Sạt lở cả tuyến đường nội bộ ven kênh
Mùa khô đang bắt đầu tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Mực nước xuống thấp những ngày cuối tháng 12/2020, đầu tháng 1/2021, đã để lộ ra tình trạng "hà bá" đang dần "nuốt chửng" tuyến đường nội bộ ven kênh Chợ Gạo (huyện Chợ Gạo); đồng thời cũng khiến việc lưu thông của tàu thuyền trên tuyến trở nên khó khăn.
Ông Cao Tấn Hưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo cho biết: Việc kênh Chợ Gạo sạt lở nghiêm trọng đang đe dọa tính mạng của người dân sống dọc tuyến kênh, đặc biệt là trong mùa mưa bão. Với chiều dài 28,5 km, kênh Chợ Gạo là tuyến vận tải đường thủy huyết mạch ở đồng bằng sông Cửu Long (từ TP Hồ Chí Minh đi Cần Thơ, Cà Mau). Lưu lượng tàu thuyền qua lại dày đặc, trên 1.000 lượt/ngày, phương tiện quá đông, gây quá tải, trong khi kênh qua nhiều năm khai thác đã xuống cấp, nhiều đoạn lòng kênh cạn… Thực tế này đã kéo dài 2-3 năm nay.
Theo thống kê, kênh Chợ Gạo có hơn 150 điểm sạt lở, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tuyến đường thuỷ nội địa chảy qua. Hai điểm đầu- cuối tuyến đường thủy này gồm rạch Lá có bề rộng luồng từ 80-100 m và rạch Kỳ Hôn bề rộng hơn 55 m cơ bản đáp ứng được nhu cầu giao thông thủy, nhưng riêng phần giữa là đoạn kênh Chợ Gạo mới được nạo vét và gia cố bờ phía Bắc, còn phần phía Nam chưa được nạo vét, nên bề rộng luồng chưa bảo đảm cho tàu thuyền lưu thông. Nặng nhất là khu vực ấp Tân Thạnh, xã Bình Phan và ấp Bình Khương, xã Bình Phục Nhứt đang bị sạt lở nghiêm trọng tới 4 m/năm. Đoạn kênh ngắn gần 10 km qua 2 xã này có 35 điểm sạt lở và đã xảy ra trường hợp người dân tử vong do bị ngã xuống kênh.
“Tình trạng sạt lở phía bờ Nam kênh Chợ Gạo đang ngày càng nghiêm trọng, có những điểm gây sạt lở mất cả tuyến đường nội bộ, khiến người dân phải làm đường mới đi vòng qua khu dân cư, nhiều nhà dân bị sói lở vào tận móng nhà, nguy cơ sập nhà xuống kênh bất cứ lúc nào. Nếu các cơ quan chức năng không sớm có biện pháp gia cố bảo vệ, chống xói lở, nguy cơ biến mất các bờ kênh sẽ hiện hữu", ông Cao Tấn Hưởng cho hay.
Trong khi đó, theo Ban Quản lý các dự án Đường thủy nội địa (Cục Đường thủy nội địa Việt Nam-Bộ GTVT), ngoài số lượng lớn tàu thuyền lưu thông qua kênh Chợ Gạo, hiện có thêm nhiều tàu biển và tàu chở container đi tắt qua kênh, bình quân khoảng 1.400 tàu/ngày đêm. Với lưu lượng này, vào giờ cao điểm, giao thông thủy qua kênh thường xảy ra tắc nghẽn, ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa, nhất là hàng nông thủy sản, do thời gian lưu thông kéo dài dưới thời tiết nắng nóng. Chưa kể, khi có sự cố va chạm tàu thuyền xảy ra, việc ứng cứu khó khăn, ùn tắc giao thông thủy kéo dài. Thống kê chưa đầy đủ của Ban Quản lý các dự án Đường thủy nội địa, việc chậm nâng cấp kênh Chợ Gạo có thể gây thiệt hại hàng nghìn tỷ/năm cho hoạt động vận tải thủy nội địa.
Sớm triển khai hoàn thiện dự án nâng cấp tuyến kênh
Để đảm bảo an toàn giao thông thủy, thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương và đồng bằng sông Cửu Long, năm 2013, Bộ GTVT đã phê duyệt đầu tư xây dựng Dự án nâng cấp kênh Chợ Gạo, với tổng mức đầu tư 2.263 tỷ đồng, khi hoàn thành đảm bảo tàu thuyền hoạt động, với thiết kế chiều rộng đáy tàu 55 m, độ sâu chạy tàu 3,1 m, bán kính cong tối thiểu của luồng 300 m. Dự án được phân kỳ 2 giai đoạn, giai đoạn 1 đầu tư 786 tỷ đồng, giai đoạn 2 đầu tư 1.477 tỷ đồng. Giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2015, song giai đoạn 2 lại chậm triển khai, không phát huy hết hiệu quả đầu tư của dự án, ảnh hưởng đến an toàn giao thông thủy của cả vùng Tây Nam Bộ.
Trước thực tế trên, lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường thuỷ (Bộ GTVT) cho biết, nếu được phê duyệt, quý III/2021, dự án nâng cấp cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 sẽ được khởi công, với các hạng mục chính gồm: Nạo vét 10 km kênh để đạt tiêu chuẩn luồng đường thủy cấp II và kiên cố hóa bờ kênh, làm đường dân sinh... thực hiện từ năm 2021-2023.
“Huyện Chợ Gạo đang đề xuất với UBND tỉnh Tiền Giang cấp nguồn vốn của tỉnh để đền bù giải phóng mặt bằng và làm đường cho dân ngay sau khi kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 hoàn thành. Tỉnh đã đồng ý về chủ trương, hy vọng dự án sớm hoàn chỉnh để nâng cao đời sống người dân địa phương và khu vực đồng bằng sông Cửu Long", ông Cao Tấn Hưởng chia sẻ.
Trước đó, năm 2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang sau khi thị sát tuyến kênh Chợ Gạo. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đã nêu rõ tính cấp bách và cần thiết phải triển khai Dự án nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 2, nhằm góp phần giảm tình trạng tắc nghẽn giao thông thủy, nâng cao năng lực vận tải hàng hóa trong khu vực và đảm bảo an toàn giao thông.
"Việc triển khai Dự án nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 là vấn đề cấp bách, không chỉ giải quyết tình trạng sạt lở làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, mà còn tăng khả năng lưu thông hàng hóa của các tỉnh Tây Nam bộ, góp phần giảm áp lực cho các hình thức giao thông khác. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần khẩn trương bổ sung các văn bản cần thiết, báo cáo và trình Thủ tướng phê duyệt đầu tư dự án bằng kinh phí từ ngân sách Nhà nước. Bộ GTVT sớm rà soát lại những hạng mục của dự án để triển khai sớm nhất khi có vốn", Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh tại buổi làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang.