Nhiều dự án xử lý rác “khủng” chờ ngày về đích
Trước nhu cầu cấp thiết trong việc xử lý rác, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2017, thành phố Hà Nội đã kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Kết quả, Công ty cổ phần Năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội (Công ty Thiên Ý) đã nhận được giấy chứng nhận đầu tư, xây dựng nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý vào cuối năm 2018. Dự án được xây dựng tại Khu Liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn, Sóc Sơn (Hà Nội) có tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng do nước ngoài đầu tư và vận hành. Nhà máy đốt rác phát điện trên có công suất xử lý 4.000 tấn rác/ngày được cho là lớn nhất Việt Nam hiện nay. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ giúp giảm áp lực xử lý rác của thành phố.
Theo thông tin từ phía nhà đầu tư, dự án sử dụng công nghệ đốt rác tiên tiến của châu Âu. Dự kiến lượng điện thu được từ nhà máy khoảng 75 MW điện mỗi giờ. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, dự án này liên tục lùi thời hạn tiếp nhận rác. Trong buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội vào cuối tháng 12/2019, Công ty Thiên Ý cam kết sẽ hoàn thành dự án vào tháng 8/2020; vận hành chính thức đốt rác phát điện vào đúng dịp tháng 10/2020. Nhưng ghi nhận thực tế ở thời điểm đầu tháng 3/2021, nhiều hạng mục của dự án vẫn đang ở phần xây thô.
Lý giải về nguyên nhân chậm tiến độ nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý, phía chủ đầu tư cho rằng do dịch COVID -19 xuất hiện ở Việt Nam trong năm 2020 và đầu năm 2021 khiến cho việc thi công trở nên khó khăn hơn.
Công ty Thiên Ý cho biết đang dồn lực để thi công, trong tháng 5/2021 chắc chắn dự án tiếp nhận được rác để xử lý. Và một lần nữa, Hà Nội lại hồi hộp đếm ngược, chờ ngày khai hỏa lò đốt của nhà máy rác kể trên.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện có 3 dự án đốt rác phát điện khác cũng đang trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư. Đó là nhà máy xử lý rác công suất 1.000 tấn/ngày của liên danh T&T và Hitachizonshen đang triển khai thủ tục; nhà máy xử lý rác của Công ty TNHH Indovin Power 500 tấn/ngày đang ở bước tạm giao mặt bằng để nghiên cứu triển khai; nhá máy điện rác Seraphin công suất 1.500 tấn/ngày của Công ty cổ phần Công nghệ môi trường xanh Seraphin đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục đầu tư, dự kiến khởi công trong nửa đầu năm nay. Các nhà máy đốt rác phát điện trên đều được thành phố Hà Nội phê duyệt, xây dựng tại khu vực thị xã Sơn Tây và Ba Vì.
Còn tại xã Việt Hùng (Đông Anh), nhà máy đốt rác công nghiệp công suất 500 tấn/ngày đêm được xây dựng từ năm 2016. Đến nay, nhà máy đã cơ bản hoàn thiện với 93% hạng mục được xây dựng, lắp đặt theo phê duyệt gồm: hệ thống phân loại rác, ủ rác, sấy rác, lò đốt plasma, xử lý khói, xử lý nước thải, thu gom và xử lý mùi…, song nhà máy chưa thể hoạt động.
Theo đại diện nhà máy này, nguyên nhân một phần là do dịch bệnh COVID-19, chuyên gia của Đức và Canada chưa sang để lắp đặt và chuyển giao công nghệ. Nhưng cốt lõi và quan trọng hơn, hiện nay nhà máy và thành phố đang kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch số 609/QĐ-TTg ngày 25/4/2014 về việc cho phép nhà máy được xử lý chất thải công nghiệp, y tế nguy hại liên vùng.
“Nếu được bổ sung quy hoạch, nhà máy cam kết sẽ vận hành đốt rác vào khoảng tháng 7 năm nay, góp phần giảm tải áp lực xử lý rác cho thành phố”, đại diện nhà máy rác Việt Hùng nêu kiến nghị.
Cấp bách xử lý mùi tại các bãi rác
Trong khi chờ các nhà máy đốt rác phát điện trên chuẩn bị các thủ tục đầu tư, khởi công và hoàn thành thì Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Urenco Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp trước mắt để xử lý rác, hạn chế phát tán mùi ra môi trường.
Đó là, từ tháng 10/2020 đến nay, Urenco đã sử dụng chế phẩm Posi-shell nhập khẩu từ Mỹ, kết hợp với xi măng phun lên bề mặt rác sau khi rác được mang đến ô chôn lấp. Chế phẩm có chức năng nhằm phủ kín bề mặt rác hở, ngăn không cho mùi phát tán, tăng hiệu quả diệt công trùng, hạn chế rác bay và tách nước mưa hòa vào nước rác.
