Bộ LĐTBXH đang hoàn thiện 2 dự thảo liên quan đến lĩnh vực chỉnh hình và phục hồi chức năng, gồm: Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương kỹ thuật viên chỉnh hình và Thông tư quy định công tác y tế trong các cơ sở ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.
Ông Tô Đức, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cho biết: Thực hiện Quyết định số 1942/QĐ-TTg ngày 18/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng cần trợ giúp xã hội giai đoạn 2021 - 2030, Bộ LĐTBXH đã chỉ đạo các Bệnh viện, Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng; cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy phối hợp với các cơ sở khám, chữa bệnh của ngành Y tế thực hiện công tác chăm sóc, điều dưỡng và nâng cao sức khoẻ của thương bệnh binh và người có công với cách mạng, người khuyết tật, đối tượng bảo trợ xã hội và người có hoàn cảnh khó khăn tại các cơ sở y tế lao động xã hội.
Các cơ sở y tế của ngành LĐTBXH đã nỗ lực phấn đấu và đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác nuôi dưỡng, điều dưỡng, khám chữa bệnh, chỉnh hình và phục hồi chức năng cho đối tượng, góp phần tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Theo thống kê, ngành LĐTBXH đang quản lý hơn 600 cơ sở y tế lao động xã hội, trong đó có 11 Bệnh viện, Trung tâm chỉnh hình và phục hồi chức năng; 50 Trung tâm điều dưỡng thương, bệnh binh và người có công, 425 cơ sở trợ giúp xã hội, 123 cơ sở cai nghiện ma túy. Các cơ sở y tế lao động xã hội có quy mô hơn 120.000 giường nội trú, hàng năm chăm sóc, điều dưỡng luân phiên cho hơn 700.000 đối tượng.
Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, tồn tại như: Công tác khám chữa bệnh cần nâng cao chất lượng và đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người bệnh. Nhiều cơ sở y tế lao động xã hội chưa được cấp Giấy phép hoạt động; chưa được phê duyệt danh mục kỹ thuật khám chữa bệnh. Nhiều cán bộ y tế chưa được cấp chứng chỉ hành nghề. Cơ sở vật chất, trang thiết bị tại nhiều cơ sở y tế của ngành đã xuống cấp, thiếu, hỏng nên chưa đáp ứng được yêu cầu chuyên môn. Việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học và hợp tác quốc tế trong thực hiện sản xuất dụng cụ chỉnh hình và phương tiện trợ giúp thương binh, người khuyết tật còn hạn chế. Công tác đào tạo chưa được chú trọng. Đội ngũ nhân viên y tế (đặc biệt tại các địa phương) ít được cập nhật, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn theo quy định. Thu nhập của cán bộ y tế tại các cơ sở lao động xã hội còn thấp, chưa có cơ chế thu hút, đãi ngộ đối với các bác sỹ có trình độ chuyên môn cao.
Trong giai đoạn 2021 - 2023, Bộ LĐTBXH đã phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản quan trọng, trong đó có Quyết định số 1929/QĐ-TTg ngày 25/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021 - 2030; Quyết định số 1190/QĐ-TTg ngày 5/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021 - 2030...
Trong 3 năm qua, tổng số lượt người khám ngoại trú của các Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng đạt 315.289 lượt; số lượt bệnh nhân điều trị nội trú đạt 765.450 lượt người, số bệnh nhân được phẫu thuật chỉnh hình, chấn thương, tạo hình đạt 16.986 người, số bệnh nhân phục hồi chức năng 468.293 lượt người; số bệnh nhân dưới 6 tuổi được điều trị khoảng trên 38.500 cháu. Tổng số bệnh nhân thuộc diện chính sách, diện hộ nghèo, cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa được điều trị miễn phí đạt khoảng trên 25.000 người.
Hiện nay có 9 Bệnh viện, Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng đã được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Các Bệnh viện, Trung tâm Chỉnh hình - Phục hồi chức năng đều có vị trí thuận lợi, các Khoa, Phòng và trang thiết bị kỹ thuật được thiết kế phù hợp với công năng sử dụng, từng bước đáp ứng chất lượng khám, chẩn đoán, điều trị bệnh, điều dưỡng. Hoạt động khám, điều trị ngày càng được quan tâm, đầu tư; chất lượng nuôi dưỡng, điều trị, phục hồi chức năng được nâng cao.
Để thực hiện tốt công tác y tế trong, chỉnh hình và Phục hồi chức năng trong ngành LĐTBXH, trong thời gian tới, Cục Bảo trợ xã hội tập trung chỉ đạo đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền liên quan tới phát triển y tế lao động xã hội; Nghiên cứu, đề xuất, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phát triển y tế lao động xã hội; Củng cố, hoàn thiện tổ chức của hệ thống y tế lao động xã hội; Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động; chất lượng khám, chữa bệnh, thu hút người bệnh của hệ thống y tế lao động xã hội; Tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.