Hội thảo “Nghiên cứu thành phần tên gọi người Tà Mun”

Ngày 8/10, Viện Dân tộc, thuộc Ủy ban Dân tộc đã tổ chức Hội thảo “Nghiên cứu thành phần tên gọi người Tà Mun” với sự tham gia của đông đảo lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, các nhà khoa học và trí thức dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Phước.


Nhiều ý kiến tại hội thảo đề cập vấn đề có hay không một dân tộc Tà Mun và đề nghị Viện Dân tộc nghiên cứu về truyền thống lịch sử và văn hóa của họ.


Phát biểu tại hội thảo, Phó giáo sư - Tiến sĩ Ngô Quang Sơn, Viện trưởng Viện Dân tộc - Ủy ban Dân tộc cho rằng: Còn rất nhiều điều cần đưa ra bàn bạc trước khi có quyết định chính thức về thành phần, tên gọi cho tộc người Tà Mun. “Trong 4 tiêu chí: lịch sử, ý thức tộc người, ngôn ngữ, văn hóa thì có 3 tiêu chí quan trọng là ý thức, ngôn ngữ và văn hóa. Đến năm 2013 sẽ nghiên cứu tiếp về ngôn ngữ và văn hóa, rồi xin ý kiến đóng góp của các ban, ngành Trung ương và các tỉnh để có kết luận cuối cùng chính xác thành phần và tên gọi của tộc người này.


Tỉnh Bình Phước hiện có 234 hộ, 1.143 khẩu người Tà Mun sinh sống chủ yếu ở xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản. Đến nay, tộc người Tà Mun không có tên trong 54 dân tộc Việt Nam, nhưng trong một số công trình nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước đều có đề cập đến nhóm người này. Người Tà Mun ở Bình Phước không có chữ viết, chỉ lưu giữ được tiếng nói riêng của mình thuộc ngôn ngữ Môn - Khmer, gần với ngôn ngữ của dân tộc Chơ ro.


Năm 2009, tỉnh Bình Phước đã đưa tộc người này vào nhánh của dân tộc S’tiêng. Tuy nhiên, trên thực tế trong thời gian qua, theo quy định của Nhà nước, tỉnh Bình Phước vẫn giải quyết cho tộc người Tà Mun là dân tộc Tà Mun trong các giấy tờ như: Hộ khẩu, chứng minh nhân dân, giấy khai sinh.


Đậu Tất Thành

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN