Khơi dậy niềm yêu thích môn Lịch sử ở học sinh

Môn học lịch sử không chỉ trang bị kiến thức mà còn khơi dậy niềm tự hào dân tộc ở người học, cung cấp cho họ nền tảng văn hóa - điều rất cần thiết trong thời kì đất nước đang hội nhập sâu rộng với quốc tế. Hiện nay, môn học này đã được quan tâm đầu tư đúng mức hay chưa, là điều mà dư luận đang đặt nhiều tranh cãi. Nhất là khi có không ít học sinh không còn yêu thích, hào hứng với việc học lịch sử.


Giới trẻ không thờ ơ với lịch sử dân tộc


Theo ý kiến của các chuyên gia lịch sử, việc dạy lịch sử thiếu hấp dẫn mới là nguyên nhân khiến giới trẻ không thích học sử. Sự động viên, khích lệ của người lớn là rất cần thiết để cổ vũ niềm đam mê lịch sử của các em.


Nhiều lí do để lo ngại


Nhiều năm qua, chất lượng dạy và học lịch sử ở Việt Nam không cao. Điều này thể hiện qua kết quả các kì thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ với hàng loạt thí sinh bị điểm 0 môn thi này. Nhiều bài thi có câu trả lời ngô nghê chứng tỏ thí sinh đó không hiểu gì về lịch sử, thậm chí xuyên tạc lịch sử khiến không chỉ những người nghiên cứu lịch sử lo lắng. Tất nhiên, lỗi không phải của riêng các em.

GS Phan Huy Lê trò chuyện cùng các học sinh đoạt giải cao kì thi chọn học sinh giỏi Quốc gia môn lịch sử. Ảnh: Hoàng Dương


Một thực trạng khác cũng rất đáng lo ngại là tỉ lệ học sinh thi khối C và quyết tâm theo “nghiệp” sử rất ít. Những em học ĐH khoa lịch sử cũng không khỏi băn khoăn, sau khi ra trường sẽ xin việc như thế nào vì hiện nay cơ hội cho các em làm đúng ngành học không nhiều. Nhiều sinh viên ngành sử ra trường phải làm các công việc khác.

“Không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong bộn bề công việc vẫn không quên nhắc nhở: “Dân ta phải biết sử ta. Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Không hiểu lịch sử ông cha chắc chắn khó có thể định hướng cho hiện tại, chưa nói đến tương lai”.

(PGS.TS. Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam)


Anh Nguyễn Ngọc Bách, tốt nghiệp Khoa Lịch Sử (ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội) với tấm bằng khá nhưng trong suốt 2 năm kể từ khi ra trường, anh Bách vẫn không thể xin được một công việc phù hợp tại các viện bảo tàng hay một cơ quan nghiên cứu lịch sử nào. Hiện nay, anh Bách đang làm việc tại một cơ quan truyền thông. “Cũng may là mình được làm mảng văn hóa nên vẫn vận dụng được một số kiến thức lịch sử học được trên ghế nhà trường. Các bạn mình ra trường hiếm người xin được việc đúng chuyên ngành lắm”, anh Bách cho biết.


Theo PGS. TS. Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, đồng thời là Giám đốc Quỹ phát triển sử học Việt Nam, có nhiều nguyên nhân cản trở các em đến với môn lịch sử. “Các em học sinh không phải không thích học sử nhưng các em bị tác động bởi nhiều yếu tố, trong đó có việc xác định công việc sau khi ra trường. Các em sẽ suy nghĩ: Nếu học sử, khả năng xin việc sau khi ra trường ra sao. Hiện nay, có một số không nhỏ sinh viên tốt nghiệp ra trường phải mất một thời gian dài mới xin được việc, hoặc dù kiếm được việc vào cơ quan hành chính sự nghiệp thì mức lương cũng không cao”, ông Hùng phân tích.


Em Phùng Thị Bích Phương, học sinh lớp 12 trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) vừa đoạt giải nhất cuộc thi chọn học sinh giỏi Quốc gia môn lịch sử cũng thẳng thắn thừa nhận: “Em sẽ chỉ giữ môn học này như một niềm đam mê, yêu thích chứ không theo nghiệp sử. Em nghĩ yêu thích là một chuyện nhưng có theo đuổi nó không lại là chuyện khác. Hơn nữa để dạy được lịch sử phải cần rất nhiều phẩm chất mà bản thân em nghĩ mình vẫn chưa có đủ”. PGS Hùng phân tích thêm: hiện nay trong xu hướng chọn ngành, chọn nghề của học sinh phổ thông, các em chỉ chú tâm thi vào ngành nào khi ra trường dễ xin việc, có mức thu nhập cao và ổn định. Do đó số thí sinh thi vào khối C, trong đó có ngành lịch sử không nhiều. Trong số không nhiều ấy lại không phải tất cả đều giỏi nên để chọn ra các em thật sự xuất sắc và đam mê lịch sử đúng là khó như “mò kim đáy bể”.


Chương trình học - vấn đề muôn thuở


Cùng chung quan điểm với PGS. TS. Phạm Mai Hùng, nhà sử học Dương Trung Quốc (Tổng Thư kí Hội Khoa học lịch sử Việt Nam) cho rằng, không nên trách các em không chọn theo học lịch sử bởi các em cũng phải sống như bao người. Trong khi xã hội đang có nhu cầu cần nhiều nhân lực trong ngành kinh tế thì chúng ta không thể bắt các em phải học lịch sử để rồi ra trường khó xin việc. “Với môn lịch sử, người hoạt động chuyên nghiệp cũng chưa đạt được giá trị xã hội cao chứ chưa nói đến các em”, nhà sử học Dương Trung Quốc cho hay. Cũng theo ông Quốc, chúng ta phải khơi dậy niềm đam mê học lịch sử cho các em để các em có thể “giữ lửa” với môn sử.

GS Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam):

Môn sử chưa được đánh giá đúng vị thế

Từ câu chuyện học sinh trường Nguyễn Hiền (TP Hồ Chí Minh) xé đề cương môn sử gây xôn xao dư luận thời gian qua, chúng ta càng thấy rõ chế độ thi cử nặng nề đã tác động đến động cơ học tập của học sinh theo chiều hướng tiêu cực. Nhắc đến chuyện này, tôi càng thêm quý mến những em học sinh đã đạt giải môn lịch sử trong kì thi quốc gia vừa qua. Đó là minh chứng cho thấy không phải tất cả học sinh đều ghét sử và nếu dạy tốt, học tốt, môn sử có đầy đủ khả năng tạo nên sự hứng thú trong học sinh và hoàn thành chức năng của nó trong nhiệm vụ giáo dục thế hệ trẻ.

Cô Trần Anh Đào (GV dạy Sử, THPT Chuyên Biên Hòa,
tỉnh Hà Nam):

Phần quân sự trong SGK lịch sử quá nặng

Chương trình SGK cơ bản rất nặng. Nhiều số liệu, khoảng thời gian ngắn rất khó nhớ với học sinh. Đối với giáo viên dạy Sử, phải làm thế nào để những sự kiện đó trở thành dễ nhớ cho học sinh, khiến các em thích sử, yêu sử. Phần quân sự trong sách rất quan trọng nhưng phần này quá nặng. Học sinh có thể yêu mảng kinh tế, văn hóa của cha ông ta. Vì thế, chúng ta có thể đưa mảng văn hóa vào nhiều hơn, giảm bớt sự kiện, con số ở phần quân sự. Trường tôi thường tổ chức tham quan bảo tàng, một số di tích, nhà thờ họ có truyền thống hiếu học của tỉnh để các em tự thấy trách nhiệm của mình.

Em Phùng Thị Bích Phương, THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định (giải nhất học sinh giỏi Quốc gia môn lịch sử năm 2013):

Nên dạy cho học sinh biết tại sao có các ngày lễ, ngày kỉ niệm

Em nghĩ SGK nên đưa ra vấn đề cho học sinh suy nghĩ theo hướng của mình, thay cho việc có quá nhiều sự kiện, con số về số người chết, người bị thương trong một chiến dịch. Chỉ nên đưa ra cho học sinh những vấn đề chung, gắn với cuộc sống nhất. Chẳng hạn, giúp lí giải tại sao có các ngày lễ lớn của dân tộc. Nhiều bạn bè của em chỉ biết được nghỉ lễ 30/4, 1/5 mà không rõ vì sao lại được nghỉ. Tại sao SGK không dạy cho học sinh những điều thiết thực này?

Em Trần Thanh Quang, THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định (đồng giải nhất học sinh giỏi Quốc gia môn lịch sử năm 2013):

Bí quyết là không học thuộc lòng

Em rất thích xem những bộ phim tài liệu về đề tài lịch sử, chiến tranh để bổ sung kiến thức về lịch sử cho dày dặn hơn. Việc nghe những ca khúc cách mạng, xem những bộ phim tài liệu trên truyền hình sẽ giúp bồi đắp lòng yêu nước và lời văn trong bài sử sẽ chau chuốt hơn. Học sử không thể gấp rút mà phải có quá trình bổ sung kiến thức. Mỗi ngày em dành khoảng 1 giờ để học sử, học từ từ, chậm mà chắc.


Hiện nay, học sinh phổ thông có quá nhiều môn học, trong đó, riêng sách giáo khoa (SGK) lịch sử đã rất nặng, nhiều sự kiện, nhiều dữ liệu mà trong một thời gian ngắn học sinh không thể hấp thu nổi. Như vậy thì dù muốn đam mê với sử cũng thật khó. Việc giảm tải chương trình học, cũng như đổi mới SGK trở thành yêu cầu tất yếu để tạo dựng niềm đam mê sử cho các em. Đã từng nhiều năm làm công tác giảng dạy, PGS. TS. Phạm Mai Hùng thừa nhận, chương trình học hiện nay nhồi nhét kiến thức nhiều. Bản thân các thầy cô giáo cũng chạy theo việc có thi tốt nghiệp môn sử hay không để dạy học sinh. Vì thế, chất lượng dạy sử cũng “phập phù” theo từng quyết định công bố môn thi tốt nghiệp của Bộ GD-ĐT.


Câu chuyện xé đề cương ôn tập lịch sử của các em học sinh một trường THPT phía Nam khi biết tin năm nay không thi tốt nghiệp lịch sử như một giọt nước làm tràn ly, càng làm rõ bản chất học lịch sử “thời vụ” tại các trường phổ thông. Người khó tính thì đòi xử lí kỉ luật các em, nhưng đa phần thì ngao ngán. Dạy sử theo kiểu đối phó thì học sinh hành xử như vậy. Lỗi không phải ở các em.


PGS. TS. Phạm Mai Hùng cho rằng, ông không bảo vệ hay phản đối việc cho thi hay không cho thi tốt nghiệp với môn lịch sử của Bộ. Tuy nhiên trong bối cảnh Hội Khoa học lịch sử đã làm việc với Bộ GD-ĐT về chương trình hợp tác, đồng thời tổ chức hội thảo khoa học tại Đà Nẵng quy tụ trên 400 thầy cô giáo dạy lịch sử, các nhà quản lí bàn về việc dạy lịch sử để tìm ra phương pháp tối ưu nâng cao hiệu quả việc dạy và học lịch sử thì lẽ ra chúng ta phải có một bước tiến tích cực hơn thay cho việc cắt bỏ môn lịch sử trong chương trình thi tốt nghiệp như năm nay. “Có lẽ quyết định này hơi vội, cần xem xét thấu đáo hơn để sớm đưa môn lịch sử vào chương trình học và thi chính thức. Đây không chỉ là kiến nghị của riêng Hội Khoa học lịch sử mà còn của rất nhiều thầy cô giáo. Lịch sử không phải là môn học phụ để năm thì thi, năm thì không”, PGS. TS. Phạm Mai Hùng nói.


Về vấn đề cải tiến SGK, ông Hùng cho rằng chúng ta vẫn quen với “lối mòn” mà không dám mạnh dạn tạo sự đột biến trong việc biên soạn. Sau nhiều lần cải cách SGK, sự kiện số liệu trong sách vẫn rất nhiều, trong khi cái chính yếu thì học sinh lại không nhớ được. Thời gian tới, Hội Khoa học lịch sử sẽ có tọa đàm khoa học gồm các giáo sư, nhà nghiên cứu lịch sử và những người biên soạn SGK để bàn sâu hơn về việc biên soạn SGK sao cho phù hợp tình hình hiện nay và đủ sức lôi cuốn học sinh. Ngoài ra, hiện nay nước ta chưa có 1 bộ sử học chính thống quốc gia nên Hội đã đề xuất với Chính phủ để nghiên cứu biên soạn ít nhất 25 tập bộ Quốc sử Việt Nam tự cổ chí kim.


