Đại diện Sở Y tế Hà Nội và đại diện quận Hà Đông cùng thanh, kiểm tra việc kinh doanh rượu tại Nhà hàng Đức Tín 2, số 37 Bà Triệu, Hà Đông. |
Nhọc nhằn đêm hôm
Từ ngày 24/2, Hà Nội đã bắt đầu xuất hiện lẻ tẻ các ca ngộ độc rượu methanol nghiêm trọng. Tuy nhiên, đến 28/2 thì số ca ngộ độc bắt đầu nhập viện dồn dập, có thời điểm gần chục ca nguy kịch phải cấp cứu tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.
Trước thực trạng này, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các Sở Y tế, Sở Công Thương phối hợp với các sở ngành chức năng cùng ra quân thu giữ, truy xuất bằng được nguồn rượu độc hại còn “ẩn náu” trong cộng đồng.
“Giai đoạn đầu, khi mới có các ca ngộ độc đơn lẻ thì việc điều tra, tìm đầu mối kinh doanh rượu methanol rất khó khăn. Bởi vì,hầu hết bệnh nhân là người nghiện rượu nên thường tự đi mua rượu một mình.1 - 2 ngày sau đó, họ mới xuất hiện biểu hiện nhiễm độc methanol, khi đến cấp cứu tại Trung tâm chống độc thì đều trong tình trạng hôn mê sâu nên không một ai hay biết về nguồn gốc rượu methanol ở đâu”, ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm, Sở Y tế Hà Nội chia sẻ.
Lúc đó, để tìm ra manh mối rượu độc, các cán bộ, nhân viên Chi cục An toàn thực phẩm Hà Nội đã không quản ngại đêm hôm, chia làm nhiều đoàn, phối hợp với quận Đống Đa, quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, đến tận nhà người bệnh để thu thập thông tin, chứng cứ, những mong tìm ra chỉ điểm về loại rượu đã gây ngộ độc nghiêm trọng cho người dân.
“Bất cứ khi nào có thông tin về ca bệnh, chúng tôi đều khẩn trương đến nhà bệnh nhân, tìm đến tận chỗ họ ăn, uống để thu nhặt từng mẫu vỏ chai, dù là không còn chút rượu nào cũng mang về làm xét nghiệm methanol nhằm có cơ sở khuyến cáo người dân”, ông Trần Ngọc Tụ cho biết.
May là đến ngày 29/2, bắt đầu có bệnh nhân ngộ độc rượu tỉnh lại và khai báo về nơi mua rượu. Ngay lập tức, các cán bộ y tế đã phối hợp với UBND quận Hà Đông, Đống Đa đến ngay cơ sở kinh doanh để thu giữ rượu nghi có hàm lượng methanol vượt ngưỡng nhiều lần cho phép. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với cơ quan công an truy tìm nơi cung cấp, sản xuất loại rượu độc này.
Hàng trăm đoàn kiểm tra ráo riết ra quân
Theo ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, dù 10 ngày nay không xuất hiện ca ngộ độc methanol mới, tuy nhiên,các đoàn kiểm tra chuyên ngành, liên ngành vẫn đang ráo riết kiểm tra, xử lý những sai phạm liên quan sản xuất, kinh doanh rượu không đúng quy định.
“Ngoài 8 đoàn kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội, 33 đội quản lý thị trường của Bộ Công thương, hơn 640 đoàn kiểm tra của các quận/huyện cũng đang ra quân kiểm tra các cơ sở bán hàng tạp hóa, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố có bản lẻ rượu. Chúng tôi chủ trương xử lý nghiêm việc kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt, lấy mẫu xét nghiệm phân tích đánh giá kịp thời, cảnh báo nguy cơ cho cộng đồng”, ông Trần Văn Chung nhấn mạnh.
Đại diện Sở Y tế cũng cho biết, trong đợt ra quân này, các đoàn kiểm tra đều được quán triệt về công tác kiểm tra đột xuất, bí mật về địa điểm thanh tra để đảm bảo giữ nguyên hiện trường, tránh tình trạng chủ sản xuất, kinh doanh tẩu tán các loại rượu không rõ nguồn gốc.
“Rất mừng là trong quá trình ra quân truy tìm rượu methanol, các quận huyện đã có những cách làm sáng tạo, hiệu quả. Đơn cử, trước khi tiến hành thanh, kiểm tra, quận Thanh Xuân đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến từng hộ gia đình về tác hại của việc kinh doanh, sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, không nhãn mác. Sau khi hiểu rõ vấn đề, nhiều người dân đã tự động giao nộp rất nhiều rượu không rõ nguồn gốc cho cơ quan chức năng”, ông Chung cho biết.
Được biết, tới đây, Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền về tác hại của rượu methanol, tập trung vào đối tượng đích là người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng, nhất là nhóm công nhân xây dựng, người lao động từ tỉnh khác đến. Tiếp tục tổng thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất, pha chế, kinh doanh rượu, tập trung vào rượu pha chế thủ công, thức ăn đường phố, cửa hàng tạp hóa…
Đặc biệt, các cơ quan chức năng đang phối hợp để truy xuất nguồn gốc rượu liên quan đến các bệnh nhân ở các quận Hà Đông, Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Phúc Thọ, Hai Bà Trưng. Hiện nay, đã phát hiện rượu nhãn “Duy Hảo” (Thanh Oai,Hà Nội) không bảo đảm ATTP, có nguy cơ gây ngộ độc cho người sử dụng; vụ việc đang được cơ quan công an tiếp tục điều tra làm rõ.