lở, bảo vệ bờ sông, bờ biển đúng tiến độ. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện dự án trồng cây chống xói lở bảo vệ bờ sông, bờ biển, nhất là các vị trí dễ xảy ra sạt lở. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành liên quan kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác trái phép bùn, cát thuộc bãi bồi ven biển trên địa bàn theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật hiện hành…

Nhật Bình (TTXVN)
Nạn khai thác cát lậu tái diễn, sông Đồng Nai 'kêu cứu' vì sạt lở nghiêm trọng
Nạn khai thác cát lậu tái diễn, sông Đồng Nai 'kêu cứu' vì sạt lở nghiêm trọng

Người dân sinh sống tại khu vực 2 xã Đăng Hà và Thống Nhất (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) cho biết, sau một thời gian tạm lắng, tình trạng khai thác cát lậu trên sông Đồng Nai lại bắt đầu tiếp diễn bất chấp lệnh cấm của cơ quan chức năng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN