Ý thức người dân trong việc quản lý rác thải, bao bì nông nghiệp chưa cao, dẫn đến tình trạng ô nhiễm kênh mương, môi trường tự nhiên. Tình trạng trên được cải thiện khi chính quyền địa phương, Hội Nông dân triển khai lắp đặt các bể (thùng) chứa rác thải bảo vệ thực vật tại điểm thuận lợi. Nhờ đó, người dân dần hình thành thói quen thu gom, xử lý rác thải, chai lọ từ thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng đúng nơi quy định, góp phần bảo vệ môi trường.
Những năm gần đây, thu gom rác thải bảo vệ thực vật sau khi sử dụng tại Khánh Hòa trở thành hoạt động quan trọng nhằm bảo vệ môi trường và nâng cao nhận thức người dân về sự cần thiết của việc quản lý rác thải nông nghiệp.
Men theo con đường ra cánh đồng lúa của các huyện Diên Khánh, Vạn Ninh dễ dàng nhận thấy những thùng bê tông chứa rác thải bảo vệ thực vật. Các con kênh, mương dẫn nước tưới cho đồng ruộng trong xanh, không còn rác thải, chai lọ trôi nổi như trước đây.
Ông Huỳnh Văn Năm, một người dân sống tại thôn Hoài Phước, xã Bình Lộc, huyện Diên Khánh chia sẻ, trước đây, khi chưa có thùng chứa rác thải bảo vệ thực vật do chính quyền địa phương lắp đặt, người dân thường vứt bừa bãi bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng, gây ô nhiễm môi trường. Từ khi chính quyền địa phương quan tâm, triển khai lắp đặt các bể, thùng chứa rác thải bảo vệ thực vật, ý thức của bà con được nâng cao đáng kể. Người dân có thói quen gom rác thải bảo vệ thực vật đúng nơi quy định và chờ đơn vị thu gom đến xử lý.
Hội Nông dân xã Bình Lộc, huyện Diên Khánh đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức người dân. Ông Hồ Văn Đài, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Hòa Phước, xã Bình Lộc cho biết, trước năm 2022, tình trạng rác thải bảo vệ thực vật bị vứt bừa bãi trên cánh đồng khá phổ biến. Từ năm 2023, nhờ việc lắp đặt các bi cống tại những điểm thuận tiện cho việc sử dụng thuốc và thu gom rác thải, môi trường được cải thiện rõ rệt. Qua đó, ý thức người dân về bảo vệ môi trường được nâng cao.
Ông Đinh Minh Trang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Lộc cho biết thêm, để nâng cao nhận thức người dân trong việc bảo vệ môi trường, chính quyền địa phương phối hợp cơ quan liên quan tổ chức lớp tập huấn sử dụng, thu gom rác thải bảo vệ thực vật đúng nơi quy định. Năm 2022, Hội Nông dân xã mở 2 lớp tập huấn với sự tham gia của 120 hội viên. Sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, rác thải được bà con tự giác thu gom vào các chỗ chứa được bố trí sẵn trên đồng ruộng.
Trong Bộ tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, đối với xã nông thôn mới nâng cao, tiêu chí về môi trường quy định tỷ lệ chất thải rắn nguy hại trên địa bàn phải được thu gom, vận chuyển và xử lý, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường đạt 100%.
Với sự hỗ trợ từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa, năm 2023, chính quyền địa phương ký hợp đồng với công ty chuyên thu gom, xử lý rác thải, giúp xử lý hơn 80% rác thải bảo vệ thực vật tại xã Bình Lộc, huyện Diên Khánh. Hiện trên toàn xã có 50 thùng chứa rác thải bảo vệ thực vật, được đặt tại vị trí thuận lợi, dễ dàng cho việc thu gom.
Theo ông Trần Thiện Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Khánh Hòa, toàn tỉnh có diện tích trồng trọt lên tới hơn 90 nghìn ha, lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng hằng năm khoảng 350 tấn; trong đó, tỷ lệ bao bì chiếm khoảng 10%. Trước tình hình này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai mô hình tuyên truyền việc sử dụng, thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng.
Từ năm 2022, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Khánh Hòa tổ chức khoảng 20 lớp tuyên truyền mỗi năm cho người dân về cách sử dụng hiệu quả thuốc bảo vệ thực vật và thu gom bao bì sau khi sử dụng.
Theo Thông tư 25/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với diện tích canh tác lớn, việc bố trí các bể chứa rác thải bảo vệ thực vật trên đồng ruộng là rất cần thiết. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hạn chế, số lượng bể chứa vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu, dẫn đến việc một số người dân chưa có ý thức cao trong việc thu gom rác thải bảo vệ thực vật.
UBND tỉnh Khánh Hòa thông tin, giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh sẽ xây dựng 810 bể, mỗi bể có dung tích 1m3 bằng vật liệu xi măng, cát, có đáy và nắp đậy, đảm bảo không thấm nước, bên ngoài bể có ghi dòng chữ “bể chứa bao thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng” và biểu tượng cảnh báo nguy hiểm theo quy định.
Việc lắp đặt các thùng thu gom rác thải bảo vệ thực vật tại Khánh Hòa mang lại hiệu quả tích cực. Nhờ các biện pháp này, lượng rác thải bảo vệ thực vật bị vứt bừa bãi trên đồng ruộng giảm đáng kể, giúp cải thiện môi trường sống, bảo vệ nguồn nước. Đồng thời, ý thức người dân trong việc bảo vệ môi trường được nâng cao, tạo nên cộng đồng nông thôn xanh, sạch và bền vững hơn. Những nỗ lực này không chỉ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực của rác thải nông nghiệp mà còn đóng góp quan trọng trong việc xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho thế hệ sau.