Tham gia Sàn giao dịch có gần 180 doanh nghiệp tuyển dụng hơn 11.000 đầu việc làm ở các lĩnh vực, ngành nghề dịch vụ, thương mại, sửa chữa ô tô; xe máy và xe có động cơ khác; vận tải, kho bãi; công nghiệp chế biến, chế tạo; điện, điện tử, nông nghiệp, công nghệ thông tin… Trong đó, tại TP Hồ Chí Minh có 29 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng gần 3.000 vị trí việc làm trong nước và hợp tác lao động ở nước ngoài.
Tại Lễ khai mạc, bà Huỳnh Lê Thu Trang, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, công tác giải quyết việc làm cho người lao động luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành và địa phương trong đó có TP Hồ Chí Minh. Giải quyết việc làm cho người lao động chính là giúp họ tạo ra thu nhập đảm bảo cuộc sống cho bản thân, gia đình và góp phần tăng trưởng kinh tế, giảm tỷ lệ thất nghiệp, ổn định an sinh xã hội. Do vậy, Sàn giao dịch việc làm liên kết vùng hướng đến kết nối cung - cầu lao động giữa doanh nghiệp với người lao động, giữa các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.
“Điều này sẽ giúp giảm bớt tình trạng thiếu hụt lao động tại một số tỉnh, thành phố; giúp cho doanh nghiệp và cả người lao động tuyển dụng, tìm kiếm việc làm một cách linh hoạt, hiệu quả hơn; đồng thời tiết kiệm thời gian, chi phí mở rộng phạm vi tuyển dụng, tạo ra sự đa dạng trong lực lượng lao động. Đây còn là sự cam kết, kết nối mạnh mẽ giữa các địa phương trong giải quyết việc làm cho người lao động ở các tỉnh phía Nam và TP Hồ Chí Minh”, bà Huỳnh Lê Thu Trang nhấn mạnh.
Sàn giao dịch liên kết vùng lần này là cơ hội tốt cho người lao động có cơ hội thay đổi môi trường làm việc từ TP Hồ Chí Minh về các tỉnh và ngược lại; kết nối trực tiếp, trực tuyến nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, qua đó tìm việc làm phù hợp, nhất là người lao động mất việc làm, bị cắt giảm lao động ở các doanh nghiệp. Đây còn là dịp để các doanh nghiệp tuyển dụng nguồn lao động lớn, chất lượng tốt không chỉ phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trong dịp lễ, Tết cuối năm mà còn ổn định lực lượng lao động, từ đó thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh trong những năm tiếp theo, góp phần khôi phục và phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
Để đảm bảo công tác kết nối trực tuyến, bà Nguyễn Phạm Hạnh Thục, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hồ Chí Minh cho biết, các Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố đã bố trí trang thiết bị phục vụ gồm: máy tính kết nối mạng internet, đường truyền Internet, cài đặt tài khoản Skype… Đại diện các trung tâm dịch vụ việc làm cũng cam kết sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao. Thay vì phải mất nhiều công sức và chi phí để tìm kiếm ứng viên phù hợp từ các khu vực xa, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận với một lượng lớn ứng viên tiềm năng đến từ các địa phương.
Ngay sau Lễ khai mạc, các doanh nghiệp tập trung các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm; cung cấp thông tin thị trường lao động; đa dạng hóa các hoạt động kết nối trực tiếp, trực tuyến với người lao động thông qua phần mềm skype, website, kênh thông tin điện tử… để người lao động tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trao đổi, phỏng vấn, tìm việc làm phù hợp với năng lực. Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hồ Chí Minh cũng ký kết chương trình hợp tác với các doanh nghiệp và tổ chức thảo luận về “Xây dựng cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động liên thông giữa TP Hồ Chí Minh với vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh lân cận, nhằm phục vụ công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động”.
Có mặt tại Sàn giao dịch việc làm từ rất sớm, em Nguyễn Thị Kim Ngân, sinh viên năm cuối chuyên ngành thiết kế đồ họa trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Thủ Đức, tìm hiểu về các doanh nghiệp tuyển dụng lao động nước ngoài, nhất là những yêu cầu cần thiết về kỹ năng, thực hành của các đối tác, người sử dụng lao động. Ngân chia sẻ, hợp tác lao động ở nước ngoài không chỉ có thu nhập ổn định mà còn có cơ hội rèn luyện ngoại ngữ, nâng cao kiến thức, kỹ năng, chuyên môn.
Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, dự báo thị trường lao động từ nay đến cuối năm vẫn còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, để chuẩn bị cho nhu cầu sản xuất - kinh doanh dịp Tết, nhiều doanh nghiệp vẫn có nhu cầu tuyển dụng cao và tập trung ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ chiếm 70,13% tổng nhu cầu nhân lực, khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 29,69% và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 0,18%.