Hiểm họa cháy nổ từ kinh doanh hóa chất

Việc quản lý và kinh doanh các loại hóa chất trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vẫn gặp nhiều khó khăn. Từ đầu năm đến nay, thành phố xảy ra 4 vụ cháy nổ do hóa chất làm chết 7 người và bị thương 11 người, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

Việc kinh doanh, sang chiết hóa chất một cách tràn lan như hiện nay tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ lớn.


"Bom nổ chậm” trong khu dân cư

Hiện nay, việc kinh doanh hóa chất trên địa bàn TP Hồ Chí Minh rất lộn xộn và hầu hết các điểm kinh doanh này đều nằm trong khu dân cư. Đặc biệt, khu vực chợ Kim Biên (quận 5) được xem như “kho bom nổ chậm” khi có đến hàng trăm loại hóa chất được bày bán tràn lan, người bán vô tư sang chiết hóa chất ngay tại chỗ... Tại các tuyến đường xung quanh chợ Kim Biên như: Vạn Tượng, Phan Văn Khỏe, Phùng Hưng... các cửa hàng bán hóa chất nằm san sát nhau, không lối thoát hiểm, mật độ dân cư lúc nào cũng đông đúc. Một số chung cư ở gần đây cũng tận dụng mặt bằng để kinh doanh hóa chất. Nếu không may xảy ra cháy nổ, rất dễ dẫn đến tình trạng cháy nổ theo dây chuyền.

Bà Nguyễn Thị Bé, một người dân sống ở khu vực này, lo lắng: “Vừa rồi có vụ nổ liên quan đến hóa chất làm chết người nên những người dân sống ở đây vô cùng hoang mang và lo lắng vì chẳng biết những "quả bom" ở đây bao giờ sẽ phát nổ. Nguy hiểm nhất vẫn là các cửa hàng bán hóa chất ở dưới khu chung cư. Chung cư người ra vào thường xuyên, không có lối thoát hiểm, nếu cháy nổ thì thiệt hại về người là không thể tránh khỏi”.

 Không chỉ ở quận 5 mà các quận huyện khác cũng đều có các điểm kinh doanh hóa chất nằm rải rác trong khu dân cư như quận 3, quận 10, quận 6, Tân Bình... Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, hiện thành phố có hơn 400 cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất nhưng chỉ có 150 cơ sở đủ điều kiện về môi trường và phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất là có tới 139 cơ sở kinh doanh hóa chất nhỏ lẻ nằm đan cài trong khu dân cư, chỉ một số ít các cơ sở nằm trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Loay hoay quản lý

Trước những nguy cơ về cháy nổ tại chợ hóa chất Kim Biên, UBND TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định di dời chợ hóa chất này ra khu vực ngoại thành. Tuy nhiên, việc di dời đang gặp khó khăn. Bà Trịnh Thị Phương Thảo, Phó Phòng y tế quận 5, cho biết quận đã có chủ trương di dời các cơ sở kinh doanh hóa chất, phụ gia vào Trung tâm thương mại Đông Phương. Thế nhưng, các hộ kinh doanh ở đây không đồng tình, bởi nếu di dời vào đây chi phí mặt bằng sẽ cao, điều kiện kinh doanh không thuận lợi so với mặt bằng hiện tại. “Nếu các hộ không đồng tình thì quận cũng không thể nào ép họ được. Hiện nay chỉ còn cách duy nhất là tuyên truyền vận động cho người kinh doanh ở đây hiểu để họ chấp thuận”, bà Thảo cho biết.

Trong khi việc di dời chưa thực hiện được thì việc quản lý kinh doanh các loại hóa chất cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Theo bà Thảo, các cửa hàng tại chợ Kim Biên chỉ là nơi trưng bày, còn các kho hàng nằm rải rác ở các quận, huyện khác. “Điều đáng lo ngại là những kho hàng này thường là nhà ở và không phải là nơi đơn vị đăng ký kinh doanh nên rất khó kiểm soát. Bởi nếu muốn kiểm tra nhà ở thì phải có lệnh khám nhà. Muốn có lệnh khám nhà thì phải đảm bảo 100% có hàng trong nhà mà chúng tôi thì không thể đảm bảo được 100% trong nhà đó có chứa các loại hóa chất cấm”.


Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cũng thừa nhận việc quản lý các loại hóa chất, đặc biệt là những loại hóa chất dễ gây cháy nổ đang có sự chồng chéo, khó khăn và có nhiều kẽ hở. Trong đó, hóa chất liên quan đến phụ gia thực phẩm do ngành y tế quản lý, hóa chất liên quan đến sản xuất phân hữu cơ do ngành nông nghiệp chịu trách nhiệm, hóa chất phân bón vô cơ do ngành công thương quản lý, còn các loại hóa chất phục vụ cho khoa học kỹ thuật thì lại do ngành công an quản lý...

Để hỗ trợ các ngành chức năng trong việc quản lý, UBND thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy tại các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao, đặc biệt là nơi kinh doanh hóa chất. Điều tra, lập danh sách các điểm sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất; quản lý chặt việc cấp giấy phép kinh doanh ngành nghề sản xuất có hóa chất dễ gây cháy nổ. Đồng thời xây dựng đề án thành lập chợ đầu mối kinh doanh hóa chất để di dời tất cả cơ sở kinh doanh các loại hóa chất ra khỏi khu dân cư... UBND thành phố cũng yêu cầu các quận, huyện xây dựng lộ trình di dời các điểm kinh doanh hóa chất và. Chủ tịch quận, huyện sẽ phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra cháy nổ lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản xảy ra trên địa bàn.


Bài, ảnh: Đan Phương

Tăng cường kiểm soát buôn bán bất hợp pháp chất thải và hóa chất
Tăng cường kiểm soát buôn bán bất hợp pháp chất thải và hóa chất

Sáng 6/10, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) tổ chức “Hội thảo tăng cường năng lực kiểm soát buôn bán bất hợp pháp chất thải và hóa chất”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN