Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Ninh Thuận (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh), ngày 9/11, hàng chục lượt người đến tìm hiểu thông tin tuyển dụng và đăng ký tìm việc làm. Anh Quảng Chừng (sinh năm 1985, xã Phước Thái, huyện Ninh Phước) chia sẻ, cách đây 3 tháng, anh làm việc tại tỉnh Bình Dương. Do công ty tạm ngừng sản xuất, anh phải nghỉ việc về địa phương làm nông nhưng không ổn định. Sau thời gian tìm hiểu, anh nộp phiếu đăng ký tìm vị trí công việc phù hợp thuộc ngành Điện hoặc làm công ty giày da ở tỉnh. Mức lương mong muốn 7 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền tăng ca.
Theo ghi nhận của phóng viên, đa số người lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Ninh Thuận đều có tuổi đời khá trẻ, chưa có việc làm, mất việc hoặc có việc làm nhưng không ổn định. Để đáp ứng nhu cầu tìm việc của người lao động, trong 10 tháng năm 2023, Trung tâm đã tư vấn, giới thiệu việc làm qua sàn, các phiên giao dịch việc làm tới 9.589/5.000 lượt người (đạt 191,78% kế hoạch); tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề cho lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 16.276/10.000 lượt người (đạt 162,76% kế hoạch). Qua theo dõi, 556 người tìm được việc làm, trong đó, 327 người nhận được việc làm sau khi phỏng vấn tại các phiên giao dịch việc làm; 212 lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp qua tư vấn việc làm tự kết nối việc làm và 17 lao động đã được đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Ninh Thuận cho hay, để kịp thời thông tin về thị trường lao động, Trung tâm đã đổi mới hình thức tư vấn, giới thiệu việc làm theo phương thức trực tiếp và trực tuyến, lưu động. Cụ thể, Trung tâm tổ chức tư vấn, kết nối việc làm trực tiếp diễn ra hằng ngày làm việc trong tuần và phiên giao dịch việc làm định kỳ vào ngày 20 hàng tháng (kể cả thứ Bảy và Chủ nhật) thông qua hoạt động của sàn giao dịch việc làm cố định tại Trung tâm (số 182/1, đường Thống Nhất, phường Phủ Hà, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm); tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động và người sử dụng lao động gặp gỡ, trao đổi, phỏng vấn, kết nối việc làm.
Trung tâm kết hợp các buổi kết nối việc làm lưu động diễn ra tại các huyện, thành phố, cụm xã, phường, các trường Trung học Phổ thông và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Cùng với đó, Trung tâm tổ chức các hoạt động tư vấn, kết nối việc làm trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội facebook, zalo; tuyên truyền lưu động, phát tờ rơi, băng rôn, áp phích; phối hợp với các Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh lân cận tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tiếp và trực tuyến cho người lao động nhằm đa dạng hóa việc kết nối cung - cầu lao động cho các thị trường lao động trong, ngoài tỉnh.
Ông Trần Đức Long, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 10.994/9.500 người (đạt 115,73% kế hoạch); giải quyết việc làm cho 18.084/16.000 lao động (đạt 113,03% kế hoạch); đưa 171/150 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (đạt 114% kế hoạch). Để tiếp tục đáp ứng nhu cầu tìm việc làm của người lao động, Sở chỉ đạo các đơn vị, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tập trung thu thập dữ liệu “Việc tìm người - người tìm việc”, phân tích, dự báo và cung cấp thông tin thị trường lao động để tổ chức cung ứng việc làm hiệu quả, tạo điểm nhấn, có tính kết nối cao giữa doanh nghiệp với người lao động.
Trong những tháng cuối năm 2023, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm bảo đảm duy trì và tạo thêm việc làm mới cho người lao động. Trong đó, tỉnh tập trung chỉ đạo thu hút, giải quyết nhanh các thủ tục để thực hiện hoàn thành các nhà máy tại các Khu Công nghiệp Du Long, Thành Hải; Cụm công nghiệp Quảng Sơn để tạo việc làm mới cho lao động ở địa phương; đồng thời thực hiện các chính sách về lao động, việc làm chính xác, kịp thời.