Điều trị cho bệnh nhân ngộ độc methanol tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: BV |
Báo cáo nhanh sáng 14/3 của Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội về tình hình ngộ độc rượu methanol (cồn công nghiệp) trên địa bàn nêu rõ, bệnh nhân là Tống Anh D. (58 tuổi ở ngõ 223 Phố Vọng, phường Đồng Tâm, Hai Bà Trưng).
Trước đó, 8 giờ 30 phút sáng 12/3, bệnh nhân được cấp cứu tại BV Phòng không không quân trong tình trạng nôn ra máu, mệt mỏi vật vã kích thích, đồng tử giãn…
Tại đây, bệnh nhân được các bác sĩ chẩn đoán phải theo dõi hôn mê gan, viêm gan rượu. Tới hơn 12 giờ , bệnh nhân được chuyển lên Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai). Sau đó, khoảng 14 giờ, bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm chống độc trong tình trạng hôn mê sâu.
Các bác sĩ chống độc đã lọc máu cấp cứu, dùng thuốc giải độc nhưng bệnh nhân vẫn hôn mê phải thở máy. Khi tiến hành chụp cắt lớp não của bệnh nhân phát hiện có tổn thương chảy máu nhiều 2 bên não, tiên lượng tử vong cao. Đặc biệt, kết quả xét nghiệm cho thấy, nồng độ methanol 142mg/dL; trong khi nồng độ methanol trong máu trên 20 mg/dL là ngộ độc, trên 40 mg/dL là ngộ độc rất nặng. Vì tình trạng nguy kịch của bệnh nhân nên chiều 13/3, gia đình xin bệnh viện đưa bệnh nhân về nhà.
Người nhà bệnh nhân D. cho biết, bệnh nhân nghiện rượu nhiều năm, hay uống rượu ở ngõ cạnh cây xăng, khu vực ngã tư đường Trường Chinh - Giải Phóng Trước khi vào viện 2 ngày, bệnh nhân mệt mỏi không ăn uống được, nôn ra cả máu đen.
Như vậy, từ ngày 26/2 đến sáng 14/3, Hà Nội đã ghi nhận 25 bệnh nhân ngộ độc rượu methanol; trong đó, 19 bệnh nhân được xuất viện, 2 bệnh nhân tử vong và 1 bệnh nhân gia đình xin về do hôn mê sâu, bệnh viện tiên lượng tử vong.
Bà Hoàng Thị Minh Thu, Phó Chi cục trưởng Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, cho biết: Sở Y tế Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các đoàn kiểm tra dịch vụ ăn uống tại quận Hai Bà Trưng, truy xuất nguồn gốc rượu liên quan đến bệnh nhân. Mặt khác, cơ quan chức năng cũng chỉ đạo điều tra thống kê các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu; tổ chức điều tra, truy nguyên nguồn gốc sản phẩm rượu liên quan đến các bệnh nhân ngộ độc methanol.
Cùng với đó, tổ chức ký cam kết trách nhiệm không kinh doanh rượu không nguồn gốc, xuất xứ, rượu không có nhãn mác, rượu không công bố sản phẩm theo quy định, đồng thời yêu cầu chủ cơ sở kinh doanh phải công khai nguồn gốc rượu và giấy chức nhận cam kết an toàn thực phẩm cho khách hàng tại từng cơ sở.