Các lớp dạy chữ Khmer vào mỗi dịp hè có ý nghĩa rất lớn trong việc giúp đồng bào Khmer, tỉnh Sóc Trăng bảo tồn, phát triển tiếng nói, chữ viết của dân tộc. Ảnh tư liệu: Chanh Đa/TTXVN
Theo lãnh đạo Tỉnh ủy Sóc Trăng, toàn tỉnh có 131 trường có dạy tiếng Khmer với 1.670 lớp (kể cả các trường phổ thông dân tộc nội trú), 44.186 học sinh. Riêng về dạy tiếng và chữ Hoa, toàn tỉnh có 4 trường với 51 lớp, 1.293 học sinh.
Từ năm 2019 đến nay, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 17/2019/NQ-HĐND ngày 6/12/2019 quy định chính sách đặc thù hỗ trợ người dạy tiếng và chữ Khmer vào dịp hè; tiếng và chữ Hoa tại các trường ngoài hệ thống các trường công lập ở tỉnh. Mức chi hỗ trợ cho người đứng dạy tiếng và chữ Khmer, Hoa theo quy định 40.000 đồng/1 tiết.
Đại đức Sơn Phước Lợi, Trụ trì chùa Ô Chum (thị xã Ngã Năm) cho biết, hàng năm vào các dịp hè, nhà chùa mở các lớp (dạy chữ Khmer) với trên 100 học sinh là con, em của người dân tộc ở địa phương tham gia học. Đa phần hoàn cảnh gia đình các em còn nhiều khó khăn, nhưng các em theo học nghiêm túc và cố gắng với mong muốn giữ gìn chữ viết, tiếng nói của dân tộc mình. Nghị quyết số 17 đã tạo điều kiện cho người dạy chữ và tiếng nói dân tộc thiểu số thêm động lực trong giảng dạy. Đồng thời thể hiện sự quan tâm, tạo mọi điều kiện của chính quyền địa phương cho nhà chùa, địa phương và đồng bào Khmer.
Đại đức Lâm Hiệp, Trụ trì chùa Tum Núp (huyện Châu Thành) cho biết, để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, tiếng nói, chữ viết của đồng bào Khmer, hàng năm, chùa tổ chức dạy, học chữ viết, tiếng nói cho các vị sư (tu tại chùa) và một số chùa lân cận. Việc dạy, học tiếng Khmer luôn được chính quyền địa phương, phật tử ủng hộ, khuyến khích, tạo điều kiện về cơ sở vật chất cho nhà chùa. Đại đức Lâm Hiệp cảm ơn sự quan tâm của chính quyền địa phương trong việc tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc Khmer giữ gìn, phát huy được tiếng nói, chữ viết và bản sắc văn hóa của dân tộc.
Ông Lâm Hoàng Mẫu, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng cho biết, giai đoạn 2020 – 2025, toàn tỉnh có 86 chùa phật giáo Nam tông Khmer tổ chức dạy tiếng Khmer trong dịp hè, với 1.258 lớp dạy, 30.532 trẻ em dân tộc Khmer tham gia học tập. Tỉnh đã quan tâm hỗ trợ cho 1.258 người tham gia giảng dạy (nhà sư và Achar) kinh phí trên 9,4 tỷ đồng. Đối với tiếng Hoa và chữ Hoa, tỉnh đã hỗ trợ cho 155 giáo viên với kinh phí trên 2,52 tỷ đồng.
Ông Lâm Hoàng Mẫu cũng cho biết, Nghị quyết số 17 là một chính sách rất thiết thực, kịp thời được đồng bào dân tộc thiểu số đồng tình cao. Qua đó khẳng định sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là lĩnh vực giáo dục nhằm bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số. Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng đang kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện chính sách trong giai đoạn 2025 – 2030 nhằm phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, tiếng nói, chữ viết của của đồng bào.