Đây là khẳng định của ông Phạm Đình Toản, Đại biểu Quốc hội Khóa XIV, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội tại tọa đàm khoa học “Chính sách, pháp luật bảo vệ động, thực vật hoang dã của Việt Nam” do Văn phòng Quốc hội phối hợp với Chương trình động vật hoang dã châu Á của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức sáng 26/7 tại Hà Nội.
Việt Nam được ghi nhận là một trong những quốc gia có đa dạng sinh học cao trên thế giới với nhiều hệ sinh thái tự nhiên khác nhau, các loài sinh vật, nguồn gen phong phú đặc hữu. Các loài động vật, thực vật hoang dã có vai trò quan trọng trong việc duy trì cân bằng sinh thái, đảm bảo các hệ sinh thái là những hệ thống hoàn chỉnh; góp phần cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái cho sự phát triển bền vững, mang lại những lợi ích trực tiếp cho con người. Đây là nguồn tài nguyên thiên nhiên đóng góp to lớn cho nền kinh tế, đặc biệt là trong các ngành sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, y dược; là cơ sở đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; duy trì nguồn gen tạo giống vật nuôi, cây trồng; cung cấp vật liệu cho xây dựng và là các nguồn dược liệu, thực phẩm…
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tài nguyên đa dạng sinh học ở nước ta đang tiếp tục suy giảm do các áp lực từ biến đổi khí hậu và hoạt động của con người như sự chia cắt, thu hẹp các sinh cảnh, phá rừng, ô nhiễm môi trường, săn bắt, khai thác hủy diệt và buôn bán trái phép, không bền vững các loài động vật hoang dã. Do đó, việc tăng cường bảo tồn các loài động vật hoang dã là một trong những nhiệm vụ quan trọng.
Ông Peter Collier, Giám đốc Chương trình động vật hoang dã châu Á của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho rằng: Mặc dù Chính phủ các quốc gia khu vực châu Á đã có những nỗ lực bảo tồn động vật hoang dã nhưng tội phạm buôn bán động vật hoang dã vẫn diễn ra tràn lan. Những loài động vật hoang dã như tê tê, hổ, báo… vẫn bị giết hại bởi hành vi vi phạm pháp luật của bọn tội phạm buôn bán và nhu cầu sử dụng động vật hoang dã vẫn còn phổ biến. “Chúng tôi đã có chiến lược và chương trình cụ thể nhằm bảo vệ động vật hoang dã tại châu Á, cam kết và hỗ trợ quốc tế trong việc thực thi chính sách, pháp luật bảo vệ động, thực vật hoang dã tại Việt Nam”, ông Peter Collier nhấn mạnh.
Theo bà Sarah Fergusson, Giám đốc Văn phòng Dự án tổ chức Traffic tại Việt Nam, Việt Nam là quốc gia được bọn tội phạm buôn bán trái phép động vật hoang dã lợi dụng để chung chuyển sản phẩm động, thực vật hoang dã quý, hiếm. Trong đó có những loài động vật hoang dã đang trong tình trạng nguy cấp. Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng và triển khai thành công các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi bảo vệ động, thực vật hoang dã. Cụ thể là Việt Nam đã có nhiều chương trình bảo vệ động vật hoang dã, cải thiện hệ thống pháp luật, tăng hình phạt đối với loại tội phạm buôn bán động vật hoang dã. Từ đó đã làm thay đổi hành vi của những người sử dụng động vật hoang dã, đồng thời nâng cao nhận thức cho người dân.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu Quốc hội và lãnh đạo Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an), Cục bảo tồn đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã phân tích và đánh giá về thực trạng chính sách, pháp luật, những kết quả đã đạt được và khó khăn trong công tác bảo tồn, bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã. Các đại biểu cũng trao đổi về tầm quan trọng và những thách thức khi thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về việc không tiêu thụ các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã quý, hiếm, trong tình trạng nguy cấp cũng như đề xuất các giải pháp dài hạn nhằm tăng cường và duy trì tác động của các hoạt động truyền thông trong xã hội.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết: Thời gian qua, Ủy ban Tư pháp đã phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tiến hành giám sát tại các địa phương về công tác bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm. Kết quả quá trình giám sát cho thấy các địa phương đã rất quan tâm đến việc quản lý bảo vệ động, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm. Các cơ quan chức năng đã chỉ đạo sát sao công tác đấu tranh đối với loại tội phạm buôn bán, sử dụng động vật nguy cấp, quý, hiếm. Tuy nhiên, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân hiệu quả còn hạn chế, thể hiện rõ trong việc vẫn còn các hàng quán bày bán sản phẩm động vật hoang dã quý, hiếm; ít có tin báo của người dân trong việc thông báo đến cơ quan chức năng những vụ việc mua bán động vật hoang dã quý, hiếm. Hành vi săn bắt, vận chuyển những loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm vẫn diễn ra phổ biến…
Để đổi mới hơn nữa công tác bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học, ông Phạm Đình Toản, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng các giải pháp được đề xuất trong buổi tọa đàm này là những gợi ý quý giá trong việc tiếp tục duy trì những thành tựu đã đạt được cũng như để hoạch định những chiến lược hiệu quả hơn trong thời gian tới.
“Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự chia sẻ, hợp tác với Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế, song song với việc hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong nước nhằm chấm dứt vấn nạn buôn bán và tiêu thụ trái phép các sản phẩm từ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm, góp phần chung tay bảo tồn, bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung”, ông Phạm Đình Toản nhấn mạnh.