Tuy nhiên học sử từ SGK là chưa đủ, cần sử dụng di sản văn hóa để giáo dục lịch sử. “Một thời gian dài chúng ta quên mất việc sử dụng một cách tích cực các thiết chế văn hóa liên quan đến lịch sử để giáo dục các em. Gần đây, chúng tôi đề nghị việc học lịch sử từ các di sản văn hóa như là một kênh giáo dục tích cực và có đủ tính hấp dẫn với học trò”, ông Hùng cho biết thêm.


Cần vinh danh người giỏi sử


Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, các vấn đề thay đổi SGK, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên là vấn đề lâu dài. Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức về môn sử cho học sinh, thông qua việc trao tặng giải thưởng, tạo các cơ chế khuyến khích các em học sử cũng rất cần thiết. Như việc cuối tuần qua, Hội Khoa học lịch sử phối hợp với Quỹ phát triển sử học tổ chức lễ vinh danh các học sinh đoạt giải cao môn sử trong kì thi chọn học sinh giỏi QG là một hành động tích cực để cổ vũ tinh thần cho các em. Theo đó, năm nay có tổng cộng 206 học sinh đoạt giải, trong đó có 5 giải nhất, 34 giải nhì và 78 giải ba. 5 giải nhất thuộc về học sinh tại các tỉnh: Nam Định (2 giải), Ninh Bình, Hà Nam và Quảng Bình.


“Trong tình hình chung, giáo dục môn lịch sử cấp phổ thông chưa được cải cách và phần lớn học sinh chưa tìm thấy hứng thú trong học sử thì những học sinh tự nguyện thi môn sử và đạt kết quả cao là rất đáng biểu dương. Đó là nỗ lực lớn của học sinh trong việc cố gắng tự tạo ra niềm hứng khởi để nâng cao hiểu biết, rèn luyện tư duy sử học. Đó là sự quan tâm của các thầy cô đầy tâm huyết trong cải tiến phương pháp giảng dạy, tìm tòi để dẫn dắt học sinh đi vào thế giới sử học một cách hấp dẫn. Kết quả trên còn cho thấy, việc học sinh không thích môn sử không phải lỗi do các em, cũng không phải do bản thân môn sử mà là do SGK và phương pháp dạy sử hiện nay”, GS. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử nói trong buổi lễ vinh danh.


Quỹ phát triển sử học Việt Nam được thành lập từ năm 2011 và đây là năm thứ 2 Quỹ trao thưởng cho các học sinh giỏi Quốc gia môn lịch sử. “Mặc dù giải thưởng không cao nhưng chí ít đó cũng là chất xúc tác để làm yên lòng các bậc phụ huynh rằng học sử không phải là thừa, mà chính là học để chuẩn bị hành trang xây dựng đất nước. Khi thành lập quỹ này, chúng tôi hi vọng giải thưởng sẽ động viên, khích lệ tinh thần các em, giúp các em có hành trang vào đời, mặt khác, động viên các thầy cô dạy sử. Việc trao giải thưởng này không phải là giải pháp cuối cùng để giải quyết các vấn đề của giáo dục lịch sử mà thể hiện trách nhiệm của các nhà sử học đương đại đối với thế hệ tương lai của đất nước”, PGS.TS. Phạm Mai Hùng, Giám đốc Quỹ chia sẻ.


Tuy vậy, GS Phan Huy Lê cũng lo lắng khi bản thân các trường ĐH chưa tạo sự hấp dẫn để thu hút học sinh giỏi sử. Điều này thể hiện qua con số thống kê chưa đầy đủ: Chỉ có khoảng 1% trong tổng số 211 học sinh đoạt giải Quốc gia môn lịch sử năm 2012 được các trường ĐH trên cả nước miễn thi và tuyển thẳng vào các khoa có môn lịch sử. Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng cho rằng, Quỹ chỉ khích lệ, còn đãi ngộ phải đến từ toàn xã hội chứ không phải ở một vài món thưởng.


Hoàng Dương - Đan Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN