Học lịch sử bằng trực quan sinh động

Môn lịch sử thường không tạo được sự hứng thú cho cả người dạy và học vì thầy cô chỉ giảng dạy theo phương pháp đọc - chép là chủ yếu. Để học sinh và thầy cô cùng hứng thú với môn học này, trong thời gian qua, nhiều trường học đã đổi mới phương pháp dạy và học theo phương pháp trực quan và sinh động hơn.


Thầy không đầu tư, trò chán


Học sinh học lịch sử là để biết, để hiểu: “Dân ta phải biết sử ta”, thế nhưng thực tế, môn lịch sử dạy trong nhà trường đang được xem là môn học phụ. Giáo viên thì dạy cho kịp chương trình, học sinh học thuộc lòng một cách máy móc mà không có sự phân tích, am hiểu. Bởi thế, lịch sử trở thành môn học khó “nuốt” của cả thầy và trò.

Qua những hình ảnh sống động, môn lịch sử không còn là môn học nhàm chán và khô khan với nhiều học sinh và giáo viên trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Đan Phương


Học sinh Nguyễn Thị Thùy Linh, trường THCS Điện Biên (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh), cho biết: “Mỗi lần tới môn sử em rất buồn ngủ, bởi cô giáo toàn đọc trong SGK, kết thúc tiết học cô dặn chúng em về học thuộc bài là được. Nhiều sự kiện, ngày giờ quá nên khó nhớ lắm”. Còn cô Võ Thị Kiều Trang, giáo viên trường Tiểu học Hiệp Phú (quận 9) nói: “Các tiết dạy còn khô khan, chủ yếu thầy đọc - trò chép. Giáo viên ít đầu tư thời gian tìm kiếm tranh ảnh, tư liệu… nên tiết dạy rất nhàm chán và học sinh học theo kiểu đối phó”.


Ở góc độ người làm công tác quản lý, cô Lê Thị Ngọc Điệp, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), cũng nhìn nhận: “Môn Lịch sử hiện nay nặng về tái hiện sự kiện, buộc phải ghi nhớ máy móc nhiều thông tin, số liệu, thời gian, địa điểm… Nếu việc dạy học quá chú tâm vào tính thuộc bài, theo kiểu học vẹt và thiếu không gian tư duy thì các em sẽ không háo hức”. Trong khi đó, ông Lê Văn Công, đại diện Phòng GD-ĐT quận 5 cho biết: “Trong quá trình giảng dạy, đôi lúc thầy cô chưa toàn tâm, toàn ý cho nội dung cần phải chuyển tải; nội dung còn bó gọn trong sách giáo khoa nên mối liên kết, khái quát một giai đoạn không rõ ràng, gây khó hiểu và không tạo được sự ham thích của học sinh”.


Cần một hình thức mới


Theo ông Nguyễn Hoài Chương, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh, lịch sử là nội dung giáo dục hết sức quan trọng. Bởi qua các bài giảng, các em có cái nhìn toàn diện, có sự so sánh để cảm nhận sâu sắc, củng cố thêm tình cảm và niềm tin; từ đó rút ra bài học nhân văn, yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Cách dạy sử theo kiểu đọc - chép không làm học sinh chủ động tìm tòi, khám phá, phát hiện và yêu sử nước nhà hơn. Chính vì thế, để khơi dậy ý thức học tập, sự hứng thú đối với môn học lịch sử trong nhà trường, ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh đã đưa công nghệ thông tin vào giảng dạy môn lịch sử; sử dụng sơ đồ, lược đồ, sa bàn… để tái hiện các sự kiện, diễn biến. Đặc biệt, học sinh còn được đọc truyện lịch sử, sắm vai nhân vật, diễn sử ca hoặc tái hiện lại đặc điểm, tính cách các vị vua, các anh hùng của từng thời kỳ. Qua đó, những hình ảnh nhân vật, bối cảnh lịch sử sẽ khắc sâu hơn trong tâm trí mỗi em.


Cô giáo Nguyễn Thị Thùy, giáo viên trường tiểu học Nguyễn Văn Kịp (quận Tân Bình) chia sẻ kinh nghiệm: “Khi dạy bài ‘Hoàn thành thống nhất đất nước’, tôi tổ chức cho các em sắm vai người dân đi bầu cử Quốc hội thống nhất, chuẩn bị cả cờ Đảng, cờ Tổ quốc, Quốc huy, huy hiệu Đội, huy hiệu Đoàn để học sinh tự tay chọn ra cờ Tổ quốc, Quốc huy”. Cô Thùy cho biết, mỗi nội dung gắn với hình ảnh thật, vật thật, âm nhạc… nên các em được nghe, được hát, được nhìn, được chạm ào hiện vật và nhớ bài ngay tại lớp.


Trong nhiều năm qua, mỗi lần tới tiết học lịch sử, học sinh trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm lại rất háo hức. Bởi các em không chỉ được học trên sách vở mà còn được nhà trường cho đi tham quan thực tế tại các bảo tàng hoặc được giáo viên sử dụng các phương tiện nghe nhìn tái hiện lại lịch sử một cách sinh động. Cô Lê Thị Ngọc Điệp cho biết: “Cách học trên đã rút ngắn khoảng cách quá khứ, hiện tại; biến kiến thức sách vở vốn trừu tượng thành những kiến thức gần gũi trước mắt. Qua các hiện vật sống động, kèm theo những lời giải thích của hướng dẫn viên du lịch, học sinh vừa quan sát, vừa tưởng tượng, ngẫm nghĩ và nghe đến đâu thì nhớ đến đó ngay, thay vì phải học thuộc lòng. Cách làm này giúp học sinh hứng thú, vui tươi, dễ tiếp thu và yêu thích lịch sử hơn”.


Tuy nhiên, hiện không phải trường học nào cũng có cách làm sinh động như trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đa số các trường vẫn còn thiên theo cách dạy lý thuyết và thuộc bài. Điều đó cũng phần nào lý giải hiện tượng vừa qua học sinh trường THPT Nguyễn Hiền (quận 11) “xé giấy ăn mừng” khi biết môn sử không được chọn là môn thi tốt nghiệp. “Hiện nay, công nghệ thông tin phát triển, điều kiện kinh tế, cơ sở vật chất cũng khá thuận tiện. Vì thế, mỗi giáo viên, nhà trường cần linh động, sáng tạo ứng dụng phương pháp nghe nhìn để có những bài giảng sinh động, hiệu quả. Việc dạy không bắt học sinh thuộc sử mà cần giúp các em hiểu sử, thông sử, từ đó yêu thích sử hơn”, ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng giáo dục Tiểu học Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh đề nghị.



Hoàng Dương - Đan Phương

Khơi dậy niềm yêu thích môn Lịch sử ở học sinh
Khơi dậy niềm yêu thích môn Lịch sử ở học sinh

Môn học lịch sử không chỉ trang bị kiến thức mà còn khơi dậy niềm tự hào dân tộc ở người học... Hiện nay, môn học này đã được quan tâm đầu tư đúng mức hay chưa, là điều mà dư luận đang đặt nhiều tranh cãi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN