Dịch lây lan nhanh
Ông Nguyễn Quang Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục thú y Hưng Yên cho biết, từ ngày 1/2, ổ dịch đầu tiên xuất hiện ở xã Trung Nghĩa (thành phố Hưng Yên) rồi đến xã Yên Hòa (huyện Yên Mỹ) với hơn 100 con bị tiêu hủy. Đến nay, dịch đã nhanh chóng lan rộng ra 43 xã ở 9 huyện, thành phố gồm: Yên Mỹ, Mỹ Hào, Văn Lâm, Văn Giang, Ân Thi, Kim Động, Tiên Lữ, Phù Cừ và thành phố Hưng Yên.
Tập trung nhiều nhất là huyện Yên Mỹ với 12 xã; trong đó, 9 xã đã công bố dịch gồm: Yên Hòa, Đồng Than, Hoàn Long, Liêu Xá, Việt Cường, Tân Việt, Thường Kiệt, Yên Phú, Trung Hưng. Tiếp theo là các huyện Ân Thi và Mỹ Hào, mỗi nơi có 8 xã có lợn nhiễm bệnh phải tiêu hủy; các huyện Kim Động và thành phố Hưng Yên mỗi nơi có 4 xã. Toàn tỉnh chỉ còn duy nhất huyện Khoái Châu chưa phát hiện lợn mắc bệnh.
Đến ngày 16/3, toàn tỉnh có 29 xã công bố dịch, số lợn phải tiêu hủy là hơn 5.200 con, trọng lượng hơn 400 tấn, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Chi cục Thú y tỉnh Hưng Yên đã phối hợp với cơ quan chuyên môn lấy 549 mẫu huyết thanh, 8 mẫu bệnh phẩm của lợn ốm, chết để xét nghiệm. Kết quả có 244/549 mẫu huyết thanh và cả 8/8 mẫu bệnh phẩm dương tính với vi rút dịch tả lợn châu Phi.
Nguyên nhân bước dầu được xác định là do việc buôn bán vận chuyển, giết mổ tiêu thụ lợn, sản phẩm từ lợn tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán, nhất là việc vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ lợn ốm bệnh từ nơi này sang nơi khác. Ngoài ra, còn do nguồn nước tưới, yếu tố chuồng trại không đảm bảo vệ sinh môi trường, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nằm lẫn trong khu dân cư nên việc đi lại và ra vào chuồng trại không được khử trùng, tiêu độc; lợn ốm, chết không khai báo kịp thời; chưa kiểm soát triệt để việc giết mổ, tiêu thụ lợn và sản phẩm từ lợn
Dồn sức dập dịch
Trước tình trạng dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp và có nguy cơ lây lan ra diện rộng trên địa bàn toàn tỉnh, ngay từ khi phát hiện ổ dịch đầu tiên, tỉnh Hưng Yên đã ban hành Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Tỉnh yêu cầu các địa phương và người dân thực hiện nghiêm túc "5 không": không giấu dịch, không mua lợn bệnh, sản phẩm của lợn bệnh; không bán chạy lợn bệnh; không vận chuyển lợn bệnh ra khỏi vùng dịch; không vứt bừa bãi xác lợn bệnh ra môi trường. Tại các huyện Yên Mỹ, Ân Thi, Kim Động, Mỹ Hào và thành phố Hưng Yên đã thành lập các tổ tiêu hủy lợn mắc bệnh.
Ông Đỗ Minh Tuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hưng Yên cho biết, toàn tỉnh đã tổ chức nhiều đợt phun hóa chất khử trùng tiêu độc và rắc vôi bột. Tập trung cao điểm khử trùng tiêu độc cho khu vực có ổ dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm; trong đó, vùng dịch và vùng uy hiếp tiến hành khử trùng hàng ngày. Hiện đã sử dụng hơn 20 nghìn lít hóa chất khử trùng, hơn 400 tấn vôi bột cho trên 10 triệu lượt m2 chuồng trại chăn nuôi và môi trường.
Với các vùng chưa có dịch, mỗi tuần tổ chức 2 đợt tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại chăn nuôi và môi trường. Đối với cơ sở chăn nuôi lợn, thực hiện phát quang cây cỏ xung quanh, quét dọn, thu gom phân, rác thải để đốt hoặc chôn, khơi thông cống rãnh; nâng cao mức độ an toàn sinh học; thường xuyên rắc vôi khử trùng, kiểm tra hố sát trùng; vệ sinh, tiêu độc khử trùng các phương tiện sử dụng vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn, thức ăn chăn nuôi.
Các ngành chuyên môn cũng quyết liệt vào cuộc với phương châm "phòng dịch như chống dịch". Chi cục Quản lý thị trường Hưng Yên huy động lực lượng tham gia trực tại các chốt kiểm dịch; đồng thời tăng cường quân số thường xuyên kiểm tra, giám sát việc vận chuyển lợn, kiểm soát chặt chẽ các điểm giết mổ, không để lợn mắc bệnh được giết mổ mang đi tiêu thụ. Chi cục Thú y Hưng Yên đã hướng dẫn các cơ sở chế biến, kinh doanh sản phẩm thịt lợn tiến hành vệ sinh, hàng ngày phun thuốc khử trùng toàn bộ khu vực xung quanh điểm giết mổ và bày bán thịt lợn...
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên cũng đã huy động lực lượng phòng chống dịch, điều động tạm thời hơn 90 cán bộ, công chức và người lao động thuộc các phòng, ban đơn vị về trạm thú ý các xã, phường, thị trấn để hỗ trợ phòng, chống dịch; hướng dẫn hộ dân phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học, cách vệ sinh chuồng trại, chăm sóc đàn lợn tránh nhiễm bệnh.
Theo ông Nguyễn Quang Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục thú y Hưng Yên, trên địa bàn tỉnh đã thành lập hơn 250 chốt kiểm dịch; trong đó, 20 chốt cấp tỉnh và cấp huyện có lực lượng liên ngành để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lây lan. Cấp tỉnh có 10 chốt được đặt tại các trục đường giao thông chính như: cầu Hưng Hà, cầu Yên Lệnh, cầu Triều Dương, Quốc lộ 5, Quốc lộ 38... Đây là các địa bàn giáp ranh với các tỉnh Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương và thành phố Hà Nội. Cấp huyện, thành phố đã thành lập được 7 chốt ở thành phố Hưng Yên và các huyện Yên Mỹ, Văn Giang. Riêng huyện Yên Mỹ là địa bàn có nhiều ổ dịch nhất đã thành lập 7 chốt, huyện Văn Giang mới có ổ dịch tại các xã Nghĩa Trụ và Vĩnh Khúc đã thành lập 2 chốt.
Tại các xã thành lập được 232 chốt thuộc địa bàn 10 huyện, thành phố; trong đó, nhiều nhất là huyện Ân Thi lập hơn 70 chốt, các huyện Kim Động và Yên Mỹ mỗi nơi lập hơn 30 chốt. Việc thành lập chốt được thực hiện không chỉ ở nơi đã xuất hiện dịch mà ở cả những khu vực giáp ranh, vùng đệm, vùng dịch uy hiếp chưa xảy ra dịch. Đơn cử như huyện Khoái Châu chưa xảy ra dịch, nhưng đã thành lập 13 chốt để ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan vào địa bàn.
Các chốt duy trì quân số trực 24/24 giờ nhằm ngăn chặn kịp thời việc vận chuyển lợn từ vùng có dịch ra bên ngoài, phun thuốc tiêu độc, khử trùng phương tiện đi lại, người ra vào vùng dịch, kiểm soát việc tiêu hủy lợn bị dịch; khử trùng, tiêu độc phương tiện vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn vận chuyển qua chốt khi được phép đi qua theo quy định.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyên Minh Quang cho hay, trước nguy cơ dịch bệnh có thể lan rộng, Hưng Yên đang quyết liệt triển khai các biện pháp khoanh vùng, dập các ổ dịch. Tỉnh yêu cầu các địa phương vùng dịch khi tiêu hủy lợn phải thực hiện đúng quy định, tránh gây ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh. Đồng thời, chỉ đạo ngành nông nghiệp hướng dẫn các hộ chăn nuôi áp dụng các phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học; thường xuyên rắc vôi bột, phun thuốc khử trùng xung quanh khu vực chuồng nuôi để tránh lây nhiễm dịch bệnh.