Hay, cuối tháng 12/2020, một đơn vị của Nhật Bản đã được sự đồng ý của thành phố Hà Nội thực hiện lắp đặt thí điểm máy sục na nô xử lý mùi nước rỉ rác của bãi rác Nam Sơn. Kết quả sau một tháng triển khai, ngày 28/1 dưới sự chứng kiến của cơ quan chức năng, huyện Sóc Sơn, người dân 3 xã: Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ; các đơn vị đánh giá độc lập cùng các chuyên gia, nhà khoa đều có chung nhận định mùi hôi thối chung và mùi đặc trưng đã giảm đáng kể so với trước đây.
Theo đại diện Urenco ngoài ra trong thời gian vừa qua, được sự cho phép của Sở Xây dựng Hà Nội, đơn vị đã phối hợp với một doanh nghiệp lắp đặt thí điểm thiết bị đốt khí tích tụ trong rác tại bãi Nam Sơn. Với thiết bị này, khí sẽ được thu lại sau đó dùng điện để đốt, nhằm hạn chế thấp nhất phát tán mùi hôi thối ra môi trường. Urenco cho biết thêm, nếu được thành phố Hà Nội cho phép sẽ triển khai lắp đặt tại bãi Nam Sơn, trong thời gian tới đây, góp phần đem lại hiệu quả xử lý mùi tại bãi Nam Sơn.
Nhiều năm làm việc tại bãi rác, ông Cao Xuân Thìn, Giám đốc Chi nhánh Nam Sơn (bãi rác Nam Sơn) Urenco cho biết, so với trước đây, các chế phẩm khử mùi, thuốc diệt côn trùng đều được phía đơn vị và huyện Sóc Sơn xử lý theo hướng tăng liều lượng, khối lượng từ 2 đến 4 lần, giúp giảm đáng kể mùi hôi thối phát tán từ bãi rác ra khu dân cư.
Xác định việc phát tán mùi hôi thối từ bãi rác ảnh hưởng đến đời sống của người dân quanh khu vực, năm 2020 ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ban hành văn bản số 5148/UBND-ĐT chỉ đạo khẩn khắc phục các tồn tại, hạn chế, đảm bảo vận hành an toàn bãi rác lớn nhất Thủ đô trong thời gian tới.
Theo đó, thành phố yêu cầu các ngành, địa phương liên quan thực hiện một số nội dung chính như: khắc phục mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường tại các ô chứa nước rỉ rác và tình trạng nước rỉ rác chảy ra từ các xe vận chuyển rác; giải quyết những khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải phóng mặt bằng và chính sách hỗ trợ người dân tại các khu vực bị ảnh hưởng; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, hạng mục, đảm bảo thông suốt trong việc vận hành bãi rác.
UBND huyện Sóc Sơn tập trung cao độ thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng các ô chôn lấp 1.1, 1.2 giai đoạn 2 (phạm vi 500 mét tính từ chân tường rào bãi rác) để nhằm tăng diện tích xử lý rác.
Để giải quyết những bức xúc của người dân, Hà Nội đã và đang có chính sách hỗ trợ bà con trong vùng, đẩy nhanh tiến độ di dân ra khỏi vùng bị ảnh hưởng, hỗ trợ tái định cư, đền bù giải phóng mặt bằng...
Ngoài những giải pháp trên, Hà Nội đang chỉ đạo Hợp tác xã Thành Công khẩn trương lắp đặt thiết bị cho lò đốt mới tại thị xã Sơn Tây. Dự án này được nâng công suất từ 150 tấn lên 250 tấn rác/ngày, dự kiến hoạt động vào tháng 8 năm nay, cũng góp phần đáng kể để giảm áp lực cho bãi rác Xuân Sơn lúc này.
Ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) nhìn nhận, cùng với dự án của Hợp tác xã Thành Công nếu dự án nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý “về đích” theo đúng mốc thời gian cam kết, bãi rác Nam Sơn sẽ giảm áp lực chôn lấp khoảng 2.000 tấn/ngày. Từ đó về sau giải tỏa căng thẳng diện tích chôn lấp rác cho thành phố.
Từ câu chuyện cụ thể về “khủng hoảng” thiếu đầu ra cho rác thải có thể gây “vỡ trận” khi lượng rác quá lớn, đòi hỏi Hà Nội cần có những giải pháp trọn vẹn cho bài toán rác thải trong tương lai.
Bài cuối: Ứng dụng công nghệ số xử lý rác