Theo ông Nguyễn Tây Nam, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Hà Nội, hiện Thủ đô có hơn 100.000 người khuyết tật, trong đó có khoảng hơn 30.000 người có khả năng lao động; đặc biệt nhiều người trong số đó với bản tính cần cù, khéo léo, nghị lực vượt khó và khát khao được làm việc để khẳng định bản thân; luôn mong muốn có được việc làm phù hợp, có thu nhập để tự chăm lo cho chính mình và đóng góp cho sự phát triển của xã hội.
Vì vậy, việc hỗ trợ giải quyết việc làm cho người khuyết tật một công việc phù hợp để giúp họ tự tin vượt lên hoàn cảnh, hòa nhập cộng đồng là việc làm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đồng thời còn ghi nhận vai trò của người khuyết tật trong đời sống xã hội.
“Với ý nghĩa đó, trong thời gian qua, Sở LĐTBXH chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội định kỳ tổ chức các phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật nhằm hỗ trợ, động viên người khuyết tật tích cực học tập, tham gia vào thị trường lao động.
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế sau dịch bệnh COVID-19... vấn đề giải quyết việc làm cho người khuyết tật càng thêm nhiều trở ngại. Do đó, giải quyết việc làm cho người khuyết tật không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước, mà đó còn là trách nhiệm của cả cộng đồng xã hội”, ông Nguyễn Tây Nam cho biết.
Ông Trịnh Xuân Dũng, Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội cho rằng, tạo việc làm cho người khuyết tật chính là con đường bền vững giúp người khuyết tật thực sự hòa nhập vào đời sống.
Có việc làm, người khuyết tật không chỉ có cơ hội tiếp xúc với xã hội mà còn có thu nhập, tạo dựng cuộc sống tự lập. Phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật nhằm hỗ trợ thanh niên khuyết tật, người khuyeeta tật trong độ tuổi lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm ổn định và thúc đẩy sự quan tâm của toàn xã hội đối với người khuyết tật.
Những phiên giao dịch này đã mang lại nhiều cơ hội cho người khuyết tật có việc làm, tiếp cận những thông tin đầy đủ, chính xác, đáng tin cậy của các đơn vị tuyển dụng, hiểu biết về chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực việc làm của người khuyết tật. Người khuyết tật đạt được những ước mơ trong cuộc sống, có thu nhập kinh tế cho bản thân và gia đình.
“Các thanh niên khuyết tật đang ngày càng chủ động hoà nhập vào thị trường lao động, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về người khuyết tật, thay đổi quan niệm về người khuyết tật, nhìn thấy ở họ khả năng tự lập, đóng góp cho gia đình và xã hội, chứ không chỉ nhìn vào những khiếm khuyết của họ”, ông Trịnh Xuân Dũng cho biết.
Ông Nguyễn Kim Khôi, Giám đốc Công ty TNHH Xã hội 3/12 cho biết: Đơn vị đang có hơn 20 người khuyết tật làm việc và đang có nhu cầu tuyển 5-10 vị trí tại phiên giao dịch việc làm này. Mức thu nhập từ 4 triệu đến 6 triệu đồng và bao bữa trưa. Đối với người lao động là người khuyết tật, quan trọng nhất là họ vượt qua mặc cảm, học nghề và chăm chỉ.
Em Nguyễn Hồng Hà, 20 tuổi, vừa tốt nghiệp Khoa Công nghệ thông tin của Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội cho biết: “Em biết thông tin qua hội người khuyết tật địa phương nên đến tìm hiểu thông tin về tuyển dụng. Em muốn tìm việc liên quan đến chỉnh sửa ảnh bởi phù hợp với lĩnh vực đã học và sức khỏe”.
Phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động người khuyết tật năm 2023 có 38 đơn vị, doanh nghiệp tham gia với 1.080 chỉ tiêu tuyển dụng và tuyển sinh. Đặc biệt có 15 doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề có sử dụng lao động là người khuyết tật tham gia với 375 chỉ tiêu tuyển dụng và tuyển sinh. Đây là cơ hội cho lao động là người khuyết tật tự tin tìm kiếm được việc làm, địa chỉ đào tạo nghề phù hợp, để từ đó tham gia vào thị trường lao động tạo ra thu nhập ổn định cuộc sống bản thân.