Đây là thông tin được đưa ra trong báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đưa ra ngày 22/3 vào đúng dịp ngày Nước thế giới, là tiếng chuông cảnh báo đối với quyền tiếp cận với nước và dịch vụ vệ sinh được quốc tế công nhận.
Theo UNICEF, việc thiếu nước sạch thậm chí còn nguy hiểm hơn đối với những trẻ dưới 5 tuổi. Theo đó, tỷ lệ tử vong ở lứa tuổi này do không được tiếp cận với nguồn nước đủ tiêu chuẩn còn có thể cao gấp hơn 20 lần tỷ lệ tử vong do bạo lực. Đặc biệt, trẻ em dễ bị tử vong do mắc các bệnh liên quan đến tiêu chảy khi xung đột cản trở việc tiếp cận nguồn nước sạch.
Để có thể đưa ra được kết luận trên, các chuyên gia UNICEF đã thống kê và nghiên cứu tác động của việc thiếu nước sạch và vệ sinh đối với trẻ em ở 16 nước đang trải qua xung đột, trong đó có Myanmar, Afghanistan và Yemen. Thống kê cho thấy trong giai đoạn từ năm 2014-2016, có tới 85.000 trẻ em tử vong do mắc bệnh tiêu chảy mà nguyên nhân chủ yếu là do chất lượng nước không đảm bảo, thiếu điều kiện vệ sinh. Trong khi đó, số trẻ thiệt mạng do xung đột chỉ là 31.000 trẻ.
Tổ chức Bác sĩ Không Biên giới (MSF) khẳng định kết luận này không phải là điều gây ngạc nhiên, bởi thiếu nước sạch và vệ sinh lâu nay vẫn là một trong những nguy cơ lớn nhất đối với cộng đồng, đặc biệt là trẻ em nhỏ - có hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh để chống chọi với các vi khuẩn có thể gây ra bệnh tiêu chảy. Theo Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ, các bệnh liên quan đến tiêu chảy là nguyên nhân cao thứ 2 khiến trẻ em dưới 5 tuổi tử vong do trẻ dễ mất nước hơn người lớn.
Trên thực tế, tại các vùng xảy ra xung đột, việc tiếp cận nguồn nước còn nhiều rủi ro trong đó có việc dễ bị bắn hoặc tấn công tình dục, và nước có thể còn bị ô nhiễm.