Hơn 50 năm giữ tiếng trống tuổi thơ

Nhắc tới làng Báo Đáp, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, người ta thường nghĩ ngay tới cái nôi của nghề làm đèn ông sao nổi tiếng gần xa. Ít ai biết rằng, xưa kia nơi đây còn có một nghề khác cũng rất “thịnh vượng”vào mỗi dịp Trung thu, lễ hội, đó là nghề làm trống bỏi.

 

Món đồ chơi nhỏ bé ấy đã gắn bó với tuổi thơ của rất nhiều thế hệ trẻ em Việt Nam , nhưng nay dường như đang bị mai một trước sự "xâm lấn" ồ ạt của đồ chơi ngoại. Gặp ông Nguyễn Văn Hưởng – người duy nhất trong làng còn giữ và theo nghề đến nay đã hơn 50 năm, chúng tôi đã được nghe những trăn trở của ông đối với nghề.

 

Trống bỏi- đồ chơi trung thu thuần Việt. Nguồn: laodong

 

Hơn nửa tiếng đồng hồ lòng vòng trong làng, chúng tôi vẫn chưa thể tìm được một hộ gia đình nào làm trống bỏi. Xóm 4 (thôn Báo Đáp) là nơi tập trung đông các gia đình làm đèn ông sao với số lượng lớn nhất làng, nhưng hỏi ra thì không còn nhà nào còn duy trì nghề làm trống. Theo lời của một số bậc cao niên thì xóm 2 ngày trước tập trung nhiều gia đình có nghề này, tuy nhiên hiện nay họ cũng không chắc có còn được 3-4 hộ theo nghề hay không. Quả thực tới khi tới xóm 2, câu trả lời chúng tôi nhận được chỉ là những cái lắc đầu. được một cụ già chỉ dẫn, tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Hưởng – người có “thâm niên” làm trống bỏi hơn 50 năm ở ngôi làng này.

 

Theo như lời ông Hưởng, trước kia ngoài làm đèn ông sao thì cả làng còn có nghề làm trống bỏi, đèn ông sao chỉ tiêu thụ trong một thời gian ngắn dịp Trung thu, còn làm trống bỏi có thể bán quanh năm ở các lễ hội diễn ra khắp các vùng miền. Ông tâm sự “Ngày trước thương lái tìm về làng mua trống đông lắm, ngoài Trung thu thì nhiều nhất là lúc ra Giêng tới tháng ba am lịch, thời điểm đó người ta đi chơi xuân, đi lễ hội đầu năm.” Ngừng một chút, ông trầm giọng: “Nhưng mươi năm nay thì số hộ làm trống giảm nhanh, giờ cả làng gần như chỉ còn tôi theo nghề, những nhà khác họ chỉ làm cho con, cháu chơi thôi.”

 

Vẻ đẹp của những món đồ chơi dân gian xưa nay phần lớn đều toát ra chính từ sự mộc mạc, đơn giản. Để làm ra một chiếc trống bỏi cũng vậy, không quá cầu kỳ phức tạp tuy nhiên cũng chẳng dễ dàng. Nguyên liệu làm trống đều dễ tìm ở những vùng quê đồng bằng Bắc Bộ như cật tre, đất sét, thậm chí là dễ…tận dụng như dây bao gai, giấy bìa, giấy báo, dây thép cũ; thứ duy nhất phải mua là chiếc cán nhựa để tra vào trống cũng rất rẻ, mua theo giá 5.000 đồng/kg, mà một kg trung bình được tận… 400 chiếc cán. Chính vì nguyên liệu không đắt đỏ nên theo ông Hưởng, đây là nghề hoàn toàn “lấy công làm lãi”, bởi giá bán sỉ trống bỏi của gia đình ông chỉ vỏn vẹn 1.000 đồng/chiếc.

 

Nhìn chiếc trống nhỏ mang vẻ thô sơ, thuần chất, song ít ai biết để làm ra những chiếc trống nhỏ bé ấy người thợ phải trải qua khá nhiều công đoạn. Các loại trống thông thường đều có thùng trống với da thuộc bịt kín hai mặt, nhưng với loại trống “tí hon” như trống bỏi thì thùng trống chỉ là một vòng tròn rỗng, dày khoảng 1cm được nặn bằng đất sét. Đất sét phải được lấy từ sáng sớm, khi đất còn ngấm sương, lúc này đất ẩm, dẻo quánh và dễ tạo hình, nặn nhanh hơn. Ngay khi đất còn mềm, người thợ phải cắm khung dây thép đã được uốn sẵn vào hai bên vòng tròn này, sau đó đem phơi. Thông thường những ngày nắng to thì chỉ cần phơi từ 1 - 2 tiếng đồng hồ là đất đã khô, những hôm nắng nhẹ hơn phải phơi qua trưa để đảm bảo đất khô hoàn toàn cả bên trong, bởi nếu đất còn ẩm thì khi dán giấy lên để lâu giấy sẽ mốc, trống bị mủn và nhanh hỏng.

 

Thùng trống sau khi phơi khô sẽ được đem bọc lại bằng giấy màu hồng, màu đỏ, công đoạn này cần nhờ đến sự “trợ giúp”của hồ dán nấu bằng bột gạo nếp để lớp giấy bám chắc vào đất, sau khi để khô có độ cứng không thua gì gạch nung. Lúc này mới đến khâu bọc giấy mặt, tức là “căng” mặt trống. Mặt trống bao gồm hai lớp, giấy bìa với độ dày vừa phải nằm bên dưới, giấy trắng được nhuộm vàng và in hình ông sao năm cánh màu đỏ bằng khuôn gỗ thủ công bên trên. Theo ông Hưởng, bước này là quan trọng nhất trong các khâu làm trống bỏi, bởi để tiếng trống phát ra đanh, vang rõ và âm thanh nghe vui tai, có hồn thì mặt trống phải được dán thật kín. Chỉ cần một khe hở nhỏ thì tiếng trống phát ra sẽ không hay, chỉ “lộp bộp” và mặt trống còn nhanh bị rách. Để hoàn thiện chiếc trống bỏi không thể thiếu khâu buộc dùi trống, dùi trống là một que tre mảnh dài chừng 3cm, có độ lớn gấp khoảng 3 lần chiếc tăm; cuối cùng là công đoạn tra cán.

 

Ông Hưởng cho biết, từ nhiều năm nay, ông là người duy nhất của làng được mời lên Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam mỗi dịp Trung thu, “trình diễn” cách làm một chiếc trống bỏi dân gian trước sự trầm trồ của các khán giả nhí. Ông tâm sự: Nhiều trẻ em thành thị thậm chí chưa bao giờ nghe đến trống bỏi, những em lớn hơn chừng mười bốn, mười lăm tuổi còn ngơ ngác, nói rằng chỉ biết câu “Già chơi trống bỏi” chứ không hề nghĩ rằng chiếc trống bỏi hóa ra có thật, không những thế còn là một đồ chơi dân gian tồn tại từ bao đời.

 

Mỗi năm gia đình ông làm ra từ 2 – 3 vạn chiếc trống hoặc nhiều hơn tùy theo khách đặt hàng. Nói về hơn 50 năm với nghề của mình, ông cười buồn: “Từ khi bảy, tám tuổi tôi đã cùng bố mẹ làm trống mang đi bán khắp nơi, từ Thanh Hóa, Nghệ An ra Hà Tây, Hải Phòng… đâu có lễ hội là có mặt.” Sau này có gia đình ông không đi nhiều nữa mà chủ yếu ở nhà làm để đổ buôn, cả gia đình ông có sáu người, bốn người con đều biết làm trống thành thạo. Theo ông, nghề này học không khó, chỉ cần chú tâm, tỉ mẩn một chút là được. “Nhưng quan trọng là còn tâm để theo nghề hay không, bởi lời lãi chẳng đáng bao nhiêu nên giờ người ta bỏ hết. Như nhà tôi vẫn phải làm đèn ông sao, làm hoa vải chứ sao sống được bằng nghề làm trống này. Mình duy trì để giữ nghề thôi”.

 

Nghe những lời tâm sự của ông, chúng tôigkhông khỏi cảm thấy xót xa trước một nghề thủ công đang dần mai một. Sự thờ ơ của nhiều người trước đồ chơi truyền thống chính là nguyên nhân khiến hình ảnh chiếc trống bỏi nhỏ xinh dần vắng bóng mỗi dịp Trung thu đến. Không biết liệu mươi năm nữa, chúng ta có còn được nghe âm thanh “lách tách, lách tách” vui tai từ chiếc trống bỏi quay tròn. Hay nó sẽ chỉ còn trong tâm trí những người nặng lòng với kí ức mà thôi?

 


Hiền Hạnh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN