Vẫn tiềm ẩn những vụ ngộ độc rượu nghiêm trọng như ở Lai Châu

“Bài học từ vụ ngộ độc rượu methanol khiến nhiều người tử vong ở Lai Châu cho thấy, nếu không làm tốt việc kiểm soát chất lượng rượu, sẽ còn xảy ra những vụ ngộ độc rượu nghiêm trọng tương tự”.

Đó là khẳng định của GS.TS Mai Trọng Khoa, Giám đốc Trung tâm ung bướu, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

Bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đang thăm khám cho bệnh nhân ngộ độc rượu tại Lai Châu. Ảnh: BV.

Theo GS Mai Trọng Khoa, ngộ độc methanol là nguyên nhân chính dẫn đến sự cố y tế đang xảy ra tại xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.


Sở dĩ các chuyên gia đi đến kết luận đó là vì, xét nghiệm rượu trong máu của các bệnh nhân cho thấy nồng độ methanol cao hơn nhiều lần; xét nghiệm các mẫu rượu tại hiện trường cũng cho kết quả nồng độ methanol cao gấp hàng nghìn lần. Đặc biệt, việc sử dụng phác đồ điều trị methanol cho các bệnh nhân có hiệu quả rõ rệt.


“Tại hiện trường vụ việc, rượu methanol có ở mọi nơi, khi công an vào cuộc đã thu không biết bao nhiêu rượu độc. Bài học rút ra là trước đó, không ai kiểm soát việc sản xuất, phân phối rượu nguy hại trong cộng đồng”, GS Khoa chia sẻ.


Rất may, khi vụ việc xảy ra, các đoàn cán bộ của Bệnh viện Bạch Mai có mặt kịp thời để phối hợp với Sở Y tế Lai Châu cùng điều trị cho bệnh nhân. Nhưng theo GS Khoa, tất cả các hoạt động đó đều là bị động, là xử lý hậu quả vụ việc sau khi đã xảy ra những hậu quả nghiêm trọng. Do đó, nếu không làm tốt việc kiểm soát chất lượng rượu, không làm tốt truyền thông, chắc chắn sẽ có những Phong thổ tiếp theo trong một tương lai gần.


Đồng tình với quan điểm này, BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng, chính quyền địa phương còn thiếu những biện pháp quản lý nên tình hình ngộ độc rượu có thể sẽ tăng lên.


Theo BS Nguyên, methanol rất độc, thường gây tử vong hoặc để lại di chứng não, mắt người sử dụng. Đây là chất do người sản xuất cố tình cho để trục lợi nên rất khó kiểm soát (mới xuất hiện ở vùng cao thời gian gần đây).


Đáng nói, việc hướng dẫn người dân các dấu hiệu nhận biết để tránh xa rượu độc là điều không thể vì ngay thử test cũng cũng sai số. Phương pháp chính xác nhất để xác định methanol là kiểm tra trên những máy móc hiện đại nhưng rất đắt, không phải bệnh viện nào cũng được trang bị. Trong khi đó, đồng bào dân tộc có thói quen uống rượu bằng bát (1 bát tương đương với 250 ml rượu) nên càng gia tăng nguy cơ ngộ độc.


“Bởi vậy, nếu không có thông điệp tới cơ quan chức năng để chính quyền các địa phương chủ động vào cuộc, mạnh tay hơn trong việc kiểm soát chát lượng rượu trong cộng đồng thì sẽ còn nhiều vụ ngộ độc rượu đau lòng như ở Lai Châu”, BS Nguyên khuyến cáo.


Trả lời câu hỏi của phóng viên báo Tin Tức, vậy đâu là giải pháp để ngăn chặn các vụ ngộ độc rượu nghiêm trọng tại vùng cao? GS Mai Trọng Khoa, khẳng định: Ngành Y chỉ là đơn vị xử lý công đoạn cuối cùng của sự cố liên quan đến sức khỏe người dân. Việc tuyên truyền phòng bệnh của các bác sĩ điều trị thường có hiệu quả trong phạm vi hẹp. Do đó, giải pháp căn cơ cho vấn đề vẫn là sự chủ động vào cuộc của chính quyền địa phương.


“Quan trọng là cấp tỉnh phải chú trọng đến vấn đề bảo vệ sức khỏe người dân trên địa bàn, cụ thể ở đây là kiểm soát rượu methanol để tránh những hậu quả đáng tiếc. Từ đó, tỉnh mới có những chỉ đạo, giao trách nhiệm cụ thể xuống huyện, và huyện lại triển khai xuống xã”, GS Mai Trọng Khoa nhấn mạnh.


Cũng theo GS Khoa, việc tuyên truyền, phòng tránh ngộ độc rượu cũng thuộc trách nhiệm của y tế cơ sở. Tuy nhiên, nếu chính quyền vào cuộc, tăng cường chỉ đạo và dành kinh phí triển khai thì hiệu quả tuyên truyền sẽ được nâng cao, góp phần hạn chế những vụ ngộ độc đáng tiếc.


Hiện nay, số người có triệu chứng liên quan đến ngộ độc rượu trong và ngoài đám tang tại xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu là 126 người, xuất hiện ở 5 xã, trong đó có 9 người tử vong. Cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã thu giữ, tiêu hủy và vận động nhân dân tiêu hủy gần 4.800 lít rượu không rõ nguồn gốc tại 8 xã trên địa bàn huyện Phong Thổ, trong đó người dân tự tiêu hủy trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương gần 1.000 lít.

Công Hải

Phương Liên
Lai Châu: Thêm một trường hợp tử vong nghi ngộ độc rượu
Lai Châu: Thêm một trường hợp tử vong nghi ngộ độc rượu

Trong khi số nạn nhân trong vụ ngộ độc tập thể tại bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đang dần được kiểm soát thì tối 19/2, lại có thêm một nạn nhân tử vong sau nhiều ngày được cấp cứu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN