Hình thành 'núi rác lộ thiên' mới dưới chân Vành đai 2 và ven bờ sông Tô Lịch

Dọc đường Bưởi và phố Nguyễn Đình Hoàn nối phố Quan Hoa chạy men theo 2 bờ sông Tô Lịch dưới chân đường Vành đai 2 thuộc phương Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội, đang hình thành những "núi rác lộ thiên" mới trên nền núi rác cũ đã được các đơn vị vệ sinh môi trường địa phương dọn dẹp, phát quang trước đây.

Nếu các cấp chính quyền cơ sở và các đơn vị vệ sinh môi trường địa phương không có biện pháp xử lý dứt điểm, những núi rác lộ thiên này sẽ tiếp tục "phình to" ra, gây ô nhiễm môi trường sống, gây mất mỹ quan đô thị và khiến dư luận bức xúc.

Video Hình thành 'núi rác lộ thiên' mới dưới chân Vành đai 2 và ven bờ sông Tô Lịch:

Như báo Tin tức đã phản ánh từ cuối tháng 4/2024, núi rác lộ thiên dưới chân đường Vành đai 2 chạy dọc đường Bưởi được hình thành từ lâu, dài cả trăm mét, nằm lẫn lộn trong rừng cây bụi cỏ dại mọc ùm tùm, che lấp ta luy chân đường vành đai, vỉa hè và cầu thang bộ hành. Không ít người dân thiếu ý thức vẫn lén lút lợi dụng đêm tối, thời điểm vắng bóng công nhân vệ sinh môi trường, vứt đủ loại rác thải sinh hoạt, coi đây núi rác lộ thiên. Nhiều người tham gia giao thông qua khu vực này đều bức xúc, ngao ngán, bịt mũi bởi mùi xú uế, ô nhiễm môi trường từ núi rác bốc lên.

Chú thích ảnh
Rừng cây bụi, cỏ dại um tùm và núi rác cũ... che khuất tầm nhìn giao thông tại khu vực chân đường Vành đai 2 trước đây đã được phát quang từ tháng 4/2024.
Chú thích ảnh
Sau khoảng 4 tháng phát quang, không gian chân đường Vành đai 2 trở nên thoáng đãng...
Chú thích ảnh
... nhưng cầu thang dành cho người đi bộ vẫn nhếch nhác bởi các loại rác thải, xuống cấp bỏ hoang, không ai dám đi lại.
Chú thích ảnh
Và núi rác lộ thiên mới bắt đầu hình thành trên vỉa hè đường Bưởi dưới chân Vành đai 2...
Chú thích ảnh
​... gây ô nhiễm môi trường, nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị, vằng bóng người đi bộ.

Ngay sau đó, núi rác lộ thiên này đã được các cơ quan chức năng địa phương phối hợp với các công ty môi trường đô thị phát quang bụi rậm, dọn dẹp xử lý rác thải, trả lại cảnh quan môi trường khu vực chân đường Vành đai 2 và hai bờ sông Tô Lịch. Tuy nhiên đến nay tại khu vực này, ngay trên vỉa hè đường Bười đang tiếp tục hình thành núi rác lộ thiên mới, với đủ loại rác thải tập kết hàng ngày... như hình ảnh phóng viên ghi nhận.

Thậm chí, ngay sau những tấm biển pano, áp phích cổ động, tuyên truyền người dân địa phương ở ngay đầu phố Nguyễn Đình Hoàn: "Hãy bỏ rác đúng nơi quy định", "Hãy bỏ rác vào túi buộc kín", "Không vứt rác bừa bãi", "Vì Thủ đô văn minh, sạch đẹp"... rác thải hàng ngày vẫn được bồi đắp. Nhiều vị trí trên tuyến đường được công nhân, nhân viên môi trường đô thị quây tôn thành khu vực tập kết xe thùng thu gom rác, cũng hình thành các bãi rác lộ thiên tại chỗ.

Chưa hết, các cấp chính quyền, cấp hội, tổ dân phố cơ sở còn cắm biển "Cấm đổ rác, bắt được phạt từ 3 - 5 triệu đồng", "Nghiêm cấm các hành vi đổ trái phép rác và khu vực có gắn camera giám sát"... ngay tại những núi rác lộ thiên này, nhưng không phát huy được tác dụng răn đe.

Chú thích ảnh
Thậm chí, nhiều người thiếu ý thức còn "lén lút" vứt đủ loại rác thải khó xử lý ra khu vực này.
Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Văn Cường (người dân phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy), bức xúc khi nhiều lần chứng kiến những người thiếu ý thức đổ rác bừa bãi.
Chú thích ảnh
Những cột bê tông chơ sắt tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người dân trên vỉa hè đường Bưởi ngay cạnh núi rác lộ thiên mới.
Chú thích ảnh
UBND phường sở tại cắm biển nghiêm cấm xả rác, có camera giám sát tại khu vực chân đường Vành đai 2, nhưng không có tác dụng.
Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Biển "Cấm Đổ Rác" của các cấp hội cơ sở tại đây không có tác dụng răn đe.
Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Việc tập kết rác, đốt rác tại chỗ trên đường Bưởi dưới chân Vành đai 2 càng gây thêm ô nhiễm môi trường và nhếch nhác đô thị.

Mục sở thị mới thấy hãi hùng trước đủ loại rác thải, phế thải sinh hoạt, xây dựng... Do tồn đọng lâu ngày, vào ngày mưa, nước rỉ rác từ các bãi rác chảy thẳng xuống lòng đường, sông Tô Lịch, vào ngày nắng bốc mùi ô nhiễm, trở thành nơi trú ngụ của chuột bọ, ruồi muỗi, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mầm bệnh lây lan...

Không ít người dân sinh sống trong khu vực phản ánh và cho rằng các cơ quan chức năng cần tăng cường "phạt nguội" qua các camera giám sát, xử lý thích đáng các hành vi lén lút vi phạm để răn đe theo quy định pháp luật đối với các đối tượng xả rác ra môi trường, nhất là trong bối cảnh rác thải gây ô nhiễm ngày càng gia tăng, ngành Môi trường đang vận động toàn dân tự giác nâng cao ý thức phân loại rác thải tại nguồn hiện nay.

Thực tế hàng ngày, TP Hà Nội phát sinh khối lượng lớn rác thải các loại, nhưng thay vì được phân loại, xử lý riêng, những loại rác thải này được xử lý lẫn với nhau, gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống. Theo đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco), TP Hà Nội đã ban hành định mức, đơn giá xử lý rác thải, nhưng để hoàn thiện quy trình xử lý cần có giải pháp tổng thể từ chính sách pháp luật, quản lý tổng hợp đến giải pháp kỹ thuật, công nghệ...

Chú thích ảnh
Điểm tập kết xe thùng chở rác được các đơn vị vệ sinh môi trường địa phương quây tôn che chắn cũng trở thành những núi rác lộ thiên.
Chú thích ảnh
Chạy dọc phố Nguyễn Đình Hoàn - Quan Hoa men theo bờ sông Tô Lịch không khó ghi nhận những núi rác thải hình thành.
Chú thích ảnh
Những bụi cây rậm rạp ven bờ sông Tô Lịch trên phố Quan Hoa là điểm vứt các loại rác thải "lý tưởng" của không ít người thiếu ý thức.
Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Núi rác hình thành tại điểm tập kết vật liệu xây dựng ven bờ sông Tô Lịch trên phố Quan Hoa.
Chú thích ảnh
Những tấm áp phích cổ động, tuyên truyền người dân địa phương ở đầu phố Nguyễn Đình Hoàn: "Hãy bỏ rác đúng nơi quy định", "Hãy bỏ rác vào túi buộc kín", "Không vứt rác bừa bãi", "Vì Thủ đô văn minh, sạch đẹp"... chưa phát huy tác dụng.

Nghị định 55/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Hành vi vứt rác bừa bãi nơi công cộng sẽ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 500.000 - 4.000.000 đồng/trường hợp, tùy mức độ vi phạm. Vấn nạn rác thải vứt bừa bãi trên đường phố Hà Nội hiện nay là chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" và sẽ không có hồi kết, nếu ý thức tự giác xử lý rác thải tại nguồn của người dân không được nâng cao.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng đã ký Công điện về việc tăng cường đảm bảo vệ sinh môi trường trong công tác thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn thành phố, yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác duy trì vệ sinh môi trường; tập trung thực hiện các nội dung, chỉ tiêu về tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm cá nhân trước Thành ủy, HĐND, UBND thành phố về chất lượng công tác vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn quản lý.

Nhóm PV
Hàng loạt tuyến phố ở Cầu Giấy trở thành điểm tập kết rác thải
Hàng loạt tuyến phố ở Cầu Giấy trở thành điểm tập kết rác thải

Quy trình vận chuyển, xử lý rác chậm cộng với ý thức một bộ phận người dân còn kém dẫn đến tình trạng rác thải, xe tập kết rác chiếm dụng nhiều tuyến phố ở quận Cầu Giấy (Hà Nội); gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN