Giảm sâu cả 3 tiêu chí
Theo số liệu tổng hợp từ Văn phòng Bộ Công an và Cục Hàng hải Việt Nam, 6 tháng đầu năm nay (từ 15/12/2019 - 14/6/2020), toàn quốc xảy ra 6.790 vụ tai nạn giao thông, làm chết 3.242 người, bị thương 4.939 người. So với cùng kỳ năm ngoái, giảm 1.595 vụ tai nạn giao thông (hơn 19%), số người chết giảm 568 người (gần 15%), số người bị thương giảm 1.419 người (22,3%). Trong đó, va chạm giao thông xảy ra 2.926 vụ, làm bị thương nhẹ 3.008 người; tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên xảy ra 3.864 vụ, làm chết 3.242 người, bị thương 1.931 người.
Phân tích các vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên cho thấy, có đến 97,7% xảy ra trên tuyến đường bộ, với 3.775 vụ, làm chết 3.165 người, bị thương 1.918 người. Tuy nhiên, con số này lại có những chuyển biến tích cực khi so với cùng kỳ năm trước giảm tới 523 vụ (hơn 12%), giảm 573 người chết (15,3%), giảm 371 người bị thương (hơn 16%).
Cùng với tuyến đường bộ, tuyến đường sắt cũng có mức giảm sâu cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương. 6 tháng đầu năm đã xảy ra 44 vụ, làm chết 37 người, bị thương 9 người. So với cùng kỳ năm trước giảm 31 vụ (41,3%), giảm 16 người chết (hơn 30%), giảm 21 người bị thương (70%). Trong khi đó, trên tuyến đường thủy và hàng hải, tai nạn giao thông tăng cao cả về số vụ và số người chết, mất tích (từ 16,7% đến 133,3%).
Có 47 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ năm 2019, trong đó 7 địa phương giảm trên 40% là: Cà Mau, Lâm Đồng, Hậu Giang, Điện Biên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hải Phòng. Tuy nhiên, vẫn còn 14 địa phương có số người chết do tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ 2019, trong đó 8 tỉnh tăng trên 15% là: Đắk Nông, Ninh Thuận, Hòa Bình, Bạc Liêu, Kon Tum, Bến Tre, Phú Yên, An Giang.
Ý thức chấp hành quy định về nồng độ cồn được nâng cao
Về những kết quả tích cực trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ đầu năm đến nay, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, đó là nhờ sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương trong triển khai các nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông, với sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của ngành Công an, Giao thông, các cơ quan báo chí và chính quyền địa phương trong chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác tuyên truyền và cưỡng chế.
Từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý, cả nước tập trung ưu tiên thực hiện các giải pháp phòng, chống đại dịch COVID-19, tạm dừng, giãn, hoãn, nhiều hoạt động kinh tế, xã hội, giảm thiểu nhu cầu đi lại và các hoạt động vận tải không thiết yếu, nhu cầu và mật độ giao thông trên toàn quốc giảm rõ rệt. Bên cạnh đó, mặc dù trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trong những tháng đầu năm, phải dàn trải nhân lực tham gia chống dịch, nhưng lực lượng Công an vẫn tổ chức triển khai quyết liệt các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, thực hiện tốt các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo đúng khuyến cáo của Bộ Y tế, nhất là trong hoạt động kiểm soát, xử lý vi phạm đối với vi phạm nồng độ cồn.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Năm An toàn giao thông 2020 với chủ đề “Đã uống rượu bia, không lái xe”. Ngay từ ngày đầu tiên của năm, với nòng cốt là lực lượng Công an, cả nước đã ra quân quyết liệt thực hiện Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt), tạo sự chuyển biến tích cực về ý thức và hành vi của người tham gia giao thông từ thành thị, đến nông thôn, từ miền núi đến hải đảo, là động lực quan trọng kéo giảm tai nạn giao thông và thực sự đưa Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đi vào đời sống.
Thực tế trên cho thấy, những quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia và Nghị định số 100 là phù hợp với thực tiễn và có hiệu lực răn đe cao. Ý thức chấp hành quy định về nồng độ cồn của người dân được nâng cao và chuyển biến rõ rệt, vi phạm quy định về nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông giảm hẳn. Theo số liệu từ Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), 6 tháng đầu năm, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử phạt 86.044 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Còn tâm lý chủ quan, khinh nhờn pháp luật
Ông Khuất Việt Hùng cho rằng, tai nạn giao thông tuy giảm sâu, nhưng thiệt hại vẫn còn cao do các vụ tai nạn xe tải nặng, ô tô đầu kéo, xe chở container tăng đột biến so với cùng kỳ. Các vụ điển hình là: Xe tải chở quá tải trọng va chạm liên hoàn gây tai nạn giao thông tại Đắk Nông ngày 13/6 đã làm 5 người chết; xe đầu kéo chở container đựng vật liệu xây dựng vi phạm quy định gây tai nạn giao thông tại Quảng Ninh ngày 18/6 làm 3 người chết. Tai nạn giao thông do phương tiện dân sinh, phương tiện đánh bắt hải sản hoạt động trên tuyến luồng đường thủy nội địa, hàng hải tăng cao, còn xảy ra một số vụ đặc biệt nghiêm trọng trên đường thủy như tại Quảng Nam xảy ra 2 vụ làm chết 11 người. Lĩnh vực hàng không dân dụng đã xảy ra 25 sự cố, trong đó có 2 sự cố nghiêm trọng (mức B), 3 sự cố uy hiếp an toàn cao (mức C).
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng cho rằng, dù đã có chuyển biến, nhưng số vụ vi phạm quy định về nồng độ cồn vẫn ở mức cao, vẫn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông do nguyên nhân uống rượu bia gây ra. Ngoài ra, ý thức của một bộ phận người điều khiển phương tiện chưa cao, khi lực lượng chức năng dừng phương tiện để kiểm tra đã có những lời nói, hành động chống đối, bất hợp tác, không chấp hành, nhất là khi được kiểm tra nồng độ cồn, có những trường hợp người vi phạm trốn tránh không xuất trình giấy phép lái xe, bỏ lại phương tiện. Việc thực hiện Nghị định số 100 vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc về thủ tục, ví dụ thủ tục xử phạt liên quan đến thẩm quyền xử phạt đối với hành vi điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức 3 phải trình Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phạt, trong khi chưa áp dụng được công nghệ trong quá trình làm thủ tục, do đó nhiều trường hợp không đảm bảo yêu cầu về thời gian theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Bên cạnh đó là tình trạng thanh thiếu niên tụ tập chạy xe mô tô tốc độ cao lạng lách, đánh võng, có dấu hiệu đua xe và chống người thi hành công vụ xảy ra ở một số địa phương, lực lượng chức năng đã xử lý nhưng vẫn còn tồn tại. Đặc biệt là tại Thành phố Hồ Chí Minh, xảy ra vụ việc đám đông thanh, thiếu niên mang hung khí chạy xe máy trên đường, uy hiếp an toàn giao thông và trật tự xã hội, gây tâm lý hoang mang, bức xúc trong nhân dân.
Đề cập đến nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên, ông Khuất Việt Hùng cho hay, từ khi cả nước bắt đầu tập trung chống dịch COVID-19, một bộ phận người tham gia giao thông cho rằng lực lượng chức năng tập trung cho công tác này, giảm tuần tra, xử phạt, dẫn đến tâm lý chủ quan, coi thường pháp luật, ngang nhiên lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn, chạy quá tốc độ, sai phần đường, làn đường, lạng lách, đua xe trái phép, lái xe vượt đèn đỏ, đi mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm…, gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông có hậu quả rất nghiêm trọng. Cấp uỷ, chính quyền và lực lượng chức năng ở một số địa phương cũng còn nhận thức chưa đúng, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo và thực hiện các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Ở một số địa phương, việc kết hợp giữa bảo đảm trật tự an toàn giao thông với phòng, chống dịch chưa hiệu quả.