Nhân ngày quốc tế phụ nữ 8/3

Hỗ trợ nhóm phụ nữ yếu thế

Mặc dù còn nhiều rào cản, nhưng với những chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như sự quan tâm của toàn xã hội, cuộc sống của nhóm phụ nữ yếu thế (phụ nữ khuyết tật, phụ nữ nghèo, phụ nữ dân tộc thiểu số...) đã phần nào giảm bớt khó khăn, từng bước hòa nhập với xã hội.

Khó tiếp cận với giáo dục, việc làm

Dạy nghề may công nghiệp cho lao động nữ nông thôn tại Trường Trung cấp nghề Thạch Thành (Thanh Hóa). Ảnh: Đình Huệ - TTXVN


Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Việt Nam hiện có khoảng 6,7 triệu người khuyết tật, trong đó 3,6 triệu người khuyết tật là nữ. Đa số phụ nữ khuyết tật sống ở nông thôn với các cơ sở hạ tầng, điều kiện sống, phương tiện sinh hoạt còn nhiều thiếu thốn, do vậy họ thiếu cơ hội tiếp cận với giáo dục và đào tạo kỹ năng. 

Bên cạnh đó, mặc dù cùng là người khuyết tật nhưng phụ nữ vẫn chịu thiệt thòi hơn nam giới. Theo kết quả khảo sát, có những khó khăn và khác biệt của nam và nữ khuyết tật trong tiếp cận giáo dục, dạy nghề và tạo việc làm. Sự khác biệt này là sự kết hợp của nhiều yếu tố bao gồm cả chủ quan và khách quan, yếu tố từ bản thân người khuyết tật, yếu tố bên ngoài như: Quan hệ giữa các cá nhân trong gia đình, cộng đồng; chuẩn mực văn hóa, môi trường chính trị, kinh tế - xã hội. Do ảnh hưởng của văn hóa và nhận thức thấp, đặc biệt là tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người khuyết tật vẫn bị kỳ thị. Việc có một thành viên bị khuyết tật, đặc biệt đó là nữ khuyết tật bị xem như gánh nặng của cả gia đình. Ngược lại, nam giới khuyết tật, lại vẫn được xem như trụ cột và đóng vai trò quan trọng. 

Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) Phạm Ngọc Tiến thừa nhận: “Trong lĩnh vực hỗ trợ người khuyết tật tại Việt Nam, nhất là phụ nữ khuyết tật để họ được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội, vẫn còn nhiều hạn chế do định kiến giới của gia đình, cộng đồng xã hội”.

Tư tưởng trọng nam khinh nữ, coi nhẹ năng lực của phụ nữ... cũng là lý do cản trở phụ nữ vùng dân tộc thiểu số và miền núi tiếp cận với hệ thống an sinh xã hội như giáo dục, việc làm... Cơ sở hạ tầng còn khó khăn, địa hình bị chia cắt, thiên tai thường xuyên xảy ra là những vật cản không nhỏ cho việc phát triển giáo dục, nâng cao trình độ dân trí cho đồng bào, nhất là đối với nữ. 

Điển hình tại huyện miền núi Tương Dương (Nghệ An). Mặc dù trong kế hoạch thực hiện quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh Nghệ An đã đề ra các chỉ tiêu: Phổ cập biết chữ cho 95% nam giới và phụ nữ độ tuổi từ 15 - 40 ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. 

Tuy nhiên, do đời sống của người dân ở các vùng này còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, mặt khác, các tập quán xã hội lạc hậu đang tồn tại đã tác động một cách sâu sắc đến bình đẳng giới trong giáo dục và đào tạo, trong đó có quan niệm: Con gái không phải học nhiều, vì học cũng chẳng để làm gì sau này, lớn lên sẽ đi lấy chồng nên tình trạng tái mù chữ của phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn cao. 

Chỉ riêng huyện Tương Dương có khoảng 1.000 phụ nữ dưới 30 tuổi tái mù chữ. Theo ông Vi Tân Hợi, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, nguyên nhân của tình trạng này là do nhận thức của người dân còn yếu kém, trong khi đó, điều kiện sống chưa đầy đủ, công việc vất vả, không có thời gian. Hơn nữa, trong đời sống gia đình của người Mông, đại đa số người chồng chưa tạo điều kiện để người vợ tham gia học tập xóa mù. 

Thực tế này đã khiến chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là nguồn nhân lực nữ còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Điều này dẫn tới công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở khu vực này gặp không ít khó khăn.

Thay đổi cách nhìn của xã hội

Những năm qua, bên cạnh các chính sách, hoạt động thúc đẩy bình đẳng và trao quyền cho phụ nữ nói chung, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, chương trình và triển khai các hoạt động trợ giúp riêng để tạo điều kiện nâng cao năng lực cho phụ nữ khuyết tật, phụ nữ nghèo, phụ nữ dân tộc thiểu số... Phụ nữ, trẻ em gái thuộc nhóm đối tượng này được hưởng các chính sách ưu đãi về tín dụng, giáo dục, đào tạo, y tế, là đối tượng được ưu tiên trong các chương trình giảm nghèo, việc làm quốc gia, trong các chương trình, hoạt động thường xuyên của các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức.

Khẳng định cách nhìn nhận của xã hội đối với người khuyết tật đã có sự thay đổi từ chỗ tiếp cận theo nghĩa từ thiện, nhân đạo xã hội sang việc bảo đảm quyền của người khuyết tật, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm nhấn mạnh: "Cho con cá không bằng cho cần câu cá", để người khuyết tật có việc làm ổn định, thực sự hòa nhập được với cộng đồng rất cần sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng ở địa phương và toàn xã hội. 

Thực hiện Quyết định số 1019/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020, năm 2013, cả nước đã dạy nghề cho khoảng 80.000 người khuyết tật từ các chương trình mục tiêu quốc gia dạy nghề và việc làm, chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn... với sự vào cuộc của các bộ, ban ngành, đoàn thể. Nhiều chị em phụ nữ khuyết tật đã tìm được công việc phù hợp với sức khỏe và khả năng của mình.

Năng lực, vị thế của người phụ nữ nói chung và phụ nữ nói riêng còn được khẳng định thông qua sự tự chủ trong đời sống kinh tế, việc làm, thu nhập của chính họ. Bởi vậy, một trong những hoạt động nâng cao năng lực cho phụ nữ khuyết tật nghèo mà Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thực hiện, là việc chỉ đạo xây dựng 20 mô hình phụ nữ tự lực tại một số tỉnh, thành trong cả nước. Thông qua đó, phụ nữ khuyết tật được giao lưu, chia sẻ, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng trong cuộc sống, công việc, được cung cấp thông tin, kiến thức về quyền của người khuyết tật, được tư vấn, dạy nghề, giới thiệu việc làm... từng bước giúp chị em xóa bỏ mặc cảm, phấn đấu vươn lên khẳng định mình.

Để nhóm phụ nữ yếu thế phát huy khả năng

Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, bà Nguyễn Thị Minh Hương (ảnh), Trưởng Ban Tuyên giáo (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) nhấn mạnh, Hội sẽ tăng cường phối hợp giám sát việc thực hiện các chính sách về phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới cũng như đề xuất, tham mưu với Đảng, Nhà nước những giải pháp cụ thể tùy theo từng nhóm đối tượng, nhằm tạo điều kiện cho phụ nữ phát huy vai trò của mình.

* Trong thời gian qua, để hỗ trợ cho nhóm phụ nữ yếu thế (phụ nữ khuyết tật, phụ nữ nghèo, phụ nữ bị bạo hành, phụ nữ vùng dân tộc thiểu số...), Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã triển khai những chương trình, hành động cụ thể nào, thưa bà? 

Những phụ nữ yếu thế, vì các lý do khác nhau, có thể có những khó khăn trong cuộc sống nhưng họ đều là những người có nghị lực sống và mong muốn vươn lên. Vì vậy, cách tiếp cận của Hội là hỗ trợ, tạo điều kiện để họ phát huy được hết khả năng của mình, tự tin, có năng lực xây dựng cuộc sống ổn định, hạnh phúc. 

