Hiểm họa cháy nổ, 'bài toán' khó giải tại các khu dân cư

Sau hàng trăm vụ cháy nổ trong những tháng đầu năm, mới đây, 3 vụ cháy lớn liên tiếp xảy ra tại các khu dân cư ở Hà Nội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm 16 người thương vong.

Hiện trường vụ cháy lớn xảy ra tại ngôi nhà 4 tầng trong ngõ 41 phố Vọng, Hai Bà Trưng (Hà Nội) ngày 19/7/2017. Ảnh: TTXVN phát

Một trong những nguyên nhân dẫn đến thảm kịch này được xác định là do người lao động, người dân bất cẩn trước “bà hỏa”. Điều đó cho thấy, “bài toán” an toàn phòng cháy chữa cháy tại các khu dân cư, nhất là những nơi xen lẫn cơ sở kinh doanh, xưởng sản xuất, đang trở nên khó giải.

Lo ngại hiểm họa 

Hơn một tháng sau khi “bà hỏa” gây họa, xưởng nhựa rộng hàng trăm mét vuông ở xóm Ân, thôn Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội, của ông Nguyễn Văn Cương (sinh năm 1979, người địa phương) vẫn chưa thể hoạt động trở lại. Hỏa hoạn khiến toàn bộ kết cấu mái, khung của xưởng nhựa bị phá hủy. Những chậu cây cảnh quý hiếm trị giá hàng trăm triệu đồng ở khuôn viên xưởng nhựa, nay chỉ còn lại phần gốc đen thui và cành khô trơ trọi. Nền gạch trong nhà xưởng cũng bị lửa làm rạn nứt. Thời điểm kinh hoàng ấy, 8 xe cứu hỏa cùng hàng chục cán bộ, chiến sỹ cảnh sát phòng cháy chữa cháy sử dụng vòi rồng liên tục phun nước, không để lửa lan sang nhà dân liền kề, rồi dùng búa phá lớp tôn phía bên ngoài, mới dập tắt được lửa sau hai giờ đồng hồ.

Ngỡ sau vụ “bà hỏa” gây thiệt hại lớn, ý thức về phòng chống cháy nổ của 20 cơ sở sản xuất, nhà xưởng và người dân xóm Ân, và rộng hơn là gần 100 cơ sở trong xã Tân Triều, sẽ thay đổi, cảnh giác hơn. Song thực tế cho thấy, sự chủ quan, bất cẩn trước cháy nổ vẫn lộ rõ và dường như, bất kỳ các biện pháp an toàn, phòng chống cháy nổ đều không được chú ý thực hiện. 

Nhiều lao động ở đây khi được hỏi đều nói "biết rõ cách sử dụng bình cứu hỏa", nhưng khi yêu cầu phân biệt bình chữa cháy bằng khí CO2, bình bột, hay thao tác sử dụng các loại bình chữa cháy thì... lúng túng. Còn bên trong mỗi nhà xưởng, dưới những bảng điện, ổ điện là ngổn ngang hàng trăm bao tải nén chặt phế liệu, bao tải chứa hạt nhựa. Thậm chí phế liệu còn chất cao chung quanh các xưởng sản xuất, “lèn chặt” những cột điện phía ngoài. Tất cả đều không đảm bảo khoảng cách an toàn. Không gian ngột ngạt, bức bối, nóng hầm hập và đặc quánh mùi nhựa tái chế!

Khẩu trang bịt kín, khuôn mặt hốc hác vì mệt mỏi, ông Hà Văn Minh, một người dân thôn Triều Khúc, lo âu cho hay: Đồ trong các cơ sở phế liệu, sản xuất, tái chế nhựa ở Triều Khúc toàn đồ dễ cháy. Đã cháy chỉ có cháy hết, khó dập lắm. Không hiểu vì sao mà sự mất an toàn để lâu như thế mà các cơ sở này vẫn tồn tại được. “Cháy nổ xảy ra, xe chữa cháy của cảnh sát có vào được bên trong thôn xóm để dập lửa đâu. Như trường hợp cháy xưởng nhựa nhà ông Cương mới đây, xe chữa cháy phải đỗ cách xa cả trăm mét còn cảnh sát phải kéo vòi rồng vào rồi mới phun nước dập lửa”, ông Hà Văn Minh lắc đầu ngao ngán nói.

Di dời các cơ sở mất an toàn

Trao đổi với phóng viên, Đại úy Nguyễn Tuấn Dũng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy số 7 cho hay: Huyện Thanh Trì có 463 cơ sở thuộc diện nguy cơ về cháy nổ, tăng 109 cơ sở so với năm trước. Trong đó, 117 cơ sở là kho, bãi chứa hàng. Đáng lo nhất là tại khu vực làng nghề ở Tân Triều khi nhà dân chen lẫn nhà xưởng và người dân sinh hoạt, làm việc ngay trong nhà xưởng.

“Số lượng cơ sở sản xuất lớn, nằm lẫn trong khu dân cư, đường giao thông nhỏ hẹp. Khu dân cư lại ở trên đất xen kẹt, đất nông nghiệp và đất lấn chiếm để thu mua, tái chế phế liệu. Khi xảy ra cháy nổ xe chữa cháy không thể tiếp cận được hiện trường. Tân Triều cũng không có nguồn nước phục vụ chữa cháy, các trụ nước đều không có nước. Đây là một khu vực tự phát rất mất an toàn cháy nổ và khi xảy ra hỏa hoạn thì có khả năng gây hậu quả nghiêm trọng”, Đại úy Nguyễn Tuấn Dũng cho biết.

Trong nhóm bị “bà hỏa” đe dọa còn có khu vực đường Đê La Thành, quận Đống Đa, Hà Nội. Kéo dài 2km từ ngã tư Ô Chợ Dừa đến ngã tư Cầu Giấy, mật độ các xưởng cơ khí lớn, nhỏ cùng các hộ kinh doanh, sản xuất đồ gỗ, sơn, gò hàn, khung nhôm kính, cửa sắt, tại đây san sát, dày đặc, xen kẽ nhà dân. Những cơ sở này chiếm dụng một phần vỉa hè làm nơi đặt các loại máy cắt kim loại và chứa vật liệu sắt thép hoặc đồ gỗ, bên trong nhà chứa các vật liệu dễ cháy. Thực tế là vụ cháy lớn vào đầu năm nay ở cửa hàng số 913 Đê La Thành đã cho thấy tính chất phức tạp khi xảy ra hỏa hoạn tại khu vực này. Do có nhiều nguyên vật liệu dễ bắt lửa như gỗ nên hỏa hoạn bùng phát nhanh, bên cạnh đó tuyến đường Đê La Thành lại nhỏ, hẹp và đông người gây trở ngại cho công tác chữa cháy, nên dù sau đó được dập tắt, song lửa đã thiêu rụi toàn bộ tầng 2 cùng tầng tum của nhà số 913 và ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhà bên cạnh.

Khi được hỏi, nhiều hộ dân trên đường Đê La Thành phản ánh: Lao động tại các nhà xưởng ở khu vực này hầu như không được trang bị bảo hộ lao động, hoặc có cũng không sử dụng. Việc hàn, xì thường diễn ra trên vỉa hè trước cửa những nhà này. Ý thức kém cộng với những thiết bị dễ gây hỏa hoạn khiến người dân khu vực này thường trực nỗi ám ảnh về nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào.

Nhiều cán bộ, chiến sỹ thuộc lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy của Hà Nội cũng cho biết: Việc chữa cháy tại đường Đê La Thành cũng gặp trở ngại, khó khăn từ mật độ giao thông dày đặc ở đây, nhất là vào giờ cao điểm. Nếu xảy ra sự cố cháy nổ, xe cứu hỏa khó có thể tiếp cận hiện trường, ảnh hưởng đến tiến độ chữa cháy cũng như công tác cứu hộ, cứu nạn. Bên cạnh đó, nhà cửa khu vực này san sát, các xưởng sản xuất chủ yếu chỉ có 1 cửa thoát hiểm duy nhất ở mặt tiền nên cũng là vấn đề đáng lo ngại.

Xã Tân Triều hay tuyến đường Đê La Thành chỉ là phần nhỏ trong tổng số 4 vạn cơ sở ở Hà Nội có khả năng bị "bà hỏa" hỏi thăm. Báo cáo mới đây của Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố Hà Nội đã cho thấy tính chất ngày càng phức tạp, diễn biến khó lường của hỏa hoạn khi 6 tháng đầu năm toàn thành phố xảy ra 447 vụ cháy, làm 3 người chết, 2 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính trên 300 tỷ đồng. Trong số vụ cháy trên, địa bàn nội thành xảy ra 290 vụ, ngoại thành xảy ra 157 vụ và chủ yếu là xảy ra cháy tại nhà dân với 210 vụ, cháy kho xưởng 70 vụ, cơ sở kinh doanh 30 vụ.

Đặc biệt, 3 vụ cháy lớn liên tiếp xảy ra vào tháng 7 tại các khu dân cư khiến 16 người thương vong, chính là cảnh báo cho ý thức của người dân cũng như công tác quản lý của các cơ quan chức năng và địa phương trong phòng chống cháy nổ. Đồng thời cho thấy, “bài toán” an toàn phòng cháy chữa cháy tại các khu dân cư, nhất là khu dân cư có chen lẫn cơ sở sản xuất, kinh doanh, đang trở nên khó giải hơn bao giờ.

Để ngăn chặn hiểm họa cháy nổ, đầu tháng 8/2017, UBND thành phố Hà Nội có kế hoạch di dời các cơ sở không bảo đảm phòng cháy, chữa cháy ra khỏi khu dân cư, nơi đông người. Nhưng trong thời gian chờ đợi thành phố tổ chức rà soát, khảo sát, thống kê, đánh giá, lập danh sách và tổ chức di dời các cơ sở này, thì như chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Hoàng Trung Hải trong cuộc làm việc với Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố Hà Nội mới đây: "Dù đã tích cực tuyên truyền nhưng nếu người dân chưa nhận thức được đầy đủ trách nhiệm của mình trong phòng cháy chữa cháy thì trách nhiệm vẫn thuộc về chúng ta".

Hạnh Quỳnh (TTXVN)
Cháy lớn tại Công ty sản xuất đồ nhựa trong KCN Quế Võ
Cháy lớn tại Công ty sản xuất đồ nhựa trong KCN Quế Võ

Hồi 9 giờ 15 phút, ngày 5/8, tại Công ty TNHH Seiyo chuyên sản xuất đồ nhựa nằm trong Khu Công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh) bất ngờ xảy ra hỏa hoạn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN