Mong muốn lớn nhất của họ là được bố trí việc làm để không lãng phí tiền bạc, thời gian, công sức và trí tuệ…
Tốt nghiệp Đại học đến nay đã 8 năm, chị Hồ Thị Hiền (sinh năm 1988), ở bản 7, xã Thuận, huyện Hướng Hóa vẫn chưa được bố trí việc làm. Vào năm 2010, chị Hiền được địa phương cử đi học ngành Sư phạm Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Huế. Hoàn cảnh kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, ngoài hỗ trợ của Nhà nước, chị Hiền và gia đình phải vay Ngân hàng chính sách và người thân để hoàn thành chương trình học. Khi chưa được bố trí việc làm, chị Hiền xin làm giáo viên hợp đồng ở một số trường nhưng không được lâu dài. Đặc biệt, sau khi lập gia đình, cuộc sống càng khó khăn hơn khi hai đứa con lần lượt ra đời.
Chị Hiền chia sẻ, ngày nhận thông báo cử đi học, chị và gia đình rất vui và hạnh phúc. Thế nhưng 8 năm sau ngày ra trường đến nay, chị vẫn chưa được bố trí việc làm. Gánh nặng kinh tế càng đè nặng khi việc làm không ổn định. Chị mong muốn, cơ quan chức năng quan tâm bố trí việc làm cho mình cũng như những người học cử tuyển khác để mọi sự nỗ lực cố gắng của mọi người có "quả ngọt”…
Aanh Hồ Văn Thương (sinh năm 1989), xã Ba Lòng, huyện Đakrông đã mòn mỏi đợi bố trí công việc suốt 9 năm qua. Năm 2009, nhận được thông báo cử tuyển đi học ngành Nông học của Trường Đại học Nông lâm, Đại học Huế, anh và gia đình rất vui mừng. Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, gia đình phải vay thêm tiền để anh có đủ chi phí trang trải suốt quá trình học tập. Chưa được bố trí công việc, để đảm bảo thu nhập cho gia đình, anh Thương ở nhà làm ruộng, trồng cây, chăn nuôi bò.
Anh Thương cho biết: Mong muốn lớn nhất của anh và những người được cử đi học cử tuyển là được bố trí việc làm để những kiến thức mình học không bị lãng phí. Mọi người đã đầu tư thời gian, công sức, tiền bạc, gửi gắm rất nhiều ước mơ vào đó. Mong rằng, trong thời gian tới, hồ sơ của anh sẽ được các cấp, ngành và địa phương quan tâm, tạo điều kiện bố trí việc làm…
Thực hiện chế độ cử tuyển theo Nghị định số 134/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ về việc tạo nguồn cán bộ có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu công tác tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, là tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, Quảng Trị đã tích cực triển khai và cử nhiều đối tượng đi đào tạo ở các trường đại học, cao đẳng, trung cấp. Địa phương đã ưu tiên lựa chọn đối tượng phù hợp điều kiện đi học cử tuyển. Tuy nhiên, khó khăn trong bố trí việc làm phù hợp đã khiến nhiều người học cử tuyển về không có việc làm trong suốt thời gian dài.
Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Hướng Hóa cho biết: Toàn huyện hiện còn 22 trường hợp người học theo diện cử tuyển đã tốt nghiệp ra trường nhưng chưa được tuyển dụng, bố trí việc làm ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: y tế, giáo dục, nông nghiệp, xây dựng, quân sự... Địa phương hiện đang nỗ lực ưu tiên sắp xếp vị trí việc làm phù hợp cho các đối tượng trên nhưng rất khó thực hiện do có vướng mắc. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên một phần do khi lựa chọn ngành học cử tuyển cho các đối tượng không căn cứ tình hình thực tế, dẫn đến tình trạng nhiều ngành được đào tạo với số lượng lớn nhưng định biên vị trí việc làm tại địa phương lại quá ít, không bố trí được. Bên cạnh đó, hiện nay, việc tinh giản biên chế công chức và người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập hưởng lương từ ngân sách theo quy định đang được triển khai. Đồng thời, quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính đã khiến tỷ lệ dôi dư cán bộ cao, dẫn đến khó khăn trong sắp xếp vị trí việc làm cho các lao động cử tuyển.
Ông Trần Hữu Anh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị cho hay: Trước tình trạng nhiều lao động cử tuyển chưa được bố trí việc làm, Sở đã có văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương xác định cụ thể thực trạng đối tượng người học diện cử tuyển đã tốt nghiệp nhưng chưa được bố trí việc làm. Từ đó, tìm ra nguyên nhân để xây dựng kế hoạch đối thoại với từng trường hợp nhằm có phương án xử lý hợp lý, hợp tình. Các địa phương có kế hoạch tuyển dụng cần xem xét cơ chế đặc thù, ưu tiên những đối tượng là người học theo diện cử tuyển...