Hiện nay các cấp Hội đang triển khai nhiều hoạt động, hỗ trợ phù hợp theo đặc thù của từng nhóm đối tượng, ví dụ với phụ nữ khuyết tật chúng tôi triển khai các mô hình nhóm tự lực, nâng cao năng lực, nhận thức cho phụ nữ khuyết tật; giúp chị em hòa nhập tốt với cuộc sống, cải thiện đời sống vật chất tinh thần của chị em. 

Đối với phụ nữ nghèo, Hội tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế thông qua các hoạt động tín dụng, tiết kiệm, dạy nghề, hình thành các mô hình kinh tế tập thể để tạo việc làm ổn định cho phụ nữ. Tại vùng dân tộc thiểu số, Hội đã và đang triển khai hiệu quả Đề án “Cấp Báo phụ nữ Việt Nam không thu tiền cho Hội Liên hiệp phụ nữ xã, Chi hội phụ nữ các xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu, xã biên giới thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn III, Chi hội phụ nữ thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II và khu vực I”, góp phần cung cấp thông tin trên nhiều lĩnh vực và tuyên truyền phổ biến kịp thời các chính sách mới của Đảng, Nhà nước tới các cấp Hội cơ sở và hội viên, phụ nữ dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, Hội cũng đang triển khai nhiều mô hình hỗ trợ cho phụ nữ bị bạo lực gia đình, bị buôn bán trở về, trong đó trực tiếp tại Trung ương Hội có 2 mô hình “Nhà bình yên” đã giúp đỡ, tư vấn cho hàng ngàn lượt phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình, bị buôn bán trở về đến từ các tỉnh, thành phố. Tại các xã/phường/thị trấn, hiện có gần 5.000 “Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng” để tư vấn và hỗ trợ các chị em là nạn nhân hoặc có nguy cơ bị bạo lực gia đình. 

Ngoài ra, với những đối tượng gặp khó khăn các cấp Hội còn hỗ trợ xây dựng mái ấm tình thương. Từ 2008 đến nay, các cấp Hội đã huy động, vận động, ủng hộ được trên 292 tỷ đồng, xây được hơn 21.500 Mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo, đơn thân, khuyết tật, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có nhà ở ổn định, an cư, lạc nghiệp... 

* Với vai trò là tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của phụ nữ, trong thời gian tới, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam sẽ có những đề xuất, tham mưu gì với Đảng, Nhà nước để giúp đỡ cho nhóm phụ nữ yếu thế trong xã hội?

Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách, pháp luật về phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới, vì vậy Hội LHPN Việt Nam sẽ tăng cường công tác phối hợp giám sát việc thực hiện các chính sách đó cũng như đề xuất tham mưu những chính sách tạo điều kiện cho phụ nữ phát huy vai trò của mình trong đời sống xã hội. Tùy theo từng nhóm đối tượng mà chúng tôi đề xuất những giải pháp, chính sách phù hợp.

Với kết quả hoạt động trong thời gian qua, chúng tôi mong Chính phủ sẽ tăng cường chỉ đạo cơ quan quản lý Nhà nước về công tác phòng chống tội phạm, ma túy, mại dâm, phòng chống bạo lực gia đình, tích cực phối hợp với các đoàn thể thực hiện công tác phòng, chống các vấn đề trên đạt hiệu quả. 

Đối với vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, cần tăng cường và nâng cao hiệu quả chính sách tạo việc làm, thu hút nữ lao động. Đồng thời, các cấp, các ngành cần cân đối bổ sung ngân sách cho các hoạt động đào tạo cho phụ nữ, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và trẻ em, khu vui chơi giải trí cho trẻ em...

* Xin cảm ơn bà!


Thu Phương - TTN

Phụ nữ tìm cách 'tiếm ngôi' nam giới trên tiền giấy
Phụ nữ tìm cách 'tiếm ngôi' nam giới trên tiền giấy

Tiền Mỹ đề cao thành tựu của các cựu tổng thống và người lập quốc. Danh sách người được in lên tiền Mỹ có rất ít phụ nữ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN