Theo đó, Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam dự kiến sẽ cho ý kiến thảo luận về 3 khâu đột phá gồm: Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động; Tập trung phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; Xây dựng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là chủ tịch công đoàn tại doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.
Quan tâm chăm lo người lao động
Điểm lại những kết quả đã đạt được, Phó Ban Tuyên giáo Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Mạnh Kiện, cho biết, trong nhiệm kỳ vừa qua, hơn 30 triệu lượt đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn đã được thăm hỏi, chúc Tết, động viên, tặng quà nhân dịp "Tết Sum vầy" với trên 28 nghìn tỷ đồng; thăm hỏi, hỗ trợ đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, tại nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với tổng số tiền hơn 3.600 tỷ đồng.
Chương trình "Mái ấm Công đoàn" hỗ trợ hơn 14.000 người lao động xây dựng, sửa chữa nhà ở với tổng số tiền hơn 500 tỷ đồng cùng hàng vạn ngôi "nhà tình nghĩa", "nhà đại đoàn kết".
Chương trình "Phúc lợi đoàn viên" lan tỏa, thấm sâu đến cơ sở với nhiều ưu đãi mang lại lợi ích cho hành chục triệu lượt đoàn viên, người lao động.
Công đoàn các cấp cũng triển khai hiệu quả 13 quỹ trợ vốn việc làm, gần 3 triệu lượt đoàn viên, người lao động vay với tổng số tiền hàng nghìn tỷ đồng. Riêng quỹ CEP (tổ chức tài chính vi mô TNHH một thành viên cho người lao động nghèo tự tạo việc làm thuộc LĐLĐ TP Hồ Chí Minh) đã cho hơn 1,8 triệu lượt công nhân lao động vay vốn với số tiền hơn 31.000 tỷ đồng, trên 650.000 lượt lao động thuộc khu vực phi kết cấu được vay vốn với tổng số tiền hơn 14.000 tỷ đồng.
Hệ thống các cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp của tổ chức Công đoàn bình quân hàng năm đào tạo, dạy nghề cho trên 40.000 lượt người lao động.
Trong nhiệm kỳ 2018 – 2023, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đã tham mưu Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới; tập trung ban hành các quy định nhằm quản trị, điều hành hệ thống tốt hơn.
Công đoàn các cấp đã ký mới 15.832 bản thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, nâng tổng số thỏa ước lao động tập thể đã ký kết lên 42.550 bản, đạt tỷ lệ 72,12% tổng số doanh nghiệp đã thành lập công đoàn cơ sở.
Đặc biệt, chương trình "75.000 sáng kiến vượt khó, phát triển" và Chương trình "1 triệu sáng kiến, nỗ lực vượt khó, sáng tạo quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19" là cách triển khai mới trong phong trào thi đua, đã thu hút đông đảo đoàn viên, người lao động trực tiếp tham gia, tạo dấu ấn trong nhiệm kỳ.
Nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết: Mục tiêu chính của nhiệm kỳ Đại hội 2023-2028 là phủ rộng tổ chức công đoàn, nâng cao chất lượng hoạt động, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động, để người lao động chủ động lựa chọn tổ chức công đoàn là đơn vị đại diện bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, đến ngày 3/11/2023 đã hoàn thành việc tổ chức đại hội công đoàn cấp tỉnh, công đoàn ngành trung ương và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn, sau khi hoàn thành việc tổ chức đại hội công đoàn cơ sở và đại hội công đoàn cấp trên cơ sở.
Thời gian qua, một số hoạt động chào mừng Đại hội đã được triển khai như: Gắn biển 2 công trình cấp Tổng Liên đoàn với tổng trị giá gần 1.800 tỉ đồng; Diễn đàn Người lao động 2023 lần đầu tiên được tổ chức dưới sự chủ trì của đồng chí Chủ tịch Quốc hội, với sự tham dự của 500 đại biểu cán bộ, đoàn viên công đoàn, công nhân viên chức, người lao động cả nước.
Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân và công đoàn cũng được phát động từ ngày 23/11/2021 và kết thúc vào tháng 8/2023. Hội đồng giám khảo đã làm việc công tâm, khách quan đề xuất tặng các giải thưởng cho 11 tác phẩm tiểu thuyết và 13 tác phẩm truyện ngắn.
Giải vô địch bóng đá công nhân toàn quốc 2023, giải bóng đá quy mô toàn quốc lần đầu tiên dành cho công nhân lao động đã thu hút 1.116 cầu thủ của 62 đội bóng tham gia thi đấu vòng loại tại 8 khu vực trong cả nước với tổng giá trị giải thưởng 840 triệu đồng.
Cuộc thi trực tuyến "Gửi niềm tin, trao kỳ vọng" là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong cán bộ, đoàn viên, người lao động, chào mừng Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam. Cuộc thi diễn ra theo 2 giai đoạn, cả nước có 366.000 cán bộ công đoàn, đoàn viên dự thi.
Thông tin về một số điểm mới trong cách thức tổ chức Đại hội, Phó Ban Tuyên giáo Nguyễn Mạnh Kiên cho biết, Đại hội sẽ tăng cường thảo luận, mở 10 diễn đàn chuyên đề để thảo luận, đề xuất sáng kiến cho 10 vấn đề lớn đặt ra đối với tổ chức công đoàn. Các diễn đàn được tổ chức trước ngày đại hội chính thức diễn ra nhằm sớm thu thập các ý kiến, đề xuất để tổng hợp, tiếp thu vào văn kiện đại hội và hình thành các giải pháp tổ chức thực hiện nghị quyết.
Đại hội cũng tăng cường ứng dụng công nghệ số trong tổ chức và phục vụ Đại hội. Thiết kế, vận hành ứng dụng về đại hội trên thiết bị di động để cung cấp thông tin, tài liệu, trao đổi, tương tác với đại biểu.
Công tác truyền thông, trang trí khánh tiết được triển khai bài bản, sâu rộng trong hệ thống công đoàn, trên tất cả phương tiện, nền tảng truyền thông.
Các chương trình chào mừng thành công Đại hội sẽ được lồng ghép với các hoạt động chăm lo cho người lao động; trao tặng các món quà từ Đại hội đến đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng, triển khai kế hoạch chăm lo Tết cho đoàn viên, người động.
Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 - 2028 diễn ra từ ngày 1 - 3/12/2023 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, TP Hà Nội với 1.100 đại biểu